(HNM) - Điểm sàn, một trong những yếu tố bị phản đối nhiều nhất trong
Thúc đẩy tuyển sinh dựa trên đánh giá năng lực
Trong khi việc duy trì kỳ thi tuyển sinh chung cho tới năm 2017 nhận được sự đồng tình của các trường ở khâu ra đề chung và thi chung, thì việc sử dụng điểm sàn chung bị cho là vừa thiếu khoa học vừa vi phạm quyền tự chủ của các trường. Mỗi trường, với sứ mạng và yêu cầu khác nhau về năng lực thí sinh, đều muốn tự đưa ra một ngưỡng riêng cùng các tiêu chí phù hợp với điều kiện và ngành nghề đào tạo. Còn điểm sàn vẫn được sử dụng nhiều năm nay, theo phân tích của nhiều chuyên gia, là điểm của 3 môn có phân bố thống kê hoàn toàn khác nhau, lại được đem cộng lại để lấy một điểm chung là vô nghĩa.
Thí sinh tại kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2013. Ảnh: Viết Thành |
Trước những phản đối gay gắt, từ năm 2012-2013, Bộ GD-ĐT đã có những điều chỉnh về phương pháp tính điểm sàn như thay thế cách tính dựa vào nguồn tuyển và chỉ tiêu bằng phương pháp dựa trên phổ điểm. Tuy nhiên, phương pháp này tỏ ra chưa giải quyết thấu đáo được nhiều bất cập, trong đó có một yếu tố quan trọng là chưa đạt được mục tiêu thúc đẩy tuyển sinh dựa trên đánh giá năng lực của thí sinh. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết, đã đến lúc việc dùng điểm sàn để làm ngưỡng tối thiểu cho đầu vào ĐH, CĐ không còn phù hợp. Mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo đòi hỏi đào tạo phải phát huy năng lực của người học, nên tuyển sinh cũng phải hướng đến tuyển theo năng lực chứ không còn là kiểm tra kiến thức. Do vậy, cần có các tiêu chí khác thay thế để đánh giá đúng năng lực của người học. Thay vì chỉ có một tiêu chí là đủ điểm sàn mới trúng tuyển ĐH thì nay có thể kết hợp với việc xem xét kết quả môn thi có phù hợp với ngành học hay không. Có thể tổng điểm 3 môn thi thấp nhưng có môn thi phù hợp với ngành học mà thí sinh đăng ký đạt điểm cao vẫn trúng tuyển. Bên cạnh việc bỏ điểm sàn, các trường, với quyền tự chủ, đã đưa ra nhiều tiêu chí để làm ngưỡng xét tuyển, là phù hợp với mục tiêu tuyển sinh hiện nay.
Bỏ sàn nhưng vẫn có ngưỡng
Băn khoăn dễ thấy nhất sau khi quyết định bỏ điểm sàn được đưa ra là nếu để các trường tự đề ra ngưỡng thì chất lượng đầu vào sẽ không được bảo đảm. Để tránh tình trạng đó, nhiều chuyên gia tuyển sinh đều có chung quan điểm rằng: Với quyền tự chủ được trao, việc tuyển sinh của mỗi trường phải hết sức công khai, minh bạch để bảo đảm chất lượng đầu vào. Các trường phải tự chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý và xã hội. Bộ GD-ĐT cần có các chế tài xử lý nghiêm với những vi phạm và yêu cầu các trường công bố trước rõ ràng cách xét tuyển để cơ quan chuyên môn và xã hội biết, đánh giá. Thông qua đó, xã hội có thể nhận biết được chất lượng đào tạo của từng trường và đào thải những trường kém chất lượng, tuyển sinh bằng mọi giá.
Bộ GD-ĐT cũng đã tuyên bố không thả lỏng chất lượng đầu vào. Những trường tham gia thi "3 chung" vẫn phải tuân thủ tiêu chí chất lượng nguồn tuyển của Bộ. Bộ sẽ lập ra một Hội đồng tư vấn để xây dựng và công bố ngưỡng để các trường làm căn cứ xét tuyển. Lãnh đạo Bộ khẳng định, chắc chắn với nhiều tiêu chí, điều kiện bảo đảm chất lượng, vấn đề tuyển sinh của các trường sẽ tốt hơn, khả thi hơn. Dự kiến, dựa trên mức điểm thi của thí sinh, Bộ sẽ thống kê và công bố phổ điểm của từng môn thi, từ đó đưa ra những mức điểm tương ứng với số phần trăm thí sinh đạt được. Căn cứ vào những mức điểm này, các trường có thể lựa chọn phương án xét tuyển. Bộ cũng có thể giới hạn mức điểm thấp nhất để các trường không thể lấy ở mức quá thấp.
Hiện Bộ GD-ĐT vẫn đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau về phương án thay thế cho điểm sàn và sẽ xây dựng phương án cụ thể để xin ý kiến rộng rãi trong thời gian tới trước khi quyết định. Tiêu chí bảo đảm chất lượng liên quan tới kết quả thi nên sẽ được quyết định sau khi có điểm thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.
Dư luận đang đặt nhiều hy vọng vào những thay đổi theo hướng tích cực trong công tác tuyển sinh hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề kiểm soát chất lượng đầu vào có xu hướng "mở", vấn đề đáng quan tâm không kém, đó là sự sàng lọc trong quá trình đào tạo để có đầu ra bảo đảm chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.