Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phụ nữ tham gia hoạt động chính trị: Vẫn còn rào cản

Lâm Vũ| 08/06/2013 07:20

(HNM) - Việt Nam có khung chính sách và pháp luật khá hoàn thiện về bình đẳng giới, tuy nhiên, số lượng phụ nữ tham gia hoạt động chính trị ở nước ta đang giảm.

Khảo sát trên 371 cán bộ đại diện cho các cơ quan Đảng, chính quyền, Hội đồng nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội tại Hà Nội, Quảng Ninh, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh của Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) cho thấy, 37% số người được hỏi cho rằng năng lực chuyên môn và 30% cho rằng kỹ năng lãnh đạo của nữ còn hạn chế. Theo đánh giá chung, năng lực của đội ngũ lãnh đạo nữ vẫn chưa theo kịp và đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa.

Phụ nữ làm việc trong các tổ chức chính quyền, đoàn thể ít có điều kiện phát triển do định kiến về giới và gánh nặng gia đình. Ảnh: Bá Hoạt



Về kỹ năng lãnh đạo, có không ít ý kiến cho rằng trừ số lãnh đạo cấp tỉnh, chị em công tác ở vùng sâu, vùng xa chủ yếu làm theo kinh nghiệm. Do chưa được bồi dưỡng, tập huấn một cách bài bản, họ thiếu trầm trọng kỹ năng thương thuyết, kỹ năng tổng hợp phân tích số liệu, viết và trình bày báo cáo, lập kế hoạch… Một phụ nữ tham gia hoạt động chính trị ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Từ trước đến giờ, tôi chỉ được trang bị kỹ năng cứng mà chưa có kỹ năng mềm như giao tiếp, tiếp dân, giải quyết vấn đề phát sinh khi thực hiện nhiệm vụ…".

Một vấn đề khác là những người trẻ tuổi không muốn tham gia hoạt động chính trị dù có trình độ. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở vùng sâu, vùng xa như Trà Vinh, Đắk Lắk mà ở cả TP Hồ Chí Minh. Đối với số đã tham gia hoạt động chính trị, một bộ phận không nhỏ vẫn chưa tự tin. Cụ thể, 31% số người được hỏi cho rằng phụ nữ còn thiếu tự tin về tiềm năng và vai trò lãnh đạo của mình; 33% cho rằng phụ nữ ít tham vọng làm lãnh đạo. Nhiều chị em tham gia hoạt động chính trị vì trước hết muốn đóng góp khả năng của mình cho xã hội chứ chưa tính toán đến việc sẽ làm lãnh đạo, không lập ra kế hoạch trở thành lãnh đạo. Không chỉ thiếu chủ đích phấn đấu làm lãnh đạo mà trong quá trình công tác, nhiều chị không chỉ thiếu tự tin mà còn bị phân tâm, nghiêng nhiều hơn về trách nhiệm gia đình. Hậu quả, hình ảnh của họ dễ bị "chìm", bị coi là an phận, "không có chí tiến thủ". Do đó, khi quy hoạch hay đề bạt, bộ phận tổ chức hay nghĩ tới nam giới trước. Sự thiếu tự tin về tiềm năng và vai trò của phụ nữ tham gia lãnh đạo còn thể hiện ở chỗ, kể cả khi đã tham chính, nhiều người vẫn cho rằng phụ nữ phù hợp hơn, yên ổn hơn với vai trò cấp phó, giúp việc cho cấp trưởng.

Định kiến giới và khoảng trống cơ chế

Có đến 65% người được hỏi cho rằng trách nhiệm kép của phụ nữ và khó khăn trong cân bằng công việc với gia đình chính là rào cản lớn đối với phụ nữ. Mặc dù nhận thức về bình đẳng giới đã có nhiều tiến bộ song ngoài vấn đề làm kinh tế, bảo đảm đời sống gia đình như nam giới, phụ nữ vẫn chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc gia đình. Trong khi đó, việc tham gia lãnh đạo hiệu quả cũng đòi hỏi phụ nữ đầu tư công sức, trí tuệ. "Phụ nữ thường phải thực hiện thiên chức của mình. Phụ nữ làm gì cũng phải lo cho gia đình, cân bằng mọi trách nhiệm" - một nữ cán bộ ở Quảng Ninh tâm sự.

Một rào cản lớn nữa là độ tuổi. Luật Lao động hiện hành quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi, của nữ là 55 tuổi. Sự khác nhau này dẫn đến quy định tuổi quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm của nam và nữ không như nhau. Chỉ thị 37-CT/TƯ ngày 4-8-2009 của Bộ Chính trị quy định: "Cán bộ tham gia cấp ủy lần đầu phải đủ tuổi công tác từ hai khóa trở lên, ít nhất trọn một khóa đủ 5 năm. Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy khối trung ương còn đủ tuổi công tác ít nhất 3 năm". Theo quy định trên, tuổi tối đa để tham gia cấp ủy lần đầu đối với nữ là 50 tuổi và nam là 55 tuổi, tuổi tái cử thường vụ đảng ủy các cấp đối với nữ là 52 tuổi và nam là 57 tuổi. Như vậy, quy định độ tuổi với nữ thường thấp hơn so với nam 5 năm. Đấy là chưa nói đến việc nhiều địa phương còn quy định để được đưa vào quy hoạch lần đầu, nữ không quá 30 tuổi, nam không quá 35 tuổi.

Ở Việt Nam, chỉ tiêu giới đã được quy định trong các văn bản pháp lý của Đảng và Chính phủ nhưng chưa toàn diện và thiếu tính ràng buộc về mặt pháp lý. Hiện nay, chính sách mới đề ra chỉ tiêu tham gia của nữ trong cấp ủy đảng các cấp và cơ quan dân cử mà chưa có chỉ tiêu nguồn như ứng cử viên, chỉ tiêu quy hoạch cán bộ, chỉ tiêu về lãnh đạo chủ chốt.

Để tăng cường số lượng phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, CEPEW khuyến nghị, chỉ tiêu phụ nữ tham chính trong các tổ chức khác ngoài cơ quan Đảng và cơ quan dân cử cần được bổ sung. Bên cạnh đó, cần xem xét việc quy định chỉ tiêu nữ ở vị trí lãnh đạo chủ chốt bởi chủ trương tăng cường phụ nữ tham gia hoạt động chính trị nếu đầy đủ phải bảo đảm không chỉ tăng về số lượng mà cả chất lượng. Cuối cùng, cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và tập huấn kỹ năng lãnh đạo cho phụ nữ trong lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phụ nữ tham gia hoạt động chính trị: Vẫn còn rào cản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.