(HNMO) - Hơn 50 quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã ký một bản ghi nhớ nội bộ, phản đối chính sách của Mỹ ở Syria, kêu gọi nước này có hành động quân sự chống lại chế độ của ông Bashar al-Assad.
Trang tin CNN cho biết, trong bản ghi nhớ, các quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng, thay đổi chế độ ở Syria là cách duy nhất để đánh bại tổ chức khủng bố IS.
Nhóm quan chức này cũng cho rằng, chính sách của Mỹ ở Trung Đông không đủ sức chống lại bạo lực đang tiếp diễn ở Syria, Mỹ cần phải có những hành động tập trung hơn và cứng rắn hơn.
Bản ghi nhớ nội bộ đã được gửi đi thông qua "kênh bất đồng chính kiến", một cơ chế cho phép các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra những quan điểm khác nhau về chính sách đối ngoại của nước này một cách tự do, không lo bị trả thù. Cơ chế này được thành lập vào năm 1960 trong cuộc chiến tranh Việt Nam để đảm bảo các nhà lãnh đạo cấp cao của Bộ ngoại giao biết được các quan điểm chính sách khác về cuộc chiến tranh.
Trong số 51 quan chức ký bản ghi nhớ, không có quan chức cấp cao nào. Tuy nhiên, nhiều người trong số những người ký bản ghi nhớ đảm nhận công việc liên quan đến các chính sách về Syria trong vài năm qua, hoặc ở Washington, hoặc ở nước ngoài.
Ngoại trưởng John Kerry đã ủng hộ quan điểm tăng cường sức mạnh quân sự Mỹ tại Syria để buộc ông Assad thương lượng về một giải pháp chính trị lâu dài.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama không muốn dấn sâu hơn vào cuộc xung đột ở Syria, nhưng các quan chức biết rõ về bản ghi nhớ cho biết, các quan chức Bộ Ngoại giao có thể thúc đẩy một cuộc tranh luận chính sách trong cuộc bầu cử sắp tới. Bà Hillary Clinton đã hứa hẹn một chính sách cứng rắn hơn đối với ông Assad, trong khi ông Donald Trump đã cam kết đẩy IS vào thế khó, nhưng sẽ hợp tác với Nga.
Thông tin về bản ghi nhớ được tiết lộ trong bối cảnh Nga vẫn đang tiến hành các cuộc không kích chống lại quân nổi dậy Syria được Mỹ hậu thuẫn ở miền nam Syria. Trước đó, Nga cho biết, nước này muốn có một lệnh ngừng bắn lâu dài ở phía bắc thành phố Aleppo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.