Chính trị

Bài 2: Đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân

Trung Nguyễn - Nguyên Nguyên - Quốc Bình - Mai Hữu 05/12/2023 08:26

Vấn đề được quan tâm nhiều nhất và cũng có nhiều ý kiến nhất tại các cuộc tiếp xúc cử tri có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia đó là đấu tranh với “giặc nội xâm” tham nhũng, tiêu cực. Thấu hiểu nguyện vọng của nhân dân, không phụ sự tin cậy của cử tri cả nước, Tổng Bí thư đã có những tuyên bố đanh thép, chỉ đạo quyết liệt, tạo bước tiến mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thật sự là “Người đốt lò vĩ đại” trong trái tim nhân dân.

“Các bác cứ chờ xem”

Được tham dự những cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều năm nay, chúng tôi thấy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn là mối quan tâm “nóng bỏng” của cán bộ, đảng viên và người dân. Cử tri chất vấn nhiều, chia sẻ nhiều và cũng gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng.

hanoimoi.com.vn-uploads-images-tuandiep-2022-06-23-_a2.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu Quốc hội tại hội nghị tiếp xúc cử tri tại Hà Nội tháng 6-2022. Ảnh: Viết Thành.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và người dân trên khắp mọi miền đất nước, đó chính là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là làm trong sạch hệ thống chính trị, loại bỏ những khối ung nhọt trong đời sống xã hội. Những lời bộc bạch của Tổng Bí thư, cũng là đại biểu dân cử với cử tri, đã cho thấy một sự đồng cảm, một trách nhiệm lớn lao nhưng cũng hết sức nặng nề. Quyết tâm không khoan nhượng với “giặc nội xâm”, với những “con sâu” đang đục khoét nền kinh tế và lòng tin của người dân với hệ thống chính quyền.

Trong cuộc “đốt lò” đầy cam go ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh, nếu không có sự ủng hộ của toàn bộ nhân dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không thành công. Trung ương chỉ đạo làm được là có sự đồng thuận rất lớn của xã hội, nhân dân thường xuyên khích lệ. Ngược lại, những thành quả làm nức lòng dân tạo thêm niềm tin, củng cố quyết tâm làm tốt cuộc đấu tranh này.

hanoimoi.com.vn-uploads-images-tuandiep-2023-05-13-_q7.jpg
Cử tri Hà Nội nêu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri có sự tham gia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2023.

Có những thời điểm, nhất là đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, không ít ý kiến lo rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực chùng xuống, “lò” nguội đi. Khi đặt vấn đề này ra, tất cả đều chờ đợi câu trả lời của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Và đồng chí Tổng Bí thư đã có thông điệp rõ ràng, cụ thể, mạnh mẽ thực sự thuyết phục, củng cố niềm tin cho đồng chí, đồng bào.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đảng, Nhà nước sẽ đấu tranh phòng, chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ. Trong cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư, người đại biểu của dân nêu rõ: “Cuộc chiến đấu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang còn tiếp diễn. Các bác cứ chờ xem. Những vụ trọng tâm, trọng điểm đang làm. Những vụ từ cách đây nhiều năm rất ghê gớm, chi phối, ảnh hưởng tiêu cực tới chế độ, uy tín của Đảng đều sẽ được đưa ra ánh sáng. Ai bao che, ai bỏ trốn rồi cũng sẽ bị xử lý”.

Vừa qua, những vụ án như xảy ra ở hệ thống Đăng kiểm Việt Nam, Việt Á, Tân Hoàng Minh, FLC và mới đây nhất là Vạn Thịnh Phát được đưa ra ánh sáng cho thấy Tổng Bí thư đã nói là làm.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những cán bộ dù ở chức vụ nào khi vi phạm kỷ luật đều bị xử lý nghiêm khắc, nhất là cán bộ nắm trong tay quyền lực mà lại bè cánh, móc nối với nhau, lợi ích nhóm. Cách thức xử lý đối với cán bộ vi phạm được Trung ương thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, rõ đến đâu làm đến đấy, làm từng bước vững chắc, nói như Tổng Bí thư là “làm không thể cãi được”. Quy trình xử lý có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, thống nhất từ xử lý về mặt Đảng, chính quyền đến pháp luật.

Cũng từ ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, công tác chống tham nhũng là rất quan trọng, cần làm quyết liệt nhưng không phải chỉ có nhăm nhăm “chống”; mà việc lâu dài là “xây”. “Chúng ta phải xây để ngăn ngừa, răn đe đừng xảy ra tham nhũng. Nếu ai đã trót nhúng chàm thì gột rửa đi là tốt nhất”, Tổng Bí thư nói. Trên tinh thần đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 20-TB/TW ngày 8-9-2022 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật; trong đó, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật từ chức hoặc chuyển sang công việc khác phù hợp hơn. Thực tế sau đó, một số cán bộ lãnh đạo đã tự giác rút lui khi thấy mình không còn xứng đáng nữa. Đây là điều cử tri và nhân dân đều ghi nhận.

Cử tri Đơn vị bầu cử số 1 (Hà Nội) từng chỉ ra thực trạng việc chống tham nhũng ở Trung ương làm rất mạnh, “lò cháy đùng đùng”, nhưng ở cấp địa phương thì còn im ắng, có nơi chỉ làm cho qua chuyện. Cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) cho rằng, để chống tham nhũng, thoái hóa, biến chất, chỉ riêng Trung ương làm chưa đủ, rất cần có sự chung tay của các địa phương. “Tôi có một câu hỏi là vì sao có hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”, làm thế nào để chuyển lửa về địa phương”- Cử tri đặt vấn đề.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo khắc phục và tại Hội nghị lần thứ năm (khóa XIII), Trung ương đã thống nhất rất cao, nhất trí thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tạo sự thống nhất, đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương.

Kiên trì, bài bản, không có vùng cấm

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thành ủy Hà Nội là đơn vị đầu tiên thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành 31 văn bản để cụ thể hóa, quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Ban Chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội đã đưa vào diện theo dõi để tập trung chỉ đạo xử lý 63 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp.

Cùng với Hà Nội, các ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các tỉnh, thành phố đã khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tạo chuyển biến mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; bước đầu khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Chỉ trong 1 năm, Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã rà soát, đưa 600 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung xử lý. Nhiều địa phương như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên, Khánh Hoà, Thanh Hóa, Lào Cai, Hoà Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, An Giang... đã điều tra, khởi tố nhiều vụ án, nhiều bị can là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý, trong đó có cả nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy; Giám đốc Sở, Bí thư và Chủ tịch UBND cấp huyện...

hanoimoi.com.vn-uploads-images-tuandiep-2023-05-13-_q10.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ tại hội nghị tiếp xúc cử tri tại Hà Nội năm 2023. Ảnh: Viết Thành.

Số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực mới được phát hiện, khởi tố cũng tăng cao. Trong vòng 1 năm kể từ khi thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, các địa phương trong cả nước đã khởi tố 530 vụ án, 1.858 bị can về tội tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần về số vụ án và tăng hơn 800 bị can so với năm 2021. Số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn. Thay vì “trên nóng, dưới lạnh”, giờ đây “trên nóng”, dưới cũng ngày càng “nóng” lên.

Kết quả này cho thấy, tiếng nói của cán bộ, đảng viên, người dân trong các cuộc tiếp xúc cử tri luôn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với vai trò là đại biểu Quốc hội trân trọng, ghi nhận tiếp thu. Tiếng nói của cử tri không chỉ là nguồn thông tin phản ánh thực trạng xã hội, mà còn là động lực để Đảng, Nhà nước chuyển hóa thành những chủ trương, quyết sách quan trọng giải quyết các vấn đề cấp bách mà đất nước đặt ra, trong đó có nạn tham nhũng, tiêu cực.

Nhìn lại hơn 10 năm qua kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trọng trách là Trưởng ban Chỉ đạo đã tạo ra đột phá trong cuộc chiến đấu chống “ giặc nội xâm” ; định hình rõ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ dù người đó là ai”; không có chuyện “hạ cánh an toàn” khi đã “nhúng chàm” . Giờ đây, mỗi người đều thấm thía lời nhắn gửi sâu sắc của Tổng Bí thư rằng: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.

Tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri những năm qua, hoàn toàn có thể nhận thấy, lòng tin của cử tri vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng tăng cao.

↓ XEM TIẾP ↓