Bài 5: Hiện thực hóa khát vọng vùng đất bãi

Công nghiệp văn hóa - Ngày đăng : 09:38, 15/11/2024

Dòng sông Mẹ đã được định hình trong không gian phát triển mới của Thủ đô. Tầm nhìn mới mang đến những ý tưởng mới, khát vọng xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa ở bãi sông, bãi nổi Sông Hồng, đồng thời kết nối với những vùng đất giàu di sản truyền thống bên sông, tạo thành một trục phát triển biểu tượng cho khát vọng Rồng bay trong thời đại mới. Tuy nhiên từ khát vọng đến hiện thực hóa vấn là một chặng đường với nhiều việc phải làm…
cover-1-b5.jpg

Dòng sông Mẹ đã được định hình trong không gian phát triển mới của Thủ đô. Tầm nhìn mới mang đến những ý tưởng mới, khát vọng xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa ở bãi sông, bãi nổi sông Hồng, đồng thời kết nối với những vùng đất giàu di sản truyền thống bên sông, tạo thành một trục phát triển biểu tượng cho khát vọng Rồng bay trong thời đại mới. Tuy nhiên, từ khát vọng đến hiện thực vẫn còn nhiều việc phải làm…

box-tuan.jpg

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục rà soát, hoàn thiện để làm rõ hơn chức năng, vị trí, vai trò của Thủ đô trong suốt quá trình lịch sử, thấy rõ được tính đặc thù làm cơ sở khai thác, phát huy các giá trị truyền thống để phát triển Thủ đô; tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế, sứ mệnh của Hà Nội đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước…

Hà Nội tiếp tục nghiên cứu làm rõ phương án quy hoạch phát triển sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Đây chính là động lực phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới mà trong quy hoạch cũng đã xác định rõ, với mô hình phát triển thành phố hai bên sông; làm rõ hơn các nội dung về phát triển đô thị hài hòa với nông thôn, hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; phát triển đô thị theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và các thành phố, đô thị vệ tinh; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô.

Bài toán phát triển sông Hồng được thành phố đặc biệt chú trọng. Cụ thể, ngay sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, trong hơn 1 tháng qua, Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã làm việc với các địa phương nơi có sông Hồng đi qua. Tại các buổi làm việc, bên cạnh việc tập trung làm rõ công tác triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý, đầu tư xây dựng, quản lý đê, quản lý đất đai, các hoạt động xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng…, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập và phê duyệt các quy hoạch 1/500 theo thẩm quyền.

Để bảo vệ an toàn đê điều theo đúng quy định, phát triển vùng bãi, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện khi quy hoạch phát triển các mô hình ven bãi cần lấy ý kiến của ngành Nông nghiệp để vùng bãi phát triển, nhưng phải bảo bảm an toàn.

Hà Nội hoàn toàn có thể kỳ vọng về một thành phố ven sông với không gian rộng mở của các mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái kết nối với không gian văn hóa truyền thống và các loại hình công nghiệp văn hóa dọc tuyến sông Hồng qua các quận, huyện. Hiện các mô hình này đã xuất hiện dù còn manh nha, rời rạc nhưng là khởi đầu cho một chuỗi hoạt động sau này. Các quận, huyện ven sông Hồng cần xây dựng chiến lược phát triển bài bản song song với công tác quy hoạch, không để quy hoạch thiếu khả thi.

Để triển khai hiệu quả các hoạt động liên kết trong phát triển du lịch, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau, giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp. Với tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc sắc, hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt có nhiều tổ hợp dự án du lịch quy mô của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã và đang đầu tư, du lịch xanh, du lịch sinh thái ven sông Hồng có nhiều thuận lợi để tiến xa hơn nữa, thậm chí hướng đến trở thành trọng điểm du lịch của cả nước.

Chỉ khi chính quyền vào cuộc, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân, mới có thể tạo động lực để sông Hồng phát triển như kỳ vọng cũng như ý nghĩa lịch sử vốn tồn tại hàng nghìn năm qua.

box-ba-hang.jpg

Tây Hồ là mảnh đất được thiên nhiên ưu ái, với hồ Tây rộng lớn và 4 phường trên địa bàn quận có dòng sông Hồng lịch sử chảy qua, là một lợi thế để Tây Hồ kết nối dòng chảy lịch sử với nhịp sống thời đại, hướng tới một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Khu vực bãi bồi, bãi giữa sông Hồng với diện tích khoảng 370ha là một khu vực có vẻ đẹp tự nhiên, đặc điểm thủy văn, địa chất đa dạng. Điều đặc biệt ở khu vực này là sự chuyển tiếp của không gian thiên nhiên, giữa không gian đóng và không gian mở, giữa hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái mặt nước. Việc khai thác không gian này hiện nay mới dừng lại trong một phạm vi nhỏ, cơ bản diện tích đang để hoang hóa. Thời gian gần đây, nhiều người dân và khách du lịch yêu thích thiên nhiên đã đến với khu vực này. Do vậy, nhiều khu vực đất bãi đã trở thành điểm vui chơi tự phát, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự và gây ô nhiễm môi trường.

158.jpeg
Việc khai thác không gian khu vực Bãi Bồi, Bãi Giữa sông Hồng hiện nay mới dừng lại trong một phạm vi nhỏ, cơ bản diện tích đang để hoang hóa. Ảnh: Việt Nguyễn

Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, có thể tranh thủ, sử dụng nguồn lực từ chính những cơ chế, chính sách để tạo sự hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp, xã hội và cộng đồng dân cư cùng tham gia. Những chính sách linh hoạt, phù hợp có thể tháo gỡ khó khăn về nguồn lực để hướng tới đầu tư xây dựng một không gian văn hóa công cộng đáng sống, tạo dấu ấn, bản sắc cho quận Tây Hồ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

Việc triển khai đề án xây dựng bãi giữa sông Hồng trở thành không gian công cộng, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng phát triển đô thị mở, năng động, hiện đại, nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống lâu đời. Với quận Tây Hồ là các làng nghề truyền thống ven sông Hồng: Đào Nhật Tân, xôi Phú Thượng, quất cảnh Tứ Liên từ bao đời nay đã làm nên phong vị riêng có của Tây Hồ. Do đó, các làng nghề truyền thống cần được bảo tồn, phát huy và quảng bá rộng rãi hơn nữa.

Việc phát triển các làng nghề truyền thống được xác định là nội dung trọng tâm trong đề án xây dựng, khai thác khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn quận Tây Hồ, nhiệm vụ trước mắt là ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại các làng nghề truyền thống; đồng thời xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối các khu vực làng nghề truyền thống của quận Tây Hồ với các tuyến trục chính trung tâm của quận và các địa bàn lân cận.

Cùng với đó, ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tiếp cận, gồm giao thông dọc sông, cầu qua sông, tuyến đường thủy dọc sông… gắn với các giải pháp, bảo đảm hành lang thoát lũ và thích ứng với điều kiện thủy văn của sông Hồng. Đồng thời, phát triển những tổ hợp kiến trúc điểm nhấn dọc sông Hồng gắn với kiểm soát chặt sự chuyển đổi các khu vực hiện hữu và kết nối không gian sinh thái sông Hồng với hệ thống các tuyến sông, mặt nước đô thị.

box-hung(1).jpg

Với mong muốn xây dựng huyện Thanh Trì trở thành huyện trọng điểm phát triển du lịch của Hà Nội, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đã và đang triển khai một số điểm đến du lịch của thành phố theo quy hoạch, như: Khu, tuyến du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn, sinh thái, làng nghề tại 3 xã: Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc; khu, tuyến du lịch tâm linh "Hùng thiêng hào khí”, làng nghề hoa, cây cảnh tại các xã Thanh Liệt, Tân Triều, Tam Hiệp; khu, tuyến phát triển du lịch tâm linh, văn hóa - khoa bảng, trải nghiệm làng nghề, sinh thái tại các xã Đại Áng, Tả Thanh Oai, Hữu Hòa, Vĩnh Quỳnh...

Đến nay, huyện đã xây dựng thành công 8 điểm du lịch được UBND thành phố công nhận tại 8 xã, gồm: Đại Áng, Tân Triều, Thanh Liệt, Tam Hiệp, Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc, Đông Mỹ. Ngoài ra, huyện đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội và một số doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia du lịch tổ chức khảo sát, đánh giá, tư vấn loại sản phẩm du lịch, xác định lộ trình đầu tư phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tế của điểm đến du lịch huyện, theo kế hoạch phát triển du lịch của thành phố Hà Nội, huyện Thanh Trì năm 2024.

Đối với các xã phát triển du lịch, huyện đã tập trung khai thác các thế mạnh, đặc trưng của địa phương, như: Phát triển du lịch xanh, du lịch trải nghiệm tại các xã vùng ven sông Hồng kết nối với phát triển du lịch tâm linh, trải nghiệm tại làng nghề dệt Triều Khúc (xã Tân Triều); làng nghề ẩm thực bánh chưng, bánh dày (xã Duyên Hà); miến dong xã Hữu Hoà và rượu Ngâu (xã Tam Hiệp)... Để hoạt động khai thác du lịch đem lại giá trị văn hóa và kinh tế cao, tạo ra giá trị văn hóa mới, hằng năm, các làng nghề và các xã quan tâm tổ chức các hoạt động truyền dạy nghề, hội thi: “Bàn tay vàng” nhằm quảng bá thương hiệu, tạo sức hút cho du lịch.

Bên cạnh đó, huyện tạo mọi điều kiện thu hút và hỗ trợ đầu tư lĩnh vực công nghiệp văn hóa, phát triển các không gian công cộng, công viên, vườn hoa, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí để kết nối với các điểm du lịch nông nghiệp sinh thái ven sông. Mặt khác, triển khai các dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia, đặc biệt, bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, phát triển đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch, từng bước thực hiện mô hình kinh tế ban đêm tại các điểm du lịch…

box-hong-son.jpg

Sông Hồng qua Hà Nội gần 120km và qua đô thị trung tâm khoảng 40km. Nơi đây không chỉ có tiềm năng về quỹ đất, mà còn mang đậm dấu ấn di sản văn hóa truyền thống, minh chứng cho các thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội gắn với Thăng Long - Hà Nội.

Trong quy hoạch Thủ đô đến 2030 và điều chỉnh quy hoạch chung đến 2045, tầm nhìn 2050 đã xác định đột phá mới, tầm nhìn mới để xây dựng khu vực sông Hồng trở thành trục cảnh quan trung tâm thành phố phát triển hài hòa không gian sinh thái, văn hóa - lịch sử, không gian xanh, đô thị hiện đại và là biểu tượng mới của Hà Nội. Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định: "Tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống phù hợp với quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô". Để thực hiện định hướng trên, rất cần nhìn nhận nhiều vấn đề, cả tồn tại và thách thức.

z6025778825326_169537951ee6f1d0277be326eb73fb62.jpg
Xã Hồng Vân, huyện Thường Tín phát triển mô hình du lịch sinh thái ven sông Hồng. Ảnh: Đỗ Minh

Trong những năm qua, đã có nhiều dự án được đề cập hai bên sông Hồng, nhưng chưa triển khai, do có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, cần trao đổi để có kế thừa và bài học kinh nghiệm. Trong triển khai giai đoạn tới, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Đặc biệt, triển khai các quy hoạch chi tiết trên cơ sở tuân thủ định hướng trong Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và quy hoạch chung Thủ đô đến 2045, tầm nhìn đến 2065. Đây là yêu cầu được xác định trong Nghị quyết 15 - NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát tiển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch phân khu sông Hồng được phê duyệt 2022 đã được nghiên cứu khoa học, có bài học kinh nghiệm và đã xuất hiện những hiện tượng mới cần được xem xét trong tổ chức thực hiện. Mặt khác, cần cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng như xây dựng đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện, đồng thời tăng cường liên kết trong vùng, nhất là với các tỉnh tiếp giáp sông Hồng. Theo đó, cần lưu ý những vấn đề sau:

qh05a-khong-gian-a0-2022-11-13-model.jpg
Bản đồ quy hoạch sông Hồng. Ảnh:Hồng Sơn

Một là, nhu cầu gần gũi với các không gian xanh, tự nhiên và giá trị sinh thái để kiến tạo những không gian mới (công viên, nông nghiệp, nông nghiệp đô thị kết hợp với các hoạt động du lịch, ngoài trời,...) là động lực mới cho cộng đồng hưởng ứng và tham gia phát triển kinh tế, văn hóa gắn kết với tự nhiên, phục hồi môi trường sinh thái tự nhiên, tạo bản sắc riêng cho sông Hồng và Hà Nội phát triển bền vững và sáng tạo. Cần coi trận bão lịch sử Yagi (số 3) vừa qua là động lực, chứ không phải là rào cản của quá trình phát triển.

Hai là, làm thế nào để duy trì những nguyên tắc cốt lõi và khung pháp lý của phòng, chống lũ sông Hồng, trong khi vẫn đưa ra những cải tiến quan trọng về nội dung, bảo đảm hài hoà và sáng tạo. Cùng với đó, xử lý cho đúng mối quan hệ giữa xây dựng kinh tế và bảo vệ hệ sinh thái, xử lý đúng mối quan hệ giữa bảo vệ không gian thoát lũ và sử dụng không gian cho xây dựng công nghiệp văn hóa.

z6025603105522_69a612905d0b242c3a7cdf1f60a990c8.jpg
Hà Nội phát triển gần gũi với các không gian xanh, tự nhiên và giá trị sinh thái các khu đô thị ven sông Hồng. Ảnh: Quang Thái

Đây là hai vấn đề lớn. Tựu trung là cần xây dựng đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện, đổi mới cơ chế, bộ máy quản lý, tăng cường phối hợp liên ngành, liên kết trong vùng, nhất là với các tỉnh tiếp giáp sông Hồng, như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên...

Bài viết: Đào Huyền - Duy Chánh - Quỳnh Dung
Ảnh: Hữu Tiệp - Quang Thái và CTV
Thiết kế - Kỹ thuật: Hữu Tiệp

Đào Huyền - Duy Chánh - Quỳnh Dung