(HNM) - Kết thúc phần trả lời chất vấn của 4 thành viên Chính phủ, chiều 19-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo giải trình bổ sung một số vấn đề được nhiều ĐBQH và đồng bào cử tri cả nước quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐBQH.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 19-11. |
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Thủ tướng cho biết, tại kỳ họp này, ĐBQH gửi các thành viên Chính phủ 149 phiếu chất vấn. Trong đó có 17 phiếu gửi đến Thủ tướng. Thủ tướng đã giao các nội dung chất vấn tới các thành viên Chính phủ để trả lời các vị đại biểu. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cung cấp thêm một số vấn đề mà cử tri cả nước, ĐBQH đặc biệt quan tâm. Cụ thể, về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết, tuy còn không ít khó khăn, hạn chế nhưng với những kết quả đạt được, có cơ sở để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014 mà Chính phủ đã báo cáo QH, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 5,8%.
Liên quan tới tình hình nợ công, Thủ tướng khẳng định, giai đoạn 2011-2015, kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ là 335 nghìn tỷ đồng, gấp 2,5 lần giai đoạn 2006-2010; đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và bảo lãnh vay để đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu… do đó, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015. Mức nợ công này vẫn trong giới hạn an toàn cho phép theo Nghị quyết của QH. Song, vấn đề gây lo lắng trong xã hội là nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ trong ngắn hạn rất lớn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng. Cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh; tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn…
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có kế hoạch và đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định là không quá 25%). Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, Việt Nam còn sử dụng một phần vay mới với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để đảo nợ, góp phần làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn. Việc đảo nợ này không làm tăng tổng số nợ công và phù hợp với Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế. Gần đây nhất, ngày 7-11-2014, Việt Nam đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với mức lãi suất 4,8%/năm để đảo nợ các khoản trái phiếu chính phủ đã phát hành trước đây (năm 2005 và năm 2010) với lãi suất bình quân 6,8%/năm, làm giảm đáng kể chi phí lãi vay, đồng thời xác lập chuẩn lãi suất mới có lợi hơn cho các hoạt động kinh tế - tài chính của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong thời gian tới Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công. Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, bảo đảm theo đúng quy định và trong giới hạn cho phép. Phấn đấu đến năm 2020, nợ công giảm còn khoảng 60,2% GDP (quy định là không quá 65% GDP), nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP (quy định là không quá 55% GDP) và tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20% (quy định là không quá 25%)…
Đúng 16h, Thủ tướng bắt đầu nghe và trả lời trực tiếp chất vấn của ĐBQH. Trả lời câu hỏi của ĐB Thích Thanh Quyết (Đoàn Quảng Ninh) về quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đối với Trung Quốc hay là tất cả các nước trên thế giới, chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, đã được nêu trong Điều 12 của Hiến pháp năm 2013. Đó là: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Việt Nam mong muốn hai bên (Việt Nam - Trung Quốc (PV)) đều chân thành hợp tác, gìn giữ hòa bình, hữu nghị, hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi, cùng thịnh vượng và giải quyết thỏa đáng những bất đồng. Nói một cách ngắn gọn theo đề nghị của ĐB, Thủ tướng đã đưa ra sáu chữ: "Vừa hợp tác, vừa đấu tranh".
Về ý kiến chất vấn của ĐB Thân Đức Nam (Đoàn Đà Nẵng) liên quan đến đảo Gạc Ma, Thủ tướng khẳng định: Đồng chí, đồng bào cả nước đều biết đảo Gạc Ma và một số đảo trong quần đảo Trường Sa chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988. Trong tình thế lúc đó, chúng ta đã cùng với các nước ASEAN ký với Trung Quốc tuyên bố chung về thái độ ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông, gọi tắt là DOC. Theo đó, các bên giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm, mọi tranh chấp giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực để giải quyết. Về việc Trung Quốc bồi lấp biển mà báo chí thông tin, Thủ tướng khẳng định lập trường phản đối của Việt Nam, vì sự việc này đã vi phạm Điều 5 DOC mà Trung Quốc là một bên ký kết. Lập trường này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã nhiều lần khẳng định. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 25 vừa qua, Thủ tướng cũng đã nhiều lần nhắc lại lập trường này.
Thủ tướng cũng ghi nhận ý kiến của ĐB Đỗ Văn Đương (Đoàn TP Hồ Chí Minh) về việc thành lập Bộ Kinh tế biển, nhưng cho rằng nếu lập bộ này để làm tất cả mọi thứ (khai thác thủy sản, dầu khí, du lịch, quốc phòng trên biển...) thì chưa chắc đã thực hiện được. Hiện nay, Bộ TN-MT được giao quản lý tài nguyên biển, còn từng lĩnh vực thì giao cho từng bộ. Chẳng hạn, khai thác thủy sản là giao cho Bộ NN&PTNT, vận tải biển là Bộ GT-VT, khai thác dầu khí giao cho Bộ Công thương, du lịch là Bộ VH-TT&DL. Cần tổng kết đánh giá để làm sao có bộ chủ trì quản lý và bộ phối hợp.
Trả lời câu hỏi về vai trò của Chính phủ trong xử lý nợ xấu và liệu có dùng ngân sách để xử lý nợ xấu như một số nước khác, Thủ tướng chia sẻ: "Chúng ta không có ngân sách và không sử dụng ngân sách để làm việc này. Nhưng, không có ngân sách thì chúng ta vẫn có nhiều cách để thực hiện mục tiêu đến năm 2015 giảm nợ xấu xuống dưới 3%. Chính phủ sẽ chỉ đạo để làm tốt hơn, nhanh hơn, vững
chắc hơn".
Danh sách các ĐBQH muốn chất vấn Thủ tướng tiếp đó còn khá dài, song do thời gian có hạn, về một số vấn đề ĐB nêu như trọng dụng nhân tài, hạn chế chảy máu chất xám ra nước ngoài; tình trạng quá tải ở các bệnh viện... Thủ tướng sẽ trả lời bằng văn bản đến các ĐBQH và công khai chi tiết trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Đại biểu đánh giá cao trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ ĐB Nguyệt Hường (Đoàn Hà Nội): Làm rõ những vấn đề nóng Báo cáo của Thủ tướng trả lời các chất vấn của ĐBQH đã đi thẳng vào 6 vấn đề quan trọng trong kỳ họp lần này, đồng thời chỉ ra những cơ sở để đạt được kết quả KT-XH năm 2014 và mục tiêu phát triển năm 2015. Trả lời chất vấn trực tiếp, Thủ tướng đã khẳng định rõ những vấn đề quan trọng, nhấn mạnh 3 khâu đột phá chiến lược như: Thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng; giải quyết nợ xấu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm nghèo nhanh và bền vững… Đặc biệt, Thủ tướng đã phân tích rõ nguyên nhân nợ công tăng cao và cách giải quyết với thời gian rõ ràng… Những cơ sở vững chắc đó đã củng cố thêm niềm tin của ĐBQH trước khi quyết nghị những chính sách quan trọng trong thời gian tới. ĐB Bùi Đức Thụ (Đoàn Lai Châu): Đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém Trong phát biểu, Thủ tướng đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế cũng như đưa ra những biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Ví dụ, với năng suất lao động thấp, Thủ tướng đã chỉ ra nhiều giải pháp như: Cơ cấu lại nền kinh tế, áp dụng khoa học - công nghệ để sử dụng hợp lý thời gian đối với mỗi lao động. Như vậy, chắc chắn năng suất sẽ được nâng cao trong thời gian tới. Tôi đồng tình với những giải pháp chung mà Thủ tướng nêu, tuy nhiên từ quan điểm chung về chính sách, cần cụ thể hóa để thực thi. Như vấn đề nợ công, những năm tới khi nhu cầu chi cao, bội chi ngân sách còn lớn, trong điều kiện cơ cấu lại nguồn vay để giảm áp lực trả nợ thì cần những giải pháp để huy động được nguồn vốn dài hơn, lãi suất thấp hơn. Bên cạnh đó, cần thắt chặt chi ngân sách, hạn chế thấp nhất những dự án kém hiệu quả, như thế an ninh kinh tế của nước ta mới được bảo đảm. ĐB Lê Nam (Đoàn Thanh Hóa): Yên lòng khi nghe Thủ tướng nói về vấn đề Biển Đông Nghe những câu trả lời của Thủ tướng về Biển Đông, tôi rất yên lòng. Thứ nhất, Thủ tướng đã khẳng định rằng chủ quyền của chúng ta bị xâm hại. Thứ hai là nêu được đối sách của Đảng và Nhà nước bảo vệ chủ quyền Biển Đông. Trong bối cảnh này, và quan trọng là ở diễn đàn QH, câu trả lời của Thủ tướng thể hiện rõ quan điểm chính thống, và đó là điều cần thiết. Ngoài ra, tôi đồng tình với những giải pháp mà Thủ tướng nêu ra khi trả lời về các vấn đề KT-XH. Việt Nga - Hải Hàghi |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.