(HNM) - Thời gian qua, một số cơ sở y tế ở nước ta đã tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19, sau khi điều trị khỏi trở về nhà vẫn xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, tức ngực, khó thở, căng thẳng, rụng tóc… kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng. Những người bệnh này được coi là mắc phải “hội chứng hậu Covid-19” hoặc “Covid-19 kéo dài”. Để vượt qua giai đoạn này, mau chóng phục hồi sức khỏe, người bệnh cần thực hiện chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, thăm khám định kỳ…
Những triệu chứng thường gặp
Một công bố trong năm nay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, Covid-19 có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài. Khoảng 20% số người bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất 1 tháng, 10% trong số này vẫn không thấy khỏe lại sau 12 tuần, một số người từng bị nhiễm vi rút còn rơi vào tình trạng cơ thể suy nhược…
Theo bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), một số nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng, 18 tháng sau khi nhiễm Covid-19, bệnh nhân vẫn còn các triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Những triệu chứng thường gặp là mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau người, khó ngủ, căng thẳng tinh thần, đau tức ngực, khó thở khi vận động mạnh…
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, nước ta có hơn 900.000 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có hơn 800.000 người đã khỏi bệnh. Tiến sĩ Phạm Như Hùng, Tổng Thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam cho biết, có nhiều bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục sau khi khỏi bệnh Covid-19 có các triệu chứng, như: Đau ngực, khó thở, mệt mỏi khi leo cầu thang, hồi hộp nhịp tim nhanh, choáng váng… Sau khi mắc Covid-19, các triệu chứng rối loạn nhịp, như: Hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim nhanh… là khá thường gặp. Nguyên nhân do người bệnh bị mệt mỏi kéo dài sau khi nhiễm Covid-19, nằm điều trị lâu ngày, ít hoạt động sau khi mắc Covid-19…
Còn bác sĩ Lê Xuân Hà, Khoa Nội tổng hợp A (Bệnh viện Hữu Nghị) - người được cử tham gia chi viện cho Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, một số bệnh nhân sau khi được điều trị khỏi Covid-19 về nhà vẫn thường xuyên liên lạc với bác sĩ. Dù đã được điều trị khỏi sau một thời gian dài, nhưng họ vẫn thường bị đau đầu, khó thở đột ngột, không thể làm việc với tần suất như trước. Thậm chí, sau khi điều trị khỏi Covid-19, nhiều người phải đối mặt với tình trạng tóc rụng rất nhiều.
Bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, nhiều bệnh nhân từng nhiễm Covid-19 khoảng 2-3 tháng sau khi khỏi bệnh đã đến bệnh viện để thăm khám, vì bị rụng quá nhiều tóc. Nguyên nhân là do khi mắc Covid-19, bệnh nhân bị sốt, căng thẳng hoặc phải sử dụng một số thuốc điều trị…
Chế độ dinh dưỡng hợp lý, kiểm tra sức khỏe định kỳ
Theo bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, Chuyên khoa hô hấp (Bệnh viện Đa khoa Medlatec), một số bệnh nhân mắc bệnh nhẹ và có thể khỏi bệnh hoàn toàn sau khoảng vài tuần. Tuy nhiên, họ vẫn cần thêm thời gian nghỉ ngơi để cơ thể được hồi phục hoàn toàn. Đối với một số người bệnh ở thể nặng đã gặp phải những biến chứng nghiêm trọng hay từng trải qua cơn nguy kịch, thì trong cơ thể họ vẫn còn tiềm ẩn một số vấn đề sức khỏe đáng lo ngại trong tương lai. Chính vì vậy, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ “hậu Covid-19” là rất cần thiết.
Tiến sĩ Phạm Như Hùng, Tổng Thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam thông tin, các triệu chứng tổn thương tim hồi phục sau Covid-19 phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tổn thương tim. Các dữ liệu lâm sàng cho thấy, rất hiếm bệnh nhân bị Covid-19 có nhồi máu cơ tim nặng nề. Do đó, bệnh nhân sau mắc Covid-19, nên đến khám tim mạch 6 tháng/lần, nhất là khi xuất hiện các triệu chứng, như: Khó thở, đau ngực, nhịp tim nhanh hoặc không đều… để được tầm soát lại các tổn thương tim.
Sau quá trình điều trị căng thẳng, các triệu chứng kéo dài cộng với tinh thần mệt mỏi có thể dẫn tới suy nhược cơ thể nên chế độ dinh dưỡng lúc này là vô cùng quan trọng. Do đó, người nhà cần lưu ý chăm sóc bệnh nhân “hậu Covid-19”. Về vấn đề này, bác sĩ Đỗ Thị Phương Hà, Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khuyến cáo, chăm sóc dinh dưỡng để ổn định sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho người bệnh rất quan trọng. Vì vậy, người phục hồi sau khi mắc Covid-19, nên bảo đảm ăn 3-4 bữa/ngày, có thể chia nhỏ bữa và thêm bữa phụ, ăn nóng, thức ăn nên luộc, hấp, chín mềm. Nếu ăn không đủ, nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng 1-2 cốc/ ngày. Nếu người bệnh ăn ít thịt, có thể thay bằng cá, tôm, cua và ăn các loại đậu, đỗ. Mỗi tuần nên ăn ít nhất 3 bữa cá, 3 quả trứng và ăn thêm sữa chua, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt… Ngoài ra, người bệnh nên kết hợp với các bài thể dục có cường độ nhẹ nhàng, như: Yoga, dưỡng sinh… giúp sức khỏe được phục hồi.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.