Văn hóa

Phường múa rối 300 tuổi ở Đào Thục

Đỗ Minh 29/07/2023 18:34

Lưu giữ hơn 20 tích trò cổ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc từ 3 thế kỷ nay, Phường rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) không chỉ truyền tới người xem khát vọng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc; ca ngợi sự cần cù của nông dân mà còn phản ánh sinh động bối cảnh lịch sử, đời sống văn hóa Việt Nam nhiều thời kỳ…

Làng múa rối

Con đường dẫn đến làng múa rối Đào Thục cho cảm giác yên bình, thân thuộc đến lạ kỳ bởi sự bao quanh của những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn, rặng tre rì rào bốn mùa.

Ngay đầu làng, cạnh ngôi chùa cổ kính là thủy đình - sân khấu của những tiết mục múa rối nước truyền thống có tuổi đời 300 năm của làng Đào Thục. Từng qua nhiều thăng trầm, nhưng tình yêu và nhiệt huyết của nghệ nhân nơi đây dường như không thay đổi. Họ luôn say sưa biểu diễn, miệt mài truyền lửa cho các thế hệ của làng và bảo nhau lưu giữ nghệ thuật múa rối nước, bởi đó là nét văn hóa dân gian đặc sắc vùng Đồng bằng Bắc Bộ…

roi-nuoc-dao-thuc.jpg
Múa rối Đào Thục ở xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh) đã có hơn 300 năm tồn tại, phát triển.

Làng Đào Thục hiện nay vốn được coi là vùng tổ nghề của múa rối nước vùng Bắc Bộ. Theo các nghệ nhân cao niên trong làng, nghề  được cụ Nguyễn Đăng Vinh truyền dạy từ thời vua Lê Dụ Tông (1706-1729). Như vậy, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục đã có hơn 300 năm tồn tại và phát triển...

Tỉ mỉ lau chùi những con rối nước trong nhà truyền thống, nghệ nhân Đinh Thế Văn - người có hơn 40 năm trong nghề, tự hào chia sẻ: Làng Đào Thục có Đào Tướng công, tên thật là Nguyễn Đăng Vinh, quê ở Đào Xá (huyện Yên Phong, Bắc Ninh; nay là làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Theo lời các cụ cao niên, vì yêu nghệ thuật múa rối nước, Đào Tướng công dồn tâm huyết nghiên cứu và truyền bá cho người dân trong làng. Khi đó, nghệ thuật múa rối nước của Đào Thục nổi tiếng khắp nơi; có thời kỳ, nhiều nghệ nhân của làng còn được mời biểu diễn ở nước ngoài (Hàn Quốc, Trung Quốc…).

Năm 1735, dân làng Đào Thục đã đề nghị triều đình Hậu Lê phong thần, lập bia đá cho cụ Tổ nghề Nguyễn Đăng Vinh. Hằng năm, vào ngày giỗ Tổ nghề (24 tháng Hai âm lịch), dân làng Đào Thục trang trọng dâng hương tưởng nhớ công đức của ngài.

dao-thuc-5.jpg
Những chú rối nước của làng

Theo nghệ nhân Đinh Thế Văn, sự độc đáo của rối nước Đào Thục là sự tinh tế trong điều khiển con rối, sự phối hợp nhịp nhàng giữa người điều khiển rối với diễn viên hát, nhạc công. Điểm thu hút của múa rối nước nơi đây là sử dụng máy sào dây làm cho con rối lắc đều, vung vẩy được cả hai tay, giúp nghệ nhân điều khiển dễ dàng; đặc biệt, con rối đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại - không giống các phường rối khác, con rối chỉ có thể vào buồng trò bằng cách đi lùi hoặc đi chéo.

roi-nc-dao-thuc-4.jpg
Múa rối nước Đào Thục với nhiều tích truyện thu hút người xem.

Anh Đinh Hoàng Vân, nghệ nhân có hơn 20 năm trong nghề chia sẻ: Nét đặc sắc của múa rối Đào Thục ngoài sự tinh tế của nghệ nhân điều khiển con rối thì sân khấu cũng là điểm rất quan trọng. Múa rối nước là môn nghệ thuật dân gian được kết tinh từ quá trình sáng tạo và lao động của nông dân gắn liền với nghề trồng lúa nước ở Đồng bằng Bắc Bộ; múa rối nước lôi cuốn mạnh mẽ người xem thông qua các tích truyện phản ánh đời sống thường ngày...

Khát khao lưu truyền

Hiện nay, có nhiều loại hình nghệ thuật tinh tế, phong phú, song hơn 20 tích trò cổ trong múa rối nước của làng Đào Thục vẫn khiến nhiều người thích thú. Múa rối nước có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mang khát vọng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc, ca ngợi lao động, tôn vinh giá trị đạo đức, tình cảm của người dân; đồng thời, phản ánh bối cảnh lịch sử, đời sống văn hóa nhiều thời kỳ.

Em Dương Mạnh Hùng, học sinh lớp 8 Trường THCS Cao Bá Quát, xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm), chia sẻ: "Đây là lần đầu em được xem múa rối nước. Thông qua những con rối sinh động, chúng em được biết các tích lịch sử được thể hiện thú vị và đặc sắc...".

Tuy nhiên, như các loại hình nghệ thuật khác, rối nước Đào Thục từng qua rất nhiều thăng trầm. Theo nghệ nhân Đinh Thế Văn, trước kia, nghề rối nước Đào Thục chỉ truyền cho con trai, không được truyền cho con gái. Chỉ mấy chục năm gần đây (những năm 1990), người theo nghề ngày càng ít, múa rối nước có nguy cơ mai một nên làng Đào Thục quyết định dạy nghề cho cả nam và nữ nhằm tạo thêm cơ hội lưu giữ, bảo tồn nghề. Hiện, phường múa rối Đào Thục có khoảng 50 người…

Gắn bó bởi đam mê từ tuổi thơ, chị Đinh Thị Minh, nghệ nhân múa rối nước Đào Thục cho biết: "Đam mê múa rối nước từ nhỏ nên khi được các cụ trong làng cho phép con gái được học nghề, tôi đăng ký tham gia ngay. Hơn 15 năm theo các nghệ nhân đi trình diễn trong làng cũng như các tỉnh, tôi nhận ra, ai cũng vì đam mê mà theo nghề chứ không vì mục đích kinh tế, bởi môn nghệ thuật này từ xưa đến nay phục vụ nhân dân là chính, tiền bán vé chẳng đáng là bao, may lắm thì đủ cho trang phục, đạo cụ… và bớt chút ít gây quỹ cho phường rối nhằm duy trì hoạt động”.

roi-nc-dao-thuc-van-mieu.jpg
Rối nước Đào Thục được trình diễn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
roi-nc-dao-thuc-3.jpg
Rối nước Đào Thục thu hút hàng trăm lượt du khách đến xem và tham quan mỗi năm.Khó khăn là vậy, song những nghệ nhân nơi đây vẫn tâm huyết với nghề. Hiện, nhiều nghệ nhân trẻ lập trang thông tin riêng về Phường múa rối Đào Thục nhằm giới thiệu với khách thập phương loại hình văn hóa dân gian đặc sắc. Phường đã kết nối với một số công ty du lịch phục vụ khách tham quan, thưởng thức nghệ thuật rối nước. Trung bình mỗi năm, phường biểu diễn khoảng 300 buổi ngay tại làng. 

Để phù hợp thời đại, nghệ nhân Phường rối nước Đào Thục còn sáng tác thêm các tiết mục mới ca ngợi quê hương, đất nước như: “Tặng hoa ngày hội”, “Rước ảnh Bác Hồ”, “Hà Nội 12 ngày đêm”...

“Khát khao lớn nhất của chúng tôi là giữ được bản sắc và phát triển môn nghệ thuật dân gian đặc sắc này. Chúng tôi luôn truyền dạy tới thế hệ trẻ về rối nước như một di sản văn hóa vô giá của làng Đào Thục nói riêng và của Việt Nam nói chung. Dù vậy, đau đáu trong chúng tôi vẫn là nỗi lo mai một nghệ thuật múa rối nước, bởi để duy trì, phát triển môn nghệ thuật này còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Chúng tôi mong được sự hỗ trợ từ nhiều cấp, nhiều ngành cùng những người yêu nghệ thuật rối nước để những chú rối sinh động, thân thiện của Đào Thục không dừng lại ở tuổi 300...”, nghệ nhân Đinh Thế Văn nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám thông tin, với việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh nghệ thuật múa rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh, Hà Nội) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã giúp múa rối Đào Thực có thể lưu giữ và phát triển mạnh hơn.

Thời gian tới, huyện sẽ hỗ trợ địa phương trong đào tạo, phát triển nghề, đồng thời, quy hoạch mở rộng khu múa rối nước Đào Thục, kết nối quảng bá, hình thành tuyến du lịch văn hóa đặc sắc của địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phường múa rối 300 tuổi ở Đào Thục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.