Thời gian qua, có nhiều trường hợp tai biết sản khoa gây tử vong mẹ trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước gây tâm lý không tốt trong xã hội. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ, Trẻ em (Bộ Y tế).
Để mẹ tròn con vuông, thai phụ cần cẩn trọng với sức khỏe của mình (Ảnh: Phùng Huy) |
Phóng viên (PV): Xin Tiến sĩ cho biết, tình hình tai biến sản khoa và tử vong mẹ ở Việt Nam so với thế giới như thế nào?
TS Nguyễn Duy Khê: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có 80.000.000 ca đẻ, trong đó có khoảng 10.000.000 ca có tai biến (như vậy cứ 8 ca đẻ thì có một ca tai biến), và trong 80.000.000 ca đẻ có 358.000 trường hợp tử vong mẹ, tương đương với hơn 1.000 trường hợp tử vong mẹ xảy ra trong một ngày.
Ở Việt Nam, so với năm 1990, thì đến năm 2009 tử vong mẹ đã giảm 3 lần, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống xuống còn 69/100.000 trẻ đẻ sống. Nếu tính số ca sinh ở Việt Nam khoảng 1.000.000 trẻ/năm, thì ước tính mỗi năm nước ta vẫn còn từ 690 - 700 ca tử vong mẹ, tức là trung bình vẫn có khoảng 2 ca tử vong mẹ/ngày. Nếu phấn đấu để đạt mục tiêu của Chiến lược Dân số/Sức khỏe sinh sản và cũng là mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số 5 (MDG 5 - giảm 3/4 số tử vong mẹ vào năm 2015 so với năm 1990) thì tỷ số tử vong mẹ ở Việt Nam cần giảm xuống còn 58,3/100.000 trẻ đẻ sống. Nếu đạt được mục tiêu trên, đến năm 2015 ước tính mỗi năm ở Việt Nam vẫn còn 580-600 ca tử vong mẹ.
So sánh với các nước trong khu vực và các nước Đông Nam Á (ĐNA), theo tài liệu của WHO, tỷ số tử vong mẹ tính trên 100.000 trẻ đẻ sống, Việt Nam đạt được là tốt hơn so với Indonesia, Philippines, Miến Điện, Campuchia, Lào. Việt Nam chỉ đứng sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
PV: Thời gian gần đây, dư luận xã hội rất quan tâm đến việc có nhiều sản phụ chết, ở ngay những bệnh viện vùng đồng bằng, nơi có những phương tiện y khoa và kỹ thuật tân tiến hơn cả? Có ý kiến cho rằng, đó là do trình độ yếu kém của y, bác sĩ. Xin Tiến sĩ cho biết ý kiến về nhận xét trên?
TS Nguyễn Duy Khê: Để xảy ra tai biến là điều đáng tiếc và là điều không mong muốn cả cán bộ y tế cũng như gia đình các sản phụ. Mặc dù y học đã có nhiều tiến bộ nhưng trong lĩnh vực sản phụ khoa, các tai biến sản khoa có thể dẫn đến tử vong cho cả mẹ và thai nhi vẫn là và thách thức lớn đối với cán bộ y tế, kể cả ở những cơ sở y tế có trang thiết bị hiện đại và thầy thuốc giỏi, do tính chất diễn biến nhanh, xảy ra bất thường, nhiều khi rất khó dự đoán. Có những tai biến trong sản khoa gây tử vong mẹ gần như là bất khả kháng như tử vong mẹ do thuyên tắc ối. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế, cả Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ cũng đã chỉ đạo là không bao che, phải xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân nếu có vi phạm. Phải nghiêm túc xem xét trong các trường hợp để xảy ra tai biến, ngoài các nguyên nhân có thể do thiếu cán bộ, do tổ chức, bố trí nhân lực chưa hợp lý, thì còn do các nguyên nhân nào khác nữa không? có phải là do chưa thực hiện tốt các quy chế chuyên môn, các quy trình kỹ thuật về chẩn đoán, theo dõi, cấp cứu sản khoa, hoặc là do năng lực trình độ cán bộ y tế ở các tuyến còn yếu để từ đó có các biện pháp giải quyết một cách toàn diện và có hiệu quả.
PV: Trực tiếp hơn, Bộ đã làm gì trước tình trạng trên?
TS. Nguyễn Duy Khê: Ngay sau khi có thông tin về các trường hợp tai biến gây tử vong tại một số địa phương (Bắc Ninh, Hưng Yên và Quảng Ngãi), ngày 23/4/2012, Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em, Cục Quản lý khám, chữa bệnh) đã điện thoại trực tiếp nắm tình hình, đồng thời có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh trên đề nghị khẩn trương kiểm tra cụ thể trường hợp tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh và báo cáo về Bộ Y tế. Sau đó, lãnh đạo Bộ Y tế đã ký các công văn khẩn số 2370/BYT-BMTE ngày 24/4/2012 và 2809/BYT-BMTE ngày 11/5/2012 chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai ngay một số nội dung sau:
Tăng cường kiểm tra, giám sát chấn chỉnh việc thực hiện Luật khám bệnh, chữa bệnh, quy chế bệnh viện và các quy định liên quan, đặc biệt là việc tuân thủ các quy trình, quy chuẩn chuyên môn về chẩn đoán, theo dõi, cấp cứu sản khoa, cấp cứu hồi sức sơ sinh...Đồng thời, sớm có kết luận chuyên môn làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến trường hợp tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, nếu có sai sót phải xử lý nghiêm.
Rà soát tình hình cán bộ về số lượng và năng lực; trang thiết bị và tổ chức nhân sự làm công tác chăm sóc sản khoa nhất là công tác cấp cứu sản khoa ở các tuyến y tế trên địa bàn; những cơ sở không đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết theo quy định thì phải được kịp thời củng cố, tăng cường hoặc tạm thời không triển khai công tác đỡ đẻ nếu không đủ điều kiện.
Tổ chức đào tạo lại, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế các tuyến kể cả tuyến tỉnh, huyện, xã về chẩn đoán và xử trí cấp cứu sản khoa theo các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ sở y tế tư nhân về giấy phép hành nghề, phạm vi chuyên môn, điều kiện và năng lực thực tế về chăm sóc, cấp cứu sản khoa và sơ sinh; xử lý nghiêm các trường hợp và cơ sở vi phạm theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và các quy định hiện hành của Bộ Y tế.
Cùng với các công văn chỉ đạo trên, các đoàn công tác của Bộ Y tế, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ đã trực tiếp về làm việc với Sở Y tế một số tỉnh như Hưng Yên, Quãng Ngãi, Đồng Nai để xem xét cụ thể các trường hợp tử vong tại bệnh viện tỉnh, và có ý kiến với Sở Y tế về tình hình tổ chức, nhân lực và các vấn đề liên quan đến công tác cấp cứu sản khoa của các cơ sở y tế trên địa bàn.
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, trong thời gian tới, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ sẽ tiếp tục cử các đoàn công tác đến các tỉnh có xảy ra các tai biến sản khoa gây tử vong mẹ và trẻ sơ sinh để làm việc và rút kinh nghiệm với sở Y tế và các đơn vị có liên quan ở địa phương.
Bộ Y tế cũng đã giao cho Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Từ Dũ ngay trong tháng 6/2012 sẽ tổ chức các lớp tập huấn đào tạo lại cho cán bộ y tế tuyến dưới, trước mắt ưu tiên tập huấn cho bệnh viện tuyến tỉnh với các nội dung về theo dõi cuộc đẻ và cấp cứu, hồi sức sản khoa. Dự kiến trong đợt đầu, mỗi tỉnh sẽ có 2 bác sỹ ở khoa sản bệnh viện đa khoa tỉnh được tập huấn.
PV: Về các giải pháp lâu dài nhằm hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, thưa Tiến sĩ?
TS Nguyễn Duy Khê: Về các giải pháp lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành các công việc sau:
Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ và trẻ em từ tuyến trung ương đến cơ sở: Nâng cao năng lực chuyên môn, bố trí đủ cán bộ cho các khoa sản, khoa nhi của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện và đảm bảo trang thiết bị cần thiết cho cấp cứu hồi sức sản khoa và nhi sơ sinh. Phấn đấu 100% các bệnh viện huyện (trừ các bệnh viện huyện ở gần bệnh viện tỉnh trong khoảng cách dưới 20km hoặc có thể tiếp cận được với bệnh viện tỉnh trong thời gian không quá 60 phút) có thể mổ đẻ và thực hiện truyền máu. Tăng cường đội ngũ cô đỡ thôn bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát triển nguồn nhân lực: tăng cường đào tạo bác sỹ chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa nhi, đặc biệt chú trọng hình thức đào tạo bác sỹ chuyên khoa sơ bộ để nhanh chóng bổ sung lực lượng cán bộ chuyên khoa thuộc hai chuyên ngành trên. Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần tăng cường đào tạo đội ngũ cô đỡ thôn bản hoặc cán bộ y tế thôn bản biết quản lý thai, đỡ đẻ sạch, đẻ an toàn kể cả phát hiện, xử trí cấp cứu và chuyển tuyến kịp thời những trường hợp bà mẹ mang thai có nguy cơ.
- Đảm bảo chế độ chính sách thu hút cán bộ chuyên môn, đặc biệt là cán bộ giỏi về công tác lâu dài ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Tăng cường đầu tư, đảm bảo tài chính và hậu cần: Đảm bảo ngân sách cần thiết cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ - trẻ em nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân, đặc biệt là của bà mẹ - trẻ em.
Giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật:
Tăng cường các hoạt động thông tin - truyền thông - giáo dục sức khỏe nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân, đặc biệt người dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa về chăm sóc thai nghén, nguy cơ của việc không khám thai định kỳ và không đến sinh con ở các cơ sở y tế hoặc tự đỡ đẻ, đỡ đẻ không có cấn bộ y tế được đào tạo đỡ.
Đào tạo cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực cấp cứu sản khoa, sơ sinh cho cán bộ trực tiếp làm công việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em theo hướng cầm tay chỉ việc, đào tạo theo kíp, theo địa chỉ, theo nhu cầu.
Nhân rộng các mô hình đã được đánh giá có hiệu quả như mô hình "chuyển tuyến dự vào cộng đồng”, mô hình "Chăm sóc bà mẹ trẻ sơ sinh liên tục từ cộng đồng, gia đình đến cơ sở y tế"; mô hình "Thẩm định tử vong mẹ".
Tăng cường giám sát hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên cho tuyến dưới.
PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.