Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ: Trước ngã ba đường

Phương Quỳnh| 23/07/2017 07:37

(HNM) - Mối quan hệ

Ngành Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ảnh hưởng nặng nếu Đức xem xét lại chính sách hợp tác về du lịch.


Trong một diễn biến mới nhất ngày 21-7, ngay sau khi Đức tuyên bố sẽ phong tỏa lô vũ khí chuẩn bị chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã đưa ra 1 danh sách gồm hơn 680 công ty Đức bị nghi ngờ tài trợ cho khủng bố, trong đó có cả Tập đoàn sản xuất ô tô Daimler và Công ty hóa chất BASF. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng chỉ trích những cảnh báo của Bộ trưởng Kinh tế Đức trước đó 1 ngày khi khuyến cáo các công ty nước này không nên đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ. Ông R.Erdogan cho rằng, Chính phủ Đức nên có lời giải thích về những phần tử khủng bố mà ông cho là Berlin đang chứa chấp, đồng thời khẳng định Đức không thể khiến Ankara sợ hãi trước các lời đe dọa.

Tranh cãi Đức - Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát bắt nguồn từ việc Ankara bắt giam 6 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có 1 công dân Đức tên là Peter Steudtner, với nghi ngờ những người này thuộc một tổ chức khủng bố. Sự việc đã khiến Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel phải rút ngắn thời gian kỳ nghỉ hè, quay trở về Berlin để tham vấn Chính phủ. Theo nhà ngoại giao số 1 của Berlin, công dân Đức di chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với những rủi ro phát sinh. Vì vậy, trang web chính thức của Bộ Ngoại giao nước này đã khuyến cáo người dân nên thận trọng cao độ khi tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên thực tế, không chỉ với Đức, đã từ lâu quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên Liên minh Châu Âu (EU) luôn tồn tại những mâu thuẫn sâu sắc, cho dù hợp tác an ninh và quan hệ kinh tế có nhiều ràng buộc về lợi ích. Lịch sử đã chia rẽ hai bên khi các tranh cãi về việc thừa nhận nạn diệt chủng người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất vẫn còn dai dẳng đến ngày nay. Bên cạnh đó, việc tồn tại một số khác biệt giữa hai bên khiến Cựu lục địa tỏ ra dè dặt trong các quyết định thắt chặt hợp tác. Vì vậy, suốt nhiều năm qua, EU luôn tìm cách trì hoãn hoặc không dành ưu tiên cho việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên.

Tuy nhiên, tranh cãi thực sự nổ ra sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Tổng thống R.Erdogan, người vẫn bảo toàn được quyền lực sau biến cố này, không ít lần ngầm ám chỉ Mỹ và EU hậu thuẫn cho các phần tử âm mưu lật đổ chính quyền, đặc biệt là các tay súng ly khai người Kurd và thành viên của phong trào Fethullah Gulen - một giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang sống tại Mỹ. Hàng loạt chính sách mà ông R.Erdogan đưa ra sau đó nhằm thanh trừng phe đối lập đã vấp phải chỉ trích nặng nề của EU, vì bị cho là đi ngược với các giá trị của Châu Âu.

Căng thẳng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ - Đức có thể đẩy mối quan hệ giữa quốc gia nằm giữa hai lục địa Á - Âu và EU đến bờ vực sụp đổ khi Berlin cảnh báo sẽ xem xét lại toàn bộ mối quan hệ với Ankara. Những bước đi cứng rắn của EU nhiều khả năng sẽ dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ thỏa thuận với liên minh về giải quyết vấn đề người tị nạn.

Nếu động thái này trở thành hiện thực, dòng người từ Trung Đông, Châu Phi lại đổ về Châu Âu khiến nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư của Lục địa già lâm vào thế bế tắc. Giới phân tích cho rằng, cả Thổ Nhĩ Kỳ và EU đang đứng trước ngã ba đường lịch sử và đây sẽ là thời điểm họ phải quyết định bản chất mối quan hệ liên minh trong tương lai. Điều chỉnh quan hệ thế nào là bài toán các nước cần sớm tìm lời giải nhằm tránh tạo thêm một điểm nóng bất ổn mới trong bối cảnh thế giới còn quá nhiều vấn đề cần hợp lực để giải quyết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ: Trước ngã ba đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.