Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Armenia-Azerbaijan: Bóng đen lại bao trùm

Quỳnh Chi| 08/09/2012 04:59

(HNM) - Tiến trình hòa bình giữa Armenia và nước láng giềng Azerbaijan có nguy cơ bị đẩy lùi vì những căng thẳng liên tục gia tăng trong tuần qua...


Việc vinh danh R.Safarov (giữa) đang gây căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan.

Mặc dù lấy lý do bị kích động vì người thân bị sát hại trong cuộc chiến tranh giữa Azerbaijan và Armenia; đồng thời cáo buộc sĩ quan người Armenia đã xúc phạm tổ quốc, song R.Safarov vẫn bị kết án tù chung thân. Sau 8 năm, mọi tranh cãi tưởng chừng đã lắng xuống lại bùng phát từ cuối tháng 8 khi Hungary chấp nhận dẫn độ viên sĩ quan này về Azerbaijan để tiếp tục thụ án. Tuy nhiên, sự việc diễn ra tiếp theo nằm ngoài dự liệu của chính quyền Budapest.

Baku đã không giữ đúng cam kết. Ngay khi về nước, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã ra lệnh ân xá cho R.Safarov và thăng chức cho viên sĩ quan này lên hàm thiếu tá. Ngoài ra, người bị Armenia xem là tội phạm này còn được tặng một căn nhà cùng khoản tiền thưởng tương đương 8 năm làm việc và được chào đón như một người hùng tại quê hương... Những vinh danh này được cho là khiêu khích từ phía Baku đã khiến Yerevan nổi cơn thịnh nộ. Ngoài quyết định cắt đứt quan hệ với Hungary, Tổng thống Armenia Serzh Sarkisian đã không ngần ngại cảnh báo sẵn sàng mở cuộc chiến tranh với Azerbaijan. Ngày 6-9, phát biểu trong họp báo chung với Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, Tổng thống S.Sarkisian tuyên bố, việc tôn vinh một tên tội phạm như một anh hùng là không thể chấp nhận được và động thái đáng xấu hổ của Azerbaijan đang đe dọa nghiêm trọng tới tình hình an ninh của toàn khu vực Nam Caucasus. Đáp lại, Ngoại trưởng Azerbaijan Elmar Mammadyarov cho rằng, cần xem xét trường hợp Ramil Safarov trong bối cảnh Armenia triển khai nhiều chính sách hiếu chiến với Azerbaijan và các chính sách phân biệt chủng tộc của Armenia với người thiểu số Azerbaijan.

Mâu thuẫn leo thang khiến dư luận quốc tế lo ngại sẽ làm tái bùng phát cuộc xung đột giữa hai quốc gia từng sống chung dưới "mái nhà" Liên Xô cũ tại khu vực Nagorny - Karabakh như đã xảy ra vào những năm 1990 làm khoảng 30.000 người thiệt mạng. Thời điểm đó, những người ly khai được Armenia hậu thuẫn đã chiếm Nagorny-Karabakh và 7 khu vực hành chính bao quanh. Đây là vùng đất nằm bên trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng có đa số người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập với Armenia. Hiện tại, Nagorny - Karabakh được đặt dưới sự bảo vệ của quân đội Armenia. Nhưng, lo ngại phản ứng của cộng đồng quốc tế, Armenia chưa bao giờ chính thức sáp nhập Nagorny - Karabakh vào lãnh thổ của mình. Điều này càng nuôi thêm hy vọng độc lập cho chính quyền Nagorny - Karabakh. Vì thế, dù một thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian ra đời năm 1994, nhưng các vụ nổ súng vẫn thường xảy ra tại khu vực biên giới giữa hai nước.

Hai năm trở lại đây, một nhóm trung gian hòa giải thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), do Nga, Pháp và Mỹ làm đồng chủ tịch với tên gọi: "Nhóm Minsk" đã được thành lập nhằm thúc đẩy Armenia và Azerbaijan tiến tới ký kết hiệp định hòa bình. Tuy nhiên, do lập trường quá khác biệt giữa các bên liên quan nên mọi giải pháp nhằm tháo gỡ mâu thuẫn vẫn chưa đạt được tiến triển. Và, căng thẳng xung quanh sự trở về của "nhân vật" R.Safarov đang có nguy cơ phá hỏng mọi nỗ lực của "Nhóm Minsk" trong thời gian qua. Vì vậy, hoàn toàn có thể hiểu được nội dung thông điệp của Tổng Thư ký NATO A.Rasmussen gửi tới Azerbaijan trong chuyến đi tới Baku ngày 7-9, đã không xuất hiện những ngôn từ "có cánh" như thông lệ ngoại giao mà bao hàm những quan ngại như: "Vụ việc đang hủy hoại lòng tin và không đóng góp cho tiến trình hòa bình, và căng thẳng giữa hai nước sẽ đẩy lùi những bước tiến nhằm thúc đẩy hợp tác và hòa giải trong khu vực".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Armenia-Azerbaijan: Bóng đen lại bao trùm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.