Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quá nhiều bất cập!

Đỗ Hà| 26/03/2012 07:35

(HNM) - Đến nay, huyện Thanh Trì đã có 100% trạm cấp nước (TCN) được khai thác và sử dụng hiệu quả; trên 80% dân số được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, hiện công tác quản lý, khai thác TCN đang bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến tỷ lệ thất thoát nước cao, chất lượng nước không bảo đảm.


Thu không đủ chi

Huyện Thanh Trì hiện có 33 TCN sinh hoạt ở tất cả các xã, thị trấn với 3 mô hình quản lý vận hành. Trong đó 28 TCN đang giao cho các HTX dịch vụ tổng hợp quản lý, khai thác và bán nước đến hộ dân; 4 TCN do DN quản lý; 1 TCN do Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện quản lý. Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Toàn, các mô hình đều có nhược điểm riêng nên gây ra bất cập trong quản lý, khai thác. "Mô hình HTX quản lý có ưu điểm cán bộ quản lý là người địa phương, ngoài quản lý cấp nước họ còn làm dịch vụ nông nghiệp, nên việc quản lý, thu tiền nước rất thuận lợi. Tuy nhiên, ở mô hình này hầu hết cán bộ không có chuyên môn, họ chỉ được tập huấn ngắn hạn nên gặp khó khăn khi vận hành công trình, nhất là khâu xử lý nước" - ông Toàn phân tích. Hơn nữa, đây là công trình do Nhà nước và nhân dân cùng làm, HTX được giao quản lý (mang tính chất công ích) nên trách nhiệm của họ trong bảo quản công trình chưa cao, có tư tưởng trông chờ vào ngân sách; việc xử lý các sự cố, hỏng hóc trong quá trình vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng không kịp thời nên nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Chính hạn chế đó đã dẫn đến tỷ lệ thất thoát nước cao (30-45%).

Đối với mô hình DN tư nhân quản lý, ưu điểm là công nhân có trình độ chuyên môn, có trách nhiệm cao. Tuy nhiên, đây là loại công trình đầu tư với số tiền lớn, trong khi số hộ sử dụng nước thấp so với công suất thiết kế nên các DN rơi vào cảnh thua lỗ. Cụ thể, tại xã Tam Hiệp hiện có 2 TCN tập trung là Tựu Liệt và Huỳnh Cung 2 do DN tư nhân đầu tư, quản lý, vận hành. Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, đến nay số hộ sử dụng nước quá thấp nên DN thu không đủ chi. Theo thiết kế, mỗi trạm cấp cho 1.000 hộ dân nhưng đến nay TCN Tựu Liệt mới có 700 hộ dùng nước và TCN Huỳnh Cung 2 chỉ có 320 hộ. Từ chỗ doanh thu hằng năm đạt thấp, không đủ chi vào khấu hao tài sản nên DN đã hạn chế tối đa chi phí xử lý nước, dẫn đến chất lượng nước thấp, chưa đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Xã Tả Thanh Oai có 3 TCN đều được giao cho các HTX dịch vụ tổng hợp quản lý, khai thác và bán nước đến hộ dân. Tại TCN thôn Siêu Quần được đầu tư xây dựng từ năm 2000, đến nay hệ thống sân, nền của TCN đã bị lún, bục vỡ; hệ thống đường ống bị han rỉ, bục, vỡ do không được sửa chữa, nâng cấp đã gây thất thoát nước lớn. Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ tổng hợp Siêu Quần Lê Đình Mão lý giải: "Giá điện, nhân công cao, trong khi giá bán nước lại thấp... nên tiền lãi từ kinh doanh nước tại trạm mỗi năm chỉ dư được trên 10 triệu đồng, không đủ sửa chữa nhỏ nên không có tiền để đầu tư cải tạo, nâng cấp".

Cần chuyển đổi mô hình quản lý


Nhiều hạng mục công trình TCN sạch thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai đang xuống cấp.

Khó khăn lớn nhất trong quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung ở Thanh Trì hiện nay là cơ chế tài chính bất cập. Hiện giá nước không được tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, mà chỉ đủ chi phí tiền điện, tiền lương và duy tu bảo dưỡng thường xuyên, còn kinh phí cho việc sửa chữa, nâng cấp, đầu tư cải tạo… không biết trông chờ vào đâu. Hiện các TCN trên địa bàn Thanh Trì thu giá nước từ 2.500-4.000 đồng/m3 (không tính bậc thang) trong khi tỷ lệ thất thoát nước lớn do các trạm ngày càng xuống cấp nên doanh thu đạt thấp, không có lãi. Không những nhiều TCN sạch xuống cấp, một số trạm chưa làm tốt việc vệ sinh hệ thống xử lý nước nên chất lượng nước cấp không bảo đảm. Theo quy định, các TCN phải có hệ thống khử khuẩn nguồn nước bằng clo bột hay clo khí để khử khuẩn, nhưng thực tế vẫn có TCN chỉ sử dụng điện phân muối ăn hoặc javel để khử khuẩn. Theo kết quả xét nghiệm do Trung tâm Y tế huyện kiểm tra cuối năm 2011, có 30/34 trạm có hàm lượng clo dư trong nước nhưng chỉ có 14/34 mẫu đạt tiêu chuẩn quy định (0,3mg/l - 0,5mg/l), 16/34 mẫu không đạt. Đối với kết quả xét nghiệm vi sinh, có 30/34 TCN đạt tiêu chuẩn vi sinh theo quy chuẩn; 4/34 TCN không đạt.

Ông Nguyễn Huy Toàn cho biết, để quản lý, vận hành hiệu quả các TCN, huyện Thanh Trì đang tập trung truyền thông, nâng cao nhận thức về nước sạch nói chung, về quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung nói riêng từ nhà quản lý đến người dân. Huyện sẽ rà soát lại mô hình cấp nước sạch tập trung, nghiên cứu chuyển đổi sang mô hình quản lý phù hợp. Trước mắt, huyện đề nghị các TCN quan tâm đến công tác vệ sinh bể lắng, bể lọc, bể chứa và hệ thống giàn phun, bình sục khí; tu sửa, sục rửa và thay cát định kỳ; 100% số TCN có hệ thống khử khuẩn nguồn nước, đủ hóa chất khử khuẩn, bảo đảm đủ hàm lượng clo dư từ 0,3-0,5mg/l…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quá nhiều bất cập!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.