Gia đình

Phụ nữ cao tuổi chịu nguy cơ phân biệt đối xử nhiều hơn nam giới

Bảo Hân 22/05/2024 - 10:25

Ủy ban Xã hội của Quốc hội chỉ ra, phụ nữ cao tuổi dễ rơi vào tình trạng sống một mình, cô đơn, mắc bệnh mạn tính và có nguy cơ bị phân biệt đối xử nhiều hơn nam giới khi tỷ lệ không có lương hưu, độc lập về tài chính cao hơn.

bt-dnd.jpg
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Ảnh: Media.quochoi.vn

Sáng 22-5, tại kỳ họp thứ bảy, báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Đã có 55% chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025; 25% chỉ tiêu đạt một phần và tiệm cận so với mục tiêu đề ra, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.

Với những nỗ lực đó, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Ngày 9-4-2024, Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027. Điều này thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời tin tưởng Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào việc điều hành của UN Women trong thời gian tới.

nta.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Ảnh: Media.quochoi.vn

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, như: Tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị chưa tương xứng với trình độ, năng lực của phụ nữ hiện nay. Lao động nữ còn chiếm phần lớn trong các ngành nghề thâm dụng lao động, trình độ chuyên môn thấp hoặc làm việc trong khu vực phi chính thức, thu nhập bình quân thấp hơn so với lao động nam.

Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa giảm. Chỉ tiêu này cũng khó đạt vào năm 2025, là một trong những nguyên nhân gây bất bình đẳng giới. Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp.

Một số thách thức đối với vấn đề bình đẳng giới cũng được chỉ ra, như: Khoảng cách giới khi già hóa dân số. Phụ nữ Việt Nam chiếm 57,82% dân số cao tuổi và có tỷ lệ cao hơn so với nam giới là người cao tuổi ở tất cả các nhóm tuổi. Nhóm tuổi càng cao thì tỷ lệ phụ nữ càng lớn.

“Do vậy, phụ nữ cao tuổi dễ rơi vào tình trạng sống một mình, cô đơn và mắc bệnh mạn tính nhiều hơn so với nam giới. Phụ nữ cao tuổi có nguy cơ bị phân biệt đối xử nhiều hơn nam giới khi tỷ lệ không có lương hưu, độc lập về tài chính khi về già của phụ nữ là cao hơn nam giới”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phụ nữ cao tuổi chịu nguy cơ phân biệt đối xử nhiều hơn nam giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.