Nông nghiệp

Phúc Thọ gỡ khó cho sản xuất nông nghiệp

Minh Phú 16/11/2023 - 07:37

Được quy hoạch là “vành đai xanh” của Thủ đô, nên nông nghiệp là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của huyện Phúc Thọ. Thế nhưng, người dân nơi đây vẫn còn gặp không ít khó khăn trong sản xuất và kiến nghị các cấp, ngành có giải pháp tháo gỡ.

Thời gian qua, nhiều tuyến kênh mương trên địa bàn một số xã của Phúc Thọ chưa được nạo vét kịp thời, nhiều cây cối hai bên bờ mương chưa được phát quang gây tắc dòng chảy, ảnh hưởng tới tưới, tiêu.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phụng Thượng Đỗ Văn Thắng đề nghị huyện quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục nạo vét kênh Tây Ninh để tạo thuận lợi cho công tác tưới, tiêu.

Tháo gỡ khó khăn cho phát triển nông nghiệp cũng là ý kiến của nhiều người dân huyện Phúc Thọ. Người dân cho rằng, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang do sản xuất không hiệu quả, đề nghị UBND huyện Phúc Thọ chỉ đạo các phòng, ban có liên quan cùng với địa phương tuyên truyền, định hướng mô hình sản xuất hoặc mời gọi các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu thuê đất sản xuất nông nghiệp, tránh để đất bỏ hoang. Một số ý kiến đề nghị UBND huyện hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, giống tốt… cho nhân dân ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.

Với những kiến nghị của người dân, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, để tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, từ năm 2022, UBND huyện đã có Đề án số 07/ĐA-UBND về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở xây dựng mô hình sản xuất và hỗ trợ giống, vật tư, phân bón... để khắc phục diện tích đất bỏ hoang. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện Phúc Thọ, số lượng các địa phương tham gia còn hạn chế. Chẳng hạn, thực hiện Đề án số 07/ĐA-UBND, chỉ có 10/21 xã, thị trấn đăng ký tham gia; về sản xuất cây vụ đông có 9/21 xã, thị trấn đăng ký hỗ trợ.

Hiện nay, huyện đã mời gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, song một số người dân chưa tích cực phối hợp trong việc cho thuê đất. Hiện tại, trên địa bàn huyện đang hình thành chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ dưa bao tử và ngô ngọt của Công ty Đồng Xanh và 7 xã: Hiệp Thuận, Tam Hiệp, Ngọc Tảo, Hát Môn, Long Xuyên, Phúc Hòa, Thọ Lộc với diện tích hơn 40ha nhằm tận dụng diện tích đất bỏ hoang.

Huyện đề nghị các địa phương kết nối với Phòng Kinh tế huyện để tham gia chuỗi liên kết; đồng thời yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn sát sao hơn việc đăng ký nhu cầu hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế của người dân trên địa bàn...

Đối với việc nạo vét kênh mương, UBND huyện Phúc Thọ cho biết, hệ thống kênh tiêu Tây Ninh thuộc thành phố quản lý, nên việc đầu tư thuộc ngân sách thành phố. Năm 2021, UBND thành phố đã giao UBND huyện làm chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh kết hợp đường giao thông, trong đó có tuyến kênh T4, xã Ngọc Tảo. Hiện tại, huyện Phúc Thọ đang triển khai lập dự án trình các sở, ngành thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt. Trong khi chờ thực hiện dự án, UBND huyện đã chỉ đạo đơn vị phụ trách thủy lợi có trách nhiệm khơi thông dòng chảy, vận hành máy bơm để tiêu úng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phúc Thọ gỡ khó cho sản xuất nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.