(HNM) - Những ngày này, nhân dân cả nước đều hướng về Hà Nội, nơi đang sôi nổi diễn ra những hoạt động Đại lễ kỷ niệm mừng thành phố tròn nghìn năm tuổi.
Có thể nói, trong một thiên niên kỷ truyền thống, những giá trị của Thăng Long - Hà Nội là niềm tự hào chung của mỗi người dân nước Việt. Trong Diễn văn khai mạc 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị có đoạn: "Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ, đua tài, góp sức của biết bao khối óc, con tim, của những con người tài hoa, sáng tạo, những bàn tay vàng của những người lao động ở khắp mọi miền đất nước đã về đây chung tay góp sức xây dựng Thủ đô. Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ, chung đúc và lắng đọng các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam...".
Hà Nội là trái tim của cả nước. Muôn tấm lòng cùng hướng về Hà Nội không chỉ với niềm tự hào, hân hoan. Đã có rất nhiều công trình, rất nhiều món quà dâng lên Đại lễ để thể hiện tấm lòng của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp... đối với Thăng Long - Hà Nội. Trong đó có không ít kỷ lục đã được xác lập như 100 chiếc trống đồng đúc thủ công của Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hiệp hội UNESCO Hà Nội, Liên chi hội Di sản Văn hóa Lam Kinh; Công trình thủ công tinh hoa "Chiếu dời đô" của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam; Bức tranh thêu "Cội xưa" của Công ty TNHH Cội Xưa; Công trình Con đường gốm sứ - sáng kiến bắt nguồn từ tình yêu Hà Nội của họa sĩ, nhà báo Nguyễn Thu Thủy; Đôi rồng gốm sứ mô phỏng rồng thời Lý của các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng...
Bên cạnh đó còn có những công trình, những món quà của nhiều tập thể, nghệ nhân, thậm chí chỉ là những con người bình dị trong cuộc sống thường ngày dâng lên Đại lễ. Thật cảm động biết bao khi chỉ là một người thợ nề bình thường như ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) đã bỏ ra 6 năm trời ròng rã để hoàn thiện bộ tác phẩm độc đáo là 100 con rồng uốn từ tre ngà để dâng lên Đại lễ. Tấm lòng thật giản dị mà sâu lắng. Rồi trong hơn 2 năm, nghệ nhân Nguyễn Phương Quang ở Chương Mỹ (Hà Nội) đã dày công để hoàn thành một chiếc bình hoa sen đan bằng mây tre cao tới 6,5m, nặng khoảng 120kg. Từ Bình Dương, Giám đốc một công ty TNHH đã dâng tặng Đại lễ chiếc bình gốm hình trống đồng mang tên "Quốc bình Thăng Long", thể hiện ước nguyện Thăng Long - Hà Nội nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung luôn thái bình, no ấm. Rồi từ làng Chuông (xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội), nghệ nhân Phạm Trần Canh, một thương binh hạng 2/4, đã tặng Hà Nội chiếc nón quai thao đường kính tới 1,4m. Một món quà khác khiến chúng ta vô cùng xúc động đó là bức tranh giấy nghệ thuật của 30 trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề trẻ khuyết tật Quỳnh Hoa (thuộc xã Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội). Để có bức tranh ấy, các cháu đã miệt mài làm trong hơn một tháng trời...
Mỗi đơn vị, tập thể, mỗi người Việt Nam ở bốn phương trời đều có những cách thức thể hiện tình yêu đối với trái tim của Tổ quốc. Đây cũng chính là điều khiến những người đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội phải đau đáu suy nghĩ và hành động trong thời khắc lịch sử khi Thủ đô bước vào thiên niên kỷ mới. Mong mỏi của cả đất nước và từng người dân Việt Nam là từ bệ phóng của nghìn năm Văn hiến và Anh hùng, Hà Nội phải thực sự đổi mới từ tư duy đến hành động, từ tầm nhìn dài rộng đến những bước đi cụ thể để xứng đáng là trái tim của cả nước. Hà Nội hôm nay đang đổi thay từng ngày và vươn mình mạnh mẽ để đáp ứng những kỳ vọng ấy, để Thủ đô góp sức cùng đất nước đưa Việt Nam trở thành con rồng của khu vực và châu lục. Phía trước dù còn bề bộn công việc, song với tình yêu mảnh đất ngàn năm văn hiến, mỗi người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung hãy nỗ lực cống hiến công sức và trí tuệ để các thế hệ con cháu muôn đời sau có quyền tự hào về thế hệ hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.