Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ đồng minh Mỹ - Pakistan: Dấu hiệu nồng ấm trở lại

Hoàng Linh| 26/12/2019 07:18

(HNM) - Chính quyền Mỹ vừa cho phép Pakistan tham gia trở lại Chương trình đào tạo và huấn luyện quân sự quốc tế (IMET). Quyết định này được xem là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai đồng minh truyền thống Washington và Islamabad đang dần nồng ấm trở lại.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, việc khôi phục lại tư cách tham gia chương trình này của Pakistan mở ra cơ hội cải thiện hợp tác song phương giữa hai nước đối với một số vấn đề ưu tiên, nhằm tăng cường an ninh và sự ổn định cho khu vực.

Việc Mỹ cho phép Pakistan tham gia trở lại Chương trình IMET sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.

Hơn một thập kỷ qua, IMET (nằm dưới sự giám sát của Bộ Ngoại giao Mỹ) được coi là trụ cột quan trọng trong quan hệ quân sự giữa Washington và Islamabad. Chương trình này cung cấp 66 suất đào tạo mỗi năm cho các sĩ quan của Pakistan tại các học viện quân sự của Mỹ.

Trước đây, Mỹ thường cố gắng “cách ly” chương trình đào tạo này khỏi các mâu thuẫn chính trị, nhằm duy trì quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ và lâu dài với Pakistan. Tuy nhiên, từ tháng 9-2017, Pakistan bất ngờ bị đình chỉ tham gia IMET khi Tổng thống Donald Trump quyết định đóng băng viện trợ an ninh cho quốc gia Nam Á này.

Theo ông chủ Nhà Trắng, Islamabad không những không tích cực truy quét các cơ sở của Taliban tại Pakistan cũng như mạng lưới khủng bố Haqqani liên kết với lực lượng phiến quân Afghanistan, mà còn thường xuyên "lừa dối" chính quyền Mỹ dù đã nhận được 33 tỷ USD viện trợ trong suốt 15 năm trước đó.

Về phần mình, Pakistan bác bỏ các cáo buộc trên của giới chức Mỹ về việc hậu thuẫn cho khủng bố, ngược lại cho rằng Washington chỉ lấy Islamabad làm cái cớ cho những thất bại trong cuộc chiến kéo dài gần 18 năm tại Afghanistan. Pakistan cũng chỉ trích Mỹ chưa bù đắp nổi một nửa những tổn thất mà quốc gia Nam Á phải gánh chịu khi tham gia các nỗ lực chống khủng bố do Washington tiến hành, vốn được ước tính vào khoảng 70 tỷ USD. Đó là chưa kể khoảng 70.000 thường dân và hơn 10.000 binh lính, cảnh sát Pakistan đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ.

Thực tế, việc Mỹ hàn gắn lại quan hệ với đồng minh quan trọng ở Trung Đông lần này là điều được dự báo trước, đặc biệt từ sau cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Pakistan Imran Khan tại Nhà Trắng vào tháng 7-2019. Thời gian qua, Washington cũng nhiều lần hoan nghênh Pakistan có tiến bộ trong các nỗ lực chống khủng bố, đặc biệt là việc giúp đàm phán với lực lượng Taliban ở Afghanistan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình rút lui của quân đội Mỹ. Đáng chú ý, giới phân tích cũng chỉ ra rằng, ngoài việc chống khủng bố, Mỹ cũng còn một lý do quan trọng để hâm nóng mối quan hệ vào lúc này.

Đó là việc Pakistan suốt hơn nửa thế kỷ qua luôn là đối trọng mà Washington cần tới trong nỗ lực kiềm chế sức ảnh hưởng của các quốc gia đối thủ tại khu vực Trung Đông. Trong bối cảnh những căng thẳng quốc tế ngày càng nóng lên, hiển nhiên những đồng minh chiến lược như Islamabad là điều Washington không thể lơ là. Tuy nhiên, để quan hệ Mỹ - Pakistan trở lại như xưa sẽ cần thêm thời gian. IMET tuy là bước khởi đầu quan trọng nhưng mới chỉ là một phần nhỏ trong chương trình viện trợ giá trị lên tới 2 tỷ USD mà Mỹ đang muốn dành cho đồng minh “phi NATO” thân cận của mình.

Không thể phủ nhận bước đi lần này của Mỹ là động thái hàn gắn đầy giá trị mà Pakistan có thể nắm bắt được. Tuy nhiên, để quan hệ song phương chặt chẽ trở lại, Washington và Islamabad sẽ phải mạnh dạn vượt ra ngoài những hợp tác về quân sự, tiến tới thảo luận thẳng thắn về những lợi ích chính trị của mỗi bên ở khu vực Trung Đông. Trong đó, vấn đề Afghanistan, vốn luôn xuất hiện trong các tranh cãi giữa hai nước, sẽ là “hòn đá tảng” cần phải được giải quyết một cách triệt để.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ đồng minh Mỹ - Pakistan: Dấu hiệu nồng ấm trở lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.