Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phụ huynh được tự nguyện đăng ký tham gia Chương trình sữa học đường

Thống Nhất| 14/09/2018 16:36

(HNMO) - Chiều 14-9, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chủ trì cuộc họp báo thông tin về việc triển khai Đề án


Theo Đề án đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, thời gian triển khai Chương trình sữa học đường tại Hà Nội bắt đầu từ năm học 2018-2019 đến hết năm 2020 với mục tiêu có trên 90% số trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa theo Chương trình sữa học đường; 100% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng...

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến khẳng định: Việc triển khai Chương trình sữa học đường trên địa bàn Hà Nội là hoàn toàn tự nguyện. Phụ huynh có thể đăng ký cho con tham gia Chương trình ở bất kỳ thời điểm nào hoặc cũng có thể tạm dừng tham gia khi không có nhu cầu. Hiện tại, các nhà trường đang tổ chức tuyên truyền để phụ huynh hiểu chính xác, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của Chương trình sữa học đường và tổ chức cho phụ huynh đăng ký tham gia. Sữa dùng trong Chương trình sữa học đường là sữa tươi tiệt trùng, có đường hoặc không đường và có quy cách đóng gói khác so với sữa thông thường. Mức giá 1 hộp sữa dự kiến tối đa là 6.800 đồng/hộp có dung lượng 180ml và không tăng giá trong suốt thời gian triển khai Chương trình sữa học đường. Để thực hiện Chương trình này, ngân sách thành phố hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Như vậy, mỗi phụ huynh đóng góp không quá 3.400 đồng/hộp sữa.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Viện Dinh Dưỡng, Bộ Y tế) thông tin thêm: Ngoài việc bảo đảm dinh dưỡng theo quy định, sữa trong Chương trình sữa học đường là loại sữa chuyên biệt, được tăng cường các loại vitamin, khoáng chất và các chất cần thiết khác nhằm nâng cao thể trạng, tầm vóc của trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học. Để bảo đảm chất lượng dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo triển khai Chương trình sữa học đường sẽ thành lập một bộ phận định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu sữa ngẫu nhiên để kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng lưu ý, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sữa, các nhà trường cần quan tâm đến khâu vận chuyển và lưu trữ, nếu phát hiện sản phẩm móp méo thì không cho học sinh sử dụng.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không công bố cụ thể tên đơn vị cung ứng sữa để phụ huynh biết và quyết định đăng ký cho con tham gia Chương trình sữa học đường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến cho biết: Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan đang triển khai bán hồ sơ mời thầu. Đã có 7 đơn vị đăng ký tham gia. Sau khi hoàn thành khâu này, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố cụ thể tên của đơn vị trúng thầu. Tuy nhiên, dù là đơn vị nào trúng thầu thì cũng phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Y tế về chất lượng sữa và đủ năng lực để đáp ứng cung ứng cho số lượng lớn trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học Hà Nội tham gia Chương trình sữa học đường. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ huynh được tự nguyện đăng ký tham gia Chương trình sữa học đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.