(HNNN) - Không nên ảo tưởng rằng, chỉ cần có lòng tin là có tất cả. Lòng tin phải dựa trên cơ sở thực tế và con người cụ thể. Nhiều khi cần phải thay đổi cách suy nghĩ về lòng tin kiểu cũ để xây dựng một lòng tin hoàn toàn mới.
Một viên quan cầm thừng dắt theo hươu, là có tài lộc đi theo mình. Con chim nhạn ngậm thư bay từ xa đến vượt qua sông núi, tuy chậm, nhưng chắc có tin vui. Người đánh trống khua chiêng với mục đích thu hút sự chú ý, nhưng không làm ảnh hưởng đến người đang có việc trên đường. Trung phu là trong lòng rất thành thật, nghĩa gốc là chim mẹ dùng hơi nóng cơ thể mình để ấp trứng nở ra chim non. Đó là biểu thị sự thành tâm của tình cảm. Từ đó suy rộng ra, nếu hai người có thành tâm, thành ý sẽ chắc chắn đến được với nhau.
Theo nghĩa cổ, Trung phu là cái phù tiết (vật làm tin, thường là hai mảnh ký hiệu ghép khớp vào nhau). Thời xưa người ta viết, khắc lên một tấm gỗ, miếng đá rồi chặt đôi ra, khi nào hai nửa ghép lại trùng khớp làm một thì hai người cầm hai nửa đó có thể tin nhau tuyệt đối. Vì thế Trung phu nói về sự tin tưởng nhau, lòng tin. Triệu của quẻ này là hành tẩu bạc băng (chạy trên mặt băng). Màu sắc Trung phu là xanh lục-tím, tạo nên cảm giác đằm thắm, chắc chắn, hợp với phẩm chất của đức tin và sự kiên định lâu bền. Người xưa lấy thành tín làm cơ bản trong lập thân, xử thế. Tín có thể triệt tiêu khoảng cách xa lạ giữa người với người, tạo nên sự hòa hợp lâu dài. Vì vậy Trung phu khuyên chúng ta:
1. Người đàng hoàng, hay vẫn gọi là bậc quân tử phải biết lấy chữ tín làm gốc và phải dựa vào sự trung tín làm nguyên tắc sống của mình. Nếu giữ vai trò lãnh đạo thì mỗi lời hứa, lời nói càng phải chắc chắn, giữ chữ tín. Lão Tử chia người lãnh đạo làm bốn loại: Loại tốt nhất là dân không biết đến sự tồn tại của họ; loại dân thân và dân khen; loại dân sợ họ và loại tồi nhất là dân khinh họ vì không đáng tin nên dân không tin. Sách Lã Thị Xuân Thu chép: Thuở khó khăn phải lánh nạn ra nước ngoài, Tấn Văn Công đã bị nước Nguyên đối xử không tốt. Khi về nước lấy được ngôi vua, nước Nguyên lại chống đối, nên Tấn Công đem quân đánh Nguyên và giao ước với tướng sĩ rằng đánh trong 7 ngày sẽ quay về. Nhưng sau 7 ngày, quân Tấn vẫn chưa thắng được, Tấn Công vẫn hạ lệnh rút quân về nước. Lính thám báo nói rằng, nước Nguyên đã núng thế rồi, sẽ phải hàng. Các tướng cũng xin nán lại thêm một thời gian nữa, nhưng Tấn Công không đồng ý, nói: Chữ tín là báu vật quốc gia. Nếu chiếm được Nguyên mà mất đi báu vật, thì ta không muốn như vậy. Năm sau, Tấn Công lại mang quân đi đánh Nguyên và giao ước với tướng sĩ khi đánh thắng Nguyên sẽ về nước. Người Nguyên nghe tin ấy đã vội vàng buông vũ khí đầu hàng. Nước Vệ bên cạnh biết chuyện đó cũng quy thuận theo Tấn. Đó là tích đánh Nguyên được Vệ nổi tiếng trong lịch sử khởi đầu bằng chữ tín vậy.
2. Muốn để cho người khác tin mình thì bản thân mình phải thật lòng, chân thành, không thể vì hoàn cảnh mà đưa ra lời hứa để đối phó cho qua chuyện, sẽ một lần bất tín - vạn lần khó tin. Hàn Phi Tử kể chuyện: Một lần vợ thấy Tăng Tử chuẩn bị đi chợ, đứa con nhỏ khóc lóc đòi đi theo mẹ, bà mẹ dỗ dành nó rằng, cứ ngoan ở nhà, khi đi chợ về sẽ mổ lợn cho ăn. Thấy vợ đi chợ về, Tăng Tử bèn đi bắt lợn mổ thịt. Người vợ ngăn lại, giải thích lúc trước chỉ là lời nói đùa với con. Tăng Tử trả lời: Không được nói đùa với trẻ con. Trẻ con rất non nớt chưa hiểu biết, chúng nó học tập, nghe lời dạy bảo của cha mẹ. Nay bà nói dối nó khác nào dạy con biết nói dối? Thế rồi liền giết lợn, lấy thịt nấu cho con ăn. Sách Lã Thị Xuân Thu cũng chép chuyện: Khi làm quan ở Tây Hà, để tạo lòng tin cho dân chúng, Ngô Khởi cho dựng một hoa biểu tượng trưng (biểu tượng của quan gia) ở ngoài cổng Nam, rồi loan báo rằng bất cứ ai đẩy ngã hoa biểu ấy và đem về trước môn phủ sẽ thăng chức cho người đó. Thoạt nhiên, mọi người bán tín bán nghi, nên không ai dám động đến, nhưng sau có một người liều thử, đưa hoa biểu về gặp Ngô Khởi, lập tức anh ta được phong làm đại phu. Hôm sau, Ngô Khởi lại cho dựng một hoa biểu khác ở cổng Nam, nhưng chôn sâu hơn và nặng hơn, rồi lại loan báo như lần trước. Lần này mọi người ùa đến, thi nhau đẩy mà không ai thành công. Nhưng từ đó trở đi, dân quận Tây Hà rất tôn trọng và tín nhiệm Ngô Khởi vì ông biết giữ chữ tín.
3. Quan niệm về chữ tín trong Ngũ đức từ thời xưa vô cùng quan trọng. Mỗi lời nói ra nặng tựa Thái sơn, Cửu đỉnh không thể chuyển dịch, thay đổi được. Khổng Tử còn sâu xa hơn rằng, Nhân là gốc của Tín. Trong Luận ngữ viết: Bậc quốc trưởng cai trị một nước có ngàn cỗ xe, làm việc gì cũng phải kính cẩn mà giữ chữ tín thật. Sách Lã Thị Xuân Thu viết: Vua tôi không giữ chữ tín thì trăm họ phỉ báng, xã hội không yên ổn; chốn quan lại không giữ chữ tín thì kẻ nhỏ không sợ người lớn, giàu nghèo khinh thường lẫn nhau. Thưởng phạt không giữ chữ tín thì người dân dễ phạm pháp, không thể dùng luật để sai khiến. Bạn bè giao tiếp không giữ chữ tín thì oán hận chia lìa, không thể thân thiết với nhau. Nó có thể giúp cho thành thủy thành chung, có thể giúp cho sự tôn quý thông suốt, khiến cho cùng tận sự thấp hèn, đó chỉ là chữ tín vậy. Người thời nay cũng cần phải trọng chữ tín như thế và hơn thế thì mới có thể duy trì đối tác trong mọi lĩnh vực cuộc sống, từ kinh doanh, quan hệ đến kinh tế, ngân hàng. Nhưng có lẽ không nên cứng nhắc áp dụng vào chính trường!
4. Tuy chữ tín rất đáng trân trọng, nhưng trên thực tế cũng cần chọn lựa theo điều kiện, hoàn cảnh để thể hiện chữ tín, bởi đôi khi có những việc, những đối tượng không thể dụng chữ tín. Đó là quyền lợi của cả quốc gia. Thời Chiến quốc, ba nước Tần, Hán, Ngụy đã ký giao ước hòa bình với nhau, nhưng sau hai nước Hán - Ngụy tiến hành chiến tranh để cướp đất của nhau. Tần Huệ Vương thấy thế cũng chuẩn bị tham gia cuộc chiến nhằm kiếm chút lợi. Quản Thụ Tử bèn hiến kế rằng: Hai con hổ tranh nhau con bò mà đánh nhau, như thế con hổ mạnh sẽ bị thương, con hổ yếu tất sẽ chết. Lúc ấy giết con hổ bị thương chẳng cần mất nhiều sức lực, mà còn có thể diệt được cả hai. Tần Vương nghe theo kế tọa sơn quan hổ đấu ấy, nên giành được thắng lợi trong cuộc chiến đất đai. Nhưng đây là một trong những trường hợp điển hình không ai muốn giữ chữ tín và không ai có thể giữ chữ tín.
5. Nếu biết giữ tín nghĩa, có lòng tin tưởng lẫn nhau và giữ mối quan hệ tình cảm chân thành, lâu dài sẽ tạo thành chỗ dựa bền vững trong sự nghiệp. Đời nhà Đường, danh tướng Lý Huân rất nổi tiếng vì trung thành. Lý Huân đã bày mưu tính kế cho Thái Tông nhiều trận đánh và thắng nhiều trận lớn, lập nhiều công lao hiển hách. Thái Tông sủng ái ông hơn những người khác. Trong một tiệc rượu, Thái Tông nói không thấy còn ai xứng đáng nên phó thác Thái tử cho ông, ông giữ chức Thái tử chiêm sự. Lý Huân cảm kích rơi nước mắt, vui quá uống say sưa nằm ngủ mê man. Thái Tông cởi áo ngoài khoác cho ông. Một lần Lý Huân bị bệnh nặng. Các danh y nói, theo phương thuốc dân gian thì phải có râu người đốt thành than mới chữa khỏi bệnh, Thái Tông bèn cắt râu của mình, đốt thành than để chữa bệnh cho Lý Huân, ông xúc động dập đầu chảy máu để tạ ơn vua không phải vì râu rồng mà vì thời đó người ta quan niệm rằng “râu tóc là của cha mẹ mình”, nếu cắt râu là hành vi bất hiếu! Nhưng Thái Tông lại giải thích đó là vì nhân tài của nước nhà, không cần thiết phải tạ ơn vua. Sau này, khi Thái Tông qua đời, Lý Trị nối ngôi, Lý Huân cũng vẫn cảm kích ơn sâu hai đời vua mà hết lòng phò tá trung thành vua mới.
6. Không nên ảo tưởng rằng, chỉ cần có lòng tin là có tất cả. Lòng tin phải dựa trên cơ sở thực tế và con người cụ thể. Nhiều khi cần phải thay đổi cách suy nghĩ về lòng tin kiểu cũ để xây dựng một lòng tin hoàn toàn mới, cho dù khác với truyền thống, nhưng dẫn đến thành công. Từ xưa vẫn có câu ca dao: “Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa thì quét lá đa”, nhưng nhiều nhân vật trong lịch sử lại chứng minh chân lý khác. Năm 875 ở Trung Hoa, Hoàng Sào xuất thân từ một gia đình buôn muối, đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa chống lại triều đình thối nát. Năm 881 đã lên ngôi vua, lấy quốc hiệu là Đại Tề. Ở nước ta, Đinh Bộ Lĩnh chỉ là tù trưởng, chuyên lo việc bảo vệ thôn xóm đã đứng lên dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Hay như Lê Lợi cũng là một hào trưởng tỉnh lẻ, đã dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược suốt 10 năm, sau cũng lên ngôi vua lấy quốc hiệu là Đại Việt. Và điển hình như ba anh em nhà Tây Sơn cũng chỉ là gia đình nông dân khai khẩn đất hoang, đã khởi nghĩa đánh Trịnh, dẹp Nguyễn và đều xưng vương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.