Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phụ thuộc đến bao giờ ?

Quang Linh| 09/02/2011 06:57

(HNM) - Theo đánh giá của Bộ Công thương, điểm bất ngờ với ngành công nghiệp nhẹ trong năm 2010 là sự phục hồi nhanh hơn dự đoán trong các lĩnh vực dệt may, da giày, nhựa. Tuy nhiên, bước sang năm 2011, ngành này được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn...


Đối mặt với giá nguyên liệu tăng cao


Năm 2011 ngành da giày sẽ phải đối mặt với giá nguyên liệu tăng. Ảnh: Trung Kiên


Năm 2010, ngành dệt may đạt thành tích xuất khẩu 11,2 tỷ USD, trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, cùng với tăng trưởng xuất khẩu, các doanh nghiệp (DN) dệt may cũng quan tâm phát triển thị trường nội địa với doanh thu năm 2010 đạt 65.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011-2012, ngành sẽ tiếp tục hướng đi này để có thể tăng thị phần trong thị trường tiêu dùng nội địa, đặc biệt chú ý đến nhu cầu của người tiêu dùng có thu nhập trung bình trở lên ở đô thị. Đối với địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ngành có những đơn vị sản xuất các mặt hàng với mức giá hấp dẫn.

Tuy nhiên, ngành dệt may đang phải đối mặt với tình trạng giá nguyên liệu tăng cao. Giá bông tăng gấp đôi và hiện vẫn chưa có điểm dừng. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mỗi năm ngành phải nhập tới 70% nguyên - phụ liệu, bông nhập khẩu tới 90%, xơ - sợi tổng hợp 40%, vải 50%, phụ liệu 30%. Do chưa chủ động được nguyên, phụ liệu, giá trị nhập khẩu các mặt hàng phụ liệu cả nước hằng năm vẫn ở mức trên dưới 7 tỷ USD. Nguyên nhân khiến các DN phải nhập khẩu phần lớn nguyên -phụ liệu là do sản lượng lẫn diện tích trồng bông trong nước còn quá thấp, một số nguyên - phụ liệu trong nước có giá thành cao.

Gia công đến bao giờ?

Sau dệt may, ngành da giày cũng đạt gần 5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng gần 23% so với năm 2009 và chiếm khoảng 8,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, việc hàng giày mũ da bị tái áp thuế chống bán phá giá của Ủy ban châu Âu (EC) từ đầu năm đã làm cho kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này giảm. Hơn nữa, do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên DN da giày trong năm 2010 vấp phải không ít khó khăn. Trên thực tế, việc sản xuất nguyên - phụ liệu cho ngành trong nước chỉ đáp ứng rất ít nhu cầu nên tỷ lệ nội địa hóa chỉ chiếm khoảng 50%. Chi phí lao động, bao gồm tiền lương và các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp... tăng khoảng 30%. Trong khi đó, giá bán sản phẩm khó tăng hoặc chỉ có thể tăng ở mức nhất định đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh.

Cùng chung tình trạng này là các DN ngành dầu thực vật. Đến nay nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của ngành này, còn lại phải nhập khẩu. Từ tháng 8-2010 đến nay, giá nguyên liệu dầu thực vật nhập khẩu tăng liên tục. Cụ thể, giá bình quân dầu cọ tháng 12-2010 so với tháng 1-2010 tăng 42%, tương đương 340USD/tấn, nhưng giá bán trong nước chỉ tăng 24%. Như vậy, tốc độ tăng của các chi phí đầu vào luôn cao hơn tốc độ tăng giá bán nên đã ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của sản phẩm dầu thực vật.

Ngành nhựa cũng chỉ sản xuất được khoảng 450 nghìn tấn nguyên liệu/năm, đáp ứng chưa được 20% nhu cầu. Liên tục trong các tháng cuối năm, tỷ giá USD/VND biến động mạnh đã khiến DN chịu tác động kép. Song nhờ sự năng động, tích cực của các DN tham gia vào chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường, kim ngạch xuất khẩu của ngành ước đạt trên 1 tỷ USD, có tên trong danh sách các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD của cả nước...

Gánh nặng nguyên, phụ liệu vẫn đang đè trĩu vai ngành công nghiệp nhẹ. Ngay trong năm 2011, nếu không có sự bứt phá, ngành này sẽ vẫn chỉ làm gia công. Lời giải cho bài toán này cũng đặt ra đối với cả ngành công nghiệp Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ thuộc đến bao giờ ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.