Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), lực bán chiếm áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới.
Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, chỉ số MXV-Index giảm gần 0,5%, lùi về mức 2.213 điểm.
Theo MXV, thị trường năng lượng ghi nhận diễn biến giằng co khi nhà đầu tư tiếp tục đánh giá triển vọng nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới, trong bối cảnh Mỹ công bố các mức thuế quan với các đối tác thương mại.
Kết phiên, giá cả hai mặt hàng dầu thô đều tăng nhẹ dưới 0,1%. Giá dầu Brent chốt tại mức 70,19 USD/thùng, tăng 0,06%, trong khi dầu WTI nhích nhẹ 0,07% lên mức 68,38 USD/thùng.
Trong một diễn biến khác, giá khí tự nhiên trên sàn NYMEX đã giảm mạnh 3,77%, xuống còn 3,21 USD/MMBtu - mức thấp nhất ghi nhận từ đầu tháng 6 đến nay.
Trong khi đó, thị trường kim loại chứng kiến những diễn biến phân hóa rõ nét khi các nhà đầu tư tiếp tục thận trọng theo dõi diễn biến đàm phán thương mại giữa Mỹ và các quốc gia đối tác.
Chốt phiên giao dịch ngày 9-7, giá bạc tiếp tục đánh mất 0,32%, lùi về mức 36,63 USD/ounce, đánh dấu phiên suy yếu thứ tư liên tiếp.
Chỉ số Dollar Index (DXY) hôm qua tăng lên 97,5 điểm, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động gần mức cao nhất trong ba tuần, gây áp lực lên kim loại quý như bạc - tài sản không sinh lãi
Trước xu hướng giảm liên tục của giá bạc quốc tế, thị trường bạc trong nước - vốn thường phản ánh diễn biến thế giới với độ trễ nhất định - nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong thời gian tới.
Theo ghi nhận ngày 9-7, giá bạc trong nước có sự phân hóa rõ nét giữa hai trung tâm giao dịch lớn.
Tại Hà Nội, giá bạc giảm ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên trước. Cụ thể, giá mua vào được niêm yết ở mức 1.149.000 đồng/lượng, trong khi giá bán ra ở mức 1.182.000 đồng/lượng.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, thị trường tiếp tục duy trì sự ổn định, với giá mua vào – bán ra dao động quanh mức 1.151.000 - 1.188.000 đồng/lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.