(HNM) - Bão lũ là chuyện xảy ra hằng năm, theo mùa, nhưng đáng lo ngại là hiện vẫn còn tình trạng người chết vì lũ bão ở nhiều địa phương do chủ quan, bất cẩn của người dân cũng như công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát của chính quyền...
Là "Tư lệnh" của công tác PCLB nhiều năm qua, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo PCLB trung ương, đã chỉ rõ những bất cập khi cơn bão đầu tiên của năm 2013 xuất hiện: "Bây giờ, chúng ta phải trực PCLB quanh năm. Qua cơn bão đầu năm 2013 thì thấy, các địa phương vẫn theo nếp đến đầu tháng 4 mới trực, nên khi có bão chúng tôi gọi điện về văn phòng của nhiều tỉnh, không thấy có người trực. Việc này cần được nhận thức và chấn chỉnh lại ngay lập tức cho phù hợp với tình hình hiện nay".
Phòng chống thiên tai, bão, lụt luôn là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp, ngành và mọi người dân.Ảnh: Quang Thái |
Còn nhớ cơn bão số 1 năm 2012 khi đổ bộ vào các tỉnh Nam bộ đã gây nên "một sự bất ngờ lớn" khi nhiều địa phương chưa sẵn sàng "đón" thì bão đã ập đến. Tại TP Hồ Chí Minh, công tác phối hợp xử lý sự cố giữa các đơn vị cũng như các trang thiết bị chuyên dụng ứng phó bão lũ cũng chưa đạt yêu cầu thế nên mới có chuyện, UBND quận 9 cuống lên xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP cho xử lý cây cổ thụ có khả năng đổ vào nhà dân. Công văn chạy tới lui, đến khi được phép thì các đơn vị tại chỗ lại chỉ biết đứng... ngó vì không có phương tiện chuyên dụng để đốn hạ cây.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Minh Trí đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đón bão, thật như đùa: "Trong quá trình thị sát ảnh hưởng của bão ở khu vực nội thành, mặc dù có gió giật mạnh, cây đổ nhiều nơi, nhưng tôi thấy ngoài đường người dân vẫn chạy xe máy ầm ầm, thậm chí có người bị gió thốc mạnh quá phải quăng xe kiếm chỗ núp, núp xong lại chạy tiếp, điều này rất nguy hiểm". Nhiều người dân chủ quan, thiếu thông tin, thiếu ý thức hoặc tò mò, chưa coi bão là nguy hiểm nên có tình trạng đổ xô xuống huyện Cần Giờ... xem bão. Thực tế, cơn bão số 1 đã chuyển thành áp thấp nhiệt đới trước khi quét qua TP Hồ Chí Minh vào chiều tối ngày 1-4-2012. Thiệt hại mà nó gây ra chưa phải là quá lớn so với những cơn bão trước đây ở các địa phương khác nhưng đã làm lộ ra những "lỗ hổng" đáng sợ, đó là yếu kém về dự báo, cảnh báo, việc chuẩn bị phương án đối phó với những sự kiện bất thường, kịch bản ứng phó khi có tình huống khẩn cấp...
Kiểm điểm lại việc tham gia chỉ đạo chống cơn bão số 8, Bộ trưởng Cao Đức Phát không khỏi lo ngại khi người dân ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình và TP Hải Phòng đã không thể tiếp cận được những thông tin nóng hổi về sự bất thường của cơn bão để có biện pháp phòng tránh kịp thời. Ông Phát nhớ lại: "Tôi cảm nhận trận bão số 8 rất rõ về điều này. Đi cùng tôi hôm ấy có đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn (KTTV). Chúng tôi vào Kim Sơn khoảng 8, 9h sáng. Theo dự báo, bão đổ bộ và đi qua Kim Sơn. Nhưng khi chúng tôi có mặt ở đó, cảm nhận trực tiếp từ thực địa, phân tích ảnh vệ tinh và những thông tin có được, chúng tôi khẳng định tâm bão không đổ bộ vào Kim Sơn mà sẽ quét vào vùng phía bắc các tỉnh Nam Định, Thái Bình và Hải Phòng. Ngặt nỗi, những thông tin có được chỉ chúng tôi biết, còn lãnh đạo các tỉnh chỉ đến khi bão quét qua mới biết. Tôi rất trăn trở, vì thông tin này có thể đến ngay với người dân để họ có thể kịp thời ứng phó mới là điều quan trọng nhất".
Cũng liên quan đến bão số 8, một câu chuyện khá "ly kỳ" đã xảy ra tại TP Hải Phòng khi vào lúc "nước sôi lửa bỏng" nhất để chống bão thì một vị lãnh đạo Sở Giao thông vận tải thành phố lại "tắt điện thoại". Ngọn nguồn của câu chuyện là vào chiều 28-10-2012, Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đi kiểm tra công tác PCLB ở huyện Thủy Nguyên. Đến 18h30 cùng ngày, ông Thành cùng đoàn công tác từ huyện Thủy Nguyên trở lại nội thành Hải Phòng qua bến phà Bính. Khi đến bến phà, nhân viên bến đã từ chối chạy phà. Lý do là gió bão cấp 5, dòng chảy của nước vượt mức 2 m/s, không bảo đảm hoạt động của phương tiện thủy chuyên chở ô tô và nữ nhân viên bán vé đã về nghỉ. Cuối cùng, đoàn công tác phải nói khó là đang đi làm nhiệm vụ nhưng vẫn bị nhà phà "làm luật", phải đưa tiền mới được qua sông. Điều đáng nói là khi thấy sự "bất thường" ở bến phà, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã gọi điện cho ông Đàm Xuân Lũy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, để chỉ đạo xử lý nhưng không liên lạc được. Sự việc xảy ra, ông Lũy đã phải nhận hình thức kỷ luật khiển trách vì lý do "thiếu trách nhiệm, tắt điện thoại khi bão đổ bộ, không sát sao để nhân viên Công ty Đường bộ Hải Phòng tại bến phà Bính lợi dụng thu tiền các phương tiện qua phà trong ngày mưa bão". Thực tế, cơn bão số 8 đã gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Ngay cả các tỉnh không nằm trong tâm ảnh hưởng của bão cũng chịu thiệt hại không nhỏ do dự báo chưa kịp thời như tỉnh Thanh Hóa phải sơ tán "oan" hàng nghìn người dân.
Không chỉ thiếu thông tin để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, mà đáng buồn hơn là do thiếu hiểu biết, người dân còn giấu thông tin, cung cấp thông tin cứu nạn giả, khiến các cơ quan chức năng rất chật vật trong ứng phó, cứu nạn. Nói về công tác quản lý tàu thuyền trên biển, Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) thừa nhận công tác này còn nhiều bất cập. Ngư dân còn giấu ngư trường, chất lượng tàu, thuyền chưa bảo đảm, nhiều tàu không có phao áo cứu sinh, còn sử dụng chất nổ để khai thác, thông tin yêu cầu cứu nạn trên biển thiếu chính xác, không kịp thời. Trong năm 2012, có 119 tin báo nạn giả trên tổng số 319 tin báo nạn trên biển, gây khó khăn, tốn kém cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn.
Để tránh và chống thiên tai có hiệu quả
Thiên tai trong năm 2012 đã làm 258 người chết và mất tích; 408 người bị thương; 6.292 nhà bị đổ, sập, trôi; 101.756 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 408.383ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; 3.240.069m3 đất đá bị sạt lở… tổng thiệt hại về vật chất khoảng 16.000 tỷ đồng. Những con số "biết nói" trên khiến chúng ta không khỏi đau lòng và lo cho sự an nguy của người dân ở những nơi "đầu sóng ngọn gió" mỗi khi nghe tin có bão. Nguy hiểm là vậy, nhưng câu chuyện phòng chống thiên tai vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã thẳng thắn chỉ ra một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng chủ quan, thiếu chuẩn bị trước; kế hoạch đối phó, phòng chống, phương án PCLB, TKCN sơ sài, ứng phó thiếu quyết liệt; thực hiện phương châm 4 tại chỗ chưa chu đáo… Đáng lo ngại là ý thức và sự hợp tác của một bộ phận ngư dân với chính quyền trong công tác PCLB&TKCN chưa cao, vẫn cố tình khai thác khi đã có lệnh cấm, một số phương tiện tàu thuyền tìm cách vượt trạm kiểm soát ra khơi, một số tàu tắt máy không liên lạc, vì vậy việc nắm bắt thông tin, quản lý tàu thuyền còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng san lấp mặt bằng xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, giao thông; đào san núi, lấp sông suối xây dựng nhà ở khu vực miền núi đã làm tăng thêm mức độ nghiêm trọng, kéo dài thời gian ngập lụt, làm tăng nguy cơ mất an toàn trong các tình huống thiên tai; việc xác định vùng nguy hiểm, lập phương án và sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất chưa thực hiện tốt nên số người bị chết do sạt lở đất gây đổ nhà chiếm tỷ lệ lớn…
Theo ghi nhận của PV Hànộimới, để tổ chức thực hiện cứu hộ cứu nạn trên biển, Việt Nam đang xây dựng đội tàu hiện đại, hoạt động dài ngày trên biển trong mọi điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, trang thiết bị dù có hiện đại nhưng ý thức phòng chống thiên tai còn yếu kém, chắc chắn hậu quả sẽ còn nặng nề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.