(HNMO) - Ngày 19-11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện Chương trình số 3463/CTr-BTGTƯ-BCT ngày 15-6-2021 về việc phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với Bộ Công Thương giai đoạn 2021-2026.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, tiến trình hội nhập thương mại tự do đã giúp chúng ta thay đổi căn bản thể chế kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung. Xuất, nhập khẩu của Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối diện với việc cạnh tranh nhập khẩu hàng hóa. Đó là hệ quả tất yếu của việc mở cửa nền kinh tế. Song, chúng ta sẵn sàng cạnh tranh bình đẳng với các thị trường trên thế giới.
Với mong muốn cung cấp những kiến thức, thông tin bổ ích về các cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA), phòng vệ thương mại (PVTM), tại hội nghị, Bộ Công Thương đã thông tin tới đại diện các cơ quan báo chí về những chính sách PVTM, hoạt động ứng phó và sử dụng công cụ PVTM… Việc tăng cường thông tin truyền thông từ các cơ quan báo chí sẽ giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chính sách pháp luật PVTM, phòng, chống bán phá giá trong quá trình thực thi các FTA.
Thời gian qua, PVTM được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA như hiện nay. Vì thế, việc sử dụng và ứng phó các biện pháp PVTM ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, các vụ việc PVTM gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng. Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu, do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về PVTM để bảo vệ lợi ích của ngành.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tác động không nhỏ tới Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), nhưng thương mại xuất, nhập khẩu của Việt Nam sang EU và ngược lại đều tăng trưởng hơn 18% so với khi hiệp định chưa có hiệu lực. So với thời điểm trước khi có FTA, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước ASEAN đã tăng hơn 9 lần, Trung Quốc tăng 15 lần, Hàn Quốc tăng 6 lần, Ấn Độ tăng 5,2 lần, Nhật Bản tăng 3 lần… Với EVFTA, trong 7 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 32,4 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.