(NSHN) - Thời gian qua, trên địa bàn huyện Phú Xuyên, các làng nghề, dịch vụ nông thôn phát triển mạnh mẽ, nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng. Bên cạnh các yếu tố thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, huyện cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng. Trước thực trạng này, Phú Xuyên đang có một số biện pháp cứng rắn nhằm quyết liệt xử lý tồn tại cũ và ngăn chặn vi phạm mới.
Xử lý vi phạm còn chậm
Theo báo cáo của UBND huyện Phú Xuyên, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn có 109 trường hợp vi phạm phát sinh, huyện đã xử lý được 44 trường hợp, còn 65 trường hợp cần tiếp tục xử lý phù hợp. Trong đó, 24 trường hợp vi phạm đất đai năm 2021, 24 trường hợp vi phạm trong năm 2022, 17 trường hợp vi phạm đất đai từ đầu năm 2023 đến nay.
Ngoài các trường hợp vi phạm nêu trên, thực hiện Kết luận số 27-KL/UBKT ngày 20-1-2017 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Kết luận số 309/KL-STNMT-TTr ngày 25-2-2019 của Sở Tài nguyên Môi trường trong lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng, toàn huyện còn 109 trường hợp vi phạm cũ tập trung ở thị trấn Phú Xuyên và các xã: Sơn Hà, Hoàng Long, Châu Can…
Lý giải về tình hình vi phạm đất đai trên địa bàn, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phú Minh Trần Quang Trung cho rằng, chủ yếu do người dân có nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Nhiều trường hợp khi bị phát hiện đổ đất, san nền trên đất công, đất nông nghiệp vào thời điểm ban đêm hoặc ngày lễ, ngày nghỉ..., lực lượng chức năng tại địa phương tới lập biên bản thì người dân không hợp tác khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Phạm Xuân Hải - cán bộ địa chính thị trấn Phú Xuyên, trên địa bàn còn một số trường hợp vi phạm đất nông nghiệp tồn tại từ nhiều năm trước. Điển hình là trường hợp hộ gia đình ông Đầm Văn Nghìn (Tiểu khu Thao Chính) chiếm dụng 216m2 đất nông nghiệp do UBND thị trấn Phú Xuyên quản lý. Gia đình ông Nghìn đã dựng cột bê tông cao 5m, xây bao quanh bằng gạch ba vanh cao 1m, mái lợp tôn khung xà gồ thép. Từ tháng 6-2013, UBND thị trấn Phú Xuyên đã ban hành Quyết định số 197/QĐ-XPHC về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hộ ông Nghìn, số tiền phạt là 2 triệu đồng, buộc khôi phục lại hiện trạng của đất. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc xử lý, cưỡng chế vi phạm của hộ gia đình ông Nghìn vẫn khó khăn.
Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều người dân đang kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Đất đai tới đây sẽ tháo gỡ, hợp thức hóa cho các trường hợp vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng từ lâu dẫn tới việc xử lý các vụ tồn đọng theo kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng tiếp tục gặp khó khăn.
Tại xã Sơn Hà, trong năm 2022, xã đã tổ chức cưỡng chế 5 trường hợp vi phạm, tuy nhiên, trên địa bàn xã đang phát sinh tình trạng vi phạm, cơi nới mới. Ttriển khai thực hiện Kết luận số 27-KL/UBKT ngày 20-1-2017 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy về quản lý đất đai và trật tự xây dựng, xã đã triển khai xử lý được 597/658 trường hợp, trong đó, tồn tại 21 trường hợp vi phạm đất công và 35 trường hợp vi phạm đất nông nghiệp.
Siết chặt quản lý đất đai
Để giải quyết dứt điểm tồn tại cũ, không để phát sinh vi phạm mới, UBND huyện Phú Xuyên đề ra một số biện pháp quyết liệt. Các biện pháp này bao gồm tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác giám sát và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng quy định về đất đai và trật tự xây dựng.
Đơn cử như trường hợp hộ ông Nghìn, theo cán bộ địa chính thị trấn Phú Xuyên Phạm Xuân Hải, để xử lý dứt điểm vi phạm cũ (hiện, chủ tịch thị trấn giai đoạn đó và ông Nghìn đã mất), gia đình ông Nghìn cung cấp nhiều hóa đơn, chứng từ nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp từ năm 1993 đến nay. Do đó, địa phương sẽ nghiên cứu, xin ý kiến hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng theo quy định của Luật Đất đai để giải quyết.
Cũng theo ông Phạm Xuân Hải, thị trấn đã thành lập Tổ ngăn chặn vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng. Khi phát hiện vi phạm mới, Tổ công tác sẽ kiểm tra, thiết lập các văn bản vi phạm theo quy định, yêu cầu người dân tháo dỡ công trình vi phạm ngay trong ngày để tránh tái diễn...
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên Vũ Văn Hữu chia sẻ, quan điểm của UBND huyện là cương quyết xử lý dứt điểm vi phạm ngay từ khi mới xảy ra. Nhờ đó, trong 3 năm trở lại đây, số vụ vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn giảm rõ rệt. Đặc biệt, để ngăn chặn vi phạm về đất đai trên địa bàn, huyện đã phân cấp, phân quyền rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp cơ sở, các đơn vị phối hợp thực hiện việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời trường hợp phát sinh. Huyện cũng yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - chi nhánh Phú Xuyên tạm dừng thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định đối với các thửa đất nông nghiệp đang có vi phạm về trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai…
Để Phú Xuyên thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý đất đai và trật tự xây dựng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định, huyện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cộng đồng quy định về đất đai và trật tự xây dựng. Đặc biệt, huyện tiếp tục tăng cường quản lý và giám sát khu vực có nguy cơ cao về vi phạm như vùng giáp ranh hoặc vùng đang phát triển. Mặt khác, UBND huyện thường xuyên cập nhật các quy định liên quan đến quản lý đất đai và trật tự xây dựng; thiết lập quy trình và tiêu chuẩn rõ ràng, bảo đảm sự minh bạch, công bằng trong quá trình xử lý vi phạm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.