(HNM) - Bỏng là tai nạn thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ ở độ tuổi 1-6. Ở lứa tuổi này, trẻ thường hiếu động, thích tò mò, khám phá nhưng chưa hiểu hết về sự nguy hiểm. Không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý, tai nạn bỏng ở trẻ em có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Cha mẹ bất cẩn, trẻ gặp họa
Mới đây, trong lúc pha nước tắm cho con, mẹ bé gái Chu Thị Quỳnh Tr (3 tuổi, quê ở Định Hóa, Thái Nguyên, trọ ở Văn Lâm, Hưng Yên) đã bất cẩn để Tr ngã vào chậu nước nóng khiến toàn thân bé bị bỏng nặng với diện tích 60% cơ thể. Khi sự việc xảy ra, do sơ cứu không đúng cách, người nhà đã cởi quần áo cho bé khiến vùng da bị bỏng tuột từng mảng, gây nhiễm trùng.
Tương tự, cháu Quốc H. (13 tháng tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) bị bỏng nặng do sơ suất của người lớn. Mẹ cháu kể: "Hôm đó, tôi đổ đầy nước vào chiếc ấm siêu tốc để đun. Biết con hiếu động nên tôi đã đặt ấm vào góc phòng rồi mới cắm điện. Sau đó, tôi ra ngoài phơi quần áo, chưa đầy 5 phút thì đã nghe tiếng con khóc ré lên, tôi chạy vào xem thì thấy cháu đang ôm chiếc ấm vào người và bị bỏng…
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm, trên thế giới, tai nạn bỏng chiếm vị trí hàng đầu trong những loại tai nạn xảy ra tại nhà của trẻ em và là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây tử vong cho trẻ. Bỏng ở trẻ em, dù diện tích nhỏ nhưng cũng có thể gây mất muối, nước, huyết tương... dẫn đến tình trạng sốc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc và tử vong. Thương tích do bỏng gây đau đớn, làm trẻ em hoảng sợ và có thể bị sốc, thậm chí khiến trẻ bị rối loạn tính cách, suy giảm khả năng đề kháng, tạo nên tâm lý không thích tiếp xúc. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Viện Bỏng quốc gia, trong 100 nạn nhân bị bỏng phải nhập viện, có khoảng 2/3 là trẻ em. Tác nhân gây bỏng ở trẻ chủ yếu là nước sôi, lửa, hóa chất, điện, sử dụng đồ dùng không đúng cách.
Đa số trường hợp trẻ bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn trong quá trình trông nom, chăm sóc trẻ. Có những trẻ bị bỏng nặng do ngã vào nồi canh, có cháu bị bỏng nước khi cùng mẹ pha nước tắm, có bé bị bỏng dầu mỡ sôi, do tiếp xúc với chiếc bàn là đang cắm điện… Theo bác sĩ Ngô Anh Vinh (Khoa Cấp cứu và chống độc Bệnh viện Nhi trung ương), tổn thương do bỏng rất đa dạng. Bỏng nước sôi ở trẻ là bỏng nặng và xảy ra rất nhanh. Do lớp da trẻ em có những đặc điểm khác người lớn, da mỏng hơn da người lớn, sức chịu nhiệt kém nên mức độ bỏng nặng, sâu hơn người lớn, thậm chí gây tổn thương tận cơ, xương, mạch máu, thần kinh… Quá trình điều trị và hồi phục cho trẻ bị bỏng cũng chậm hơn so với người lớn.
Sơ cứu tai nạn bỏng đúng cách
Theo tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chỉ trong 1 tháng (từ ngày 5-9 đến 5-10 năm nay), bệnh viện này đã tiếp nhận 75 trường hợp (gồm cả người lớn và trẻ em) bị bỏng các loại. Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng cho biết, trong trường hợp trẻ bị bỏng, trước hết người lớn phải bình tĩnh, nhanh chóng cách ly trẻ khỏi nguồn gây bỏng. Sau đó, cần tưới rửa vùng bỏng bằng vòi nước sạch, phủ vùng bỏng bằng gạc sạch rồi nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế bằng phương tiện tốt nhất, không cần thiết phải bôi thuốc vào vết bỏng. “Việc làm nguội vết thương bằng nước lạnh có tác dụng ngăn vết thương lan rộng, vết bỏng nhỏ lại và làm giảm cảm giác đau đớn cho người bị bỏng. Việc xả nước vào vết bỏng cũng cần được thực hiện đúng cách, lưu ý vặn vòi nước thật nhỏ, nhẹ nhàng tưới lên vết bỏng”, bác sĩ Nguyễn Thống lưu ý.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thống, nếu quần áo dính vào vết thương thì tuyệt đối không được cố làm mọi cách để lôi ra. Trong nhiều trường hợp, việc dùng đá lạnh để chườm sẽ làm giảm thân nhiệt của trẻ. Tùy tình trạng nặng hay nhẹ, diện tích bỏng lớn hay nhỏ, nhà ở gần bệnh viện hay ở xa bệnh viện để phụ huynh quyết định đưa các bé đến khám. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử lý thích hợp. Nếu bố mẹ chăm sóc bé tại nhà thì mỗi ngày cần thay băng, rửa vết thương với NaCl và bôi kem chữa bỏng. Vết thương cần được đắp gạc để giữ độ ẩm cho da. Sau 2 tuần, đa số vết bỏng độ 2 sẽ lành và ít để lại sẹo.
Để ngăn ngừa và phòng chống tai nạn gây bỏng ở trẻ em, người lớn lưu ý theo dõi và kiểm soát chặt chẽ hành vi của trẻ nhỏ, nhất là trẻ đang tập bò và chập chững đi. Ngoài ra, cần để các vật dụng nóng, các chất dễ cháy, các chất dễ phát sinh lửa, đồ điện ở nơi an toàn, ngoài tầm với của trẻ nhỏ; kiểm tra độ nóng của nước trong các bồn tắm cho trẻ nhỏ, không để trẻ tự vặn vòi nước nóng. Riêng đối với trẻ em đã nhận thức được, các bậc phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở trẻ về cách phòng tránh tai nạn bỏng.
Theo các bác sĩ chuyên khoa bỏng, nguyên nhân gây bỏng chủ yếu là tai nạn trong sinh hoạt, trong đó, 75% là do nước sôi, các loại canh, mì, xúp, cháo nóng; 15% do lửa như xăng, cồn, than, bếp tro; còn lại là do điện, hóa chất...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.