An toàn thực phẩm

Quán cơm bình dân: Tiện lợi nhưng tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn

Thu Trang - Nguyễn Ngọc 09/07/2024 - 06:43

Với sự tiện lợi và giá cả hợp lý, các quán cơm bình dân luôn là lựa chọn hàng đầu của nhiều sinh viên lên thành phố học, phải sống xa gia đình.

Tuy nhiên, đằng sau hình thức ăn uống này là nguy cơ mất an toàn thực phẩm, kéo theo không ít hệ lụy đối với sức khỏe.

sinh-vien-lua-chon-thuc-an-.jpg
Sinh viên lựa chọn thức ăn tại một quán cơm gần ký túc xá Mễ Trì (quận Thanh Xuân). Ảnh: Ngọc Nguyễn

Hệ lụy với sức khỏe…

Một thực trạng của đa số sinh viên hiện nay, đó là ngại nấu ăn và chỉ cần ăn uống qua loa để “lấp đầy bụng”. Do đó, họ chấp nhận bỏ ra 20.000-30.000 đồng để mua một suất cơm vừa rẻ vừa tiện lợi. Điều đó lý giải vì sao những quán cơm sinh viên gần khu vực các trường đại học luôn đông khách. Tuy nhiên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại các hàng quán này đang ngày một lớn.

Mới đây, sau khi ăn tối tại một quán cơm gần ký túc xá, em Trần Văn Dũng (sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) bị đau quặn bụng từng cơn kèm theo triệu chứng tiêu chảy. Sau đó, Dũng đã ra hiệu thuốc mua thuốc về uống nhưng không đỡ. Khi thấy cơ thể mệt lả, bụng đau ngày một dữ dội hơn, Dũng mới đến Phòng khám Đa khoa 182 Lương Thế Vinh (Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội) để thăm khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán, nam bệnh nhân bị nhiễm độc thức ăn phải truyền dịch và điều trị dài ngày.

“Ban đầu, em nghĩ không có gì nghiêm trọng nên đã chủ quan. Thế nhưng, sau khi sức khỏe bị ảnh hưởng, phải truyền dịch để phục hồi, em mới thấy lo lắng. Trước đây, em thường xuyên ăn uống tại những quán cơm bình dân dù biết không bảo đảm vệ sinh. Sau sự việc này, em sẽ cẩn thận hơn đối với vấn đề ăn uống của bản thân…”, em Trần Văn Dũng chia sẻ.

Tương tự, em Nguyễn Trọng Nam (sinh viên Trường Đại học Lao động - Xã hội) cho biết: Em thường ăn uống ngay tại các quán hàng khu vực cổng trường. Dù nhìn bằng mắt thường cũng nhận thấy các quán hàng này không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm nhưng vì giá thành phù hợp với túi tiền của sinh viên nên em vẫn lựa chọn.

Suốt trong năm học đầu tiên, em Nguyễn Quỳnh Trang (sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đã lựa chọn quán cơm bình dân để ăn qua ngày. Thế nhưng, khi nhận thấy, việc ăn uống ở những quán ăn này không bảo đảm vệ sinh và về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nên từ năm học thứ hai, Trang đã chuyển sang tự nấu ăn.

“Tự chế biến những món ăn mình thích, dù mất thêm thời gian nhưng bù lại món ăn bảo đảm vệ sinh, hợp khẩu vị sẽ giúp sức khỏe được bảo đảm”, Quỳnh Trang tâm sự.

Đừng nên “tiện đâu ăn đó”

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 6-2024, cả nước xảy ra 20 vụ ngộ độc thực phẩm làm 372 người bị ngộ độc. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 55 vụ ngộ độc thực phẩm làm 2.397 người bị ngộ độc, trong đó có 6 người tử vong. Dựa trên tình hình thực tế, có 2 loại hình nguy cơ xảy ra ngộ độc thời gian qua, đó là thức ăn đường phố và bếp ăn khu công nghiệp, trường học.

Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long, nguyên nhân gây ra một số vụ ngộ độc thực phẩm thời gian gần đây được xác định là do vi khuẩn Salmonella, Bacillus Cereus… Thời tiết nắng nóng như hiện nay thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, đã dẫn tới các vụ ngộ độc. Trong khi đó, một số người kinh doanh vì lợi nhuận, sử dụng nguyên liệu giá rẻ, không bảo đảm an toàn thực phẩm, dẫn đến việc không bảo đảm an toàn cho các bữa ăn.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, thức ăn đường phố rất khó để kiểm soát. Nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể đến ở tất cả các khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán thực phẩm. Do đó, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các quán ăn đường phố; cùng với đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người bán hàng...

Nhiều chuyên gia dẫn chứng, có những thực phẩm, thức ăn cho dù đã được nấu chín nhưng qua kiểm tra lại xuất hiện vi khuẩn gây bệnh nguy hại. Lý do là việc bày bán thực phẩm ngoài trời, không che đậy hoặc che đậy không bảo đảm, không có phương pháp bảo quản lạnh… khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm vi khuẩn, dính bụi bẩn từ đường phố. Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ khỏe lại sau vài ngày. Trường hợp nặng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, người tiêu dùng, nhất là các bạn học sinh, sinh viên nên bỏ thói quen “tiện đâu ăn đó”, thấy quán ăn mất vệ sinh nhưng vẫn bước vào.

Trước thực tế đó, theo Bộ Y tế, thời gian tới, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, trong đó tập trung từ quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng, xử lý nghiêm vi phạm…

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn. Riêng với các chủ hàng quán di động vỉa hè phải được tập huấn về an toàn thực phẩm, phải được kiểm tra thường xuyên về an toàn vệ sinh thực phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quán cơm bình dân: Tiện lợi nhưng tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.