(HNM) - Trong bối cảnh doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn, tội phạm trong lĩnh vực kinh tế với nhiều thủ đoạn tinh vi đã nhằm vào những điểm yếu của thị trường...
Đặc biệt, thời điểm này khi các hoạt động kinh doanh, dịch vụ đang nóng dần nhằm chuẩn bị cho dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 nên các hành vi vận chuyển và kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép... diễn ra vô cùng phức tạp. Công tác phòng, chống tội phạm kinh tế vì thế đứng trước thách thức lớn.
Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp với Công an phường Đồng Xuân thu giữ hàng hóa nhập lậu tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Minh Quân |
Tội phạm đa dạng về loại hình, thủ đoạn
Theo đánh giá của CATP Hà Nội, 5 năm qua, trong bối cảnh kinh tế đất nước tiếp tục hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, tình hình tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực kinh tế diễn biến rất phức tạp, gia tăng cả về số vụ và số đối tượng phạm tội. Từ ngày 1-8-2008 đến khoảng giữa năm 2013, lực lượng CA Hà Nội đã phát hiện, xử lý hơn 8.000 vụ việc gồm 9.114 đối tượng vi phạm và tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ. Số vụ tội phạm kinh tế được phát hiện năm sau luôn cao hơn năm trước, nhiều loại tội phạm mới đã xuất hiện và tội phạm "cũ" cũng tinh vi, xảo quyệt, nhiều thủ đoạn hơn. Qua điều tra khám phá các vụ án kinh tế, cơ quan CA cho biết, các loại tội phạm đã và đang có xu hướng gia tăng mạnh là tội phạm vi phạm trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai; tham nhũng trong hoạt động cấp, giao thầu, cho thuê đất. Nhiều loại tội phạm mới trong các lĩnh vực công nghệ cao, chứng khoán, tội phạm sử dụng các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu để thực hiện hành vi phạm tội đang xuất hiện ngày càng nhiều. Loại tội phạm này gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, từ năm 2011 tới nay, một loại tội phạm mới đã nổi lên trong lĩnh vực huy động vốn mà chúng ta quen gọi là "tín dụng đen". Riêng với loại tội phạm này, thời gian qua, nhiều địa bàn dân cư của Thủ đô đã rung chuyển bởi hàng loạt vụ vỡ nợ tín dụng lớn như Hà Đông, Đan Phượng, Thường Tín, Phú Xuyên, có vụ thiệt hại cho người dân hàng trăm tỷ đồng, gây xáo trộn, bất ổn về mặt xã hội.
Tội phạm, vi phạm về quản lý kinh tế đã len lỏi vào từng gia đình, xâm hại tài sản, đe dọa sức khỏe, tính mạng của từng người dân, thể hiện ở các loại tội phạm, vi phạm trong sản xuất, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, trộm cắp thông tin cá nhân để chiếm đoạt tiền bằng công nghệ cao... Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc CATP Hà Nội, trên địa bàn còn xuất hiện những loại tội phạm với thủ đoạn rất mới như nhập lậu linh kiện xe đạp điện về chế thành thành phẩm, gây khó khăn cho công tác quản lý, gây thất thu thuế và có nguy cơ gây mất TTATGT...
Nỗ lực của lực lượng chức năng
Nỗ lực của lực lượng CA các cấp đã góp phần ít nhiều kiềm chế mức độ gia tăng của tội phạm kinh tế. Đánh giá về kết quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực kinh tế thời gian qua, CATP Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều chuyên đề như: Phòng chống tham nhũng; chống lừa đảo trong xuất khẩu lao động và giới thiệu việc làm, lừa đảo dự án; phòng ngừa và đấu tranh với các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; phòng chống buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm... Thực hiện nhiệm vụ chính trị thể hiện qua Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cơ quan CA đã phối hợp với các ngành ngân hàng, tài chính, du lịch, giao thông vận tải, môi trường, thương mại, thuế, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường... triển khai nhiều biện pháp trong phòng ngừa tội phạm, mang lại hiệu quả thiết thực.
Thời gian gần đây, khi tình hình kinh tế - xã hội vẫn trong giai đoạn khó khăn, riêng trên địa bàn Hà Nội, diễn biến hoạt động của các loại tội phạm kinh tế đã được kiềm chế tối đa. Dẫn chứng như trong quý III-2013, CATP Hà Nội đã phát hiện, xử lý 320 vụ, 382 đối tượng phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, giảm 122 vụ so với cùng kỳ năm 2012. Một số thủ đoạn mới, tinh vi của tội phạm nhanh chóng bị phát hiện, đấu tranh triệt xóa kịp thời. Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, cuối tháng 9-2013, CATP đã khám phá đường dây buôn lậu thiết bị, linh kiện điện tử giá trị cao qua đường hàng không, theo diện tạm nhập tái xuất, thu giữ hàng hóa trị giá hàng tỷ đồng...
Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tổng thể về tội phạm, vi phạm về trật tự quản lý kinh tế vẫn nhận thấy những nguy cơ lớn, đe dọa sự lành mạnh của thị trường, sự ổn định kinh tế, gây thất thu ngân sách và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi về vật chất, sức khỏe của người dân. Tội phạm kinh tế ngày càng đa dạng về lĩnh vực hoạt động, tinh vi trong thủ đoạn, phương thức, có sự liên kết với tội phạm hình sự... Những "biến hình" của loại tội phạm này đang là thách thức lớn đối với công tác đấu tranh, phòng ngừa, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của lực lượng chức năng cùng những công cụ pháp lý hữu hiệu...
Tính riêng trong 5 năm qua, CATP Hà Nội đã khởi tố 1.222 vụ, 1.717 bị can phạm tội về kinh tế, xử phạt hành chính hơn 6.700 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 824,3 tỷ đồng, thu cho bị hại 1.653 tỷ đồng; tạm giữ tiền, hàng hóa trị giá 852,8 tỷ đồng. |
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.