Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng chống tham nhũng: Chỉ tận mặt, đặt đúng tên

Hà Phong| 18/08/2012 06:36

(HNM) - Gấp rút chuẩn bị trình Quốc hội Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi vào kỳ họp tháng 10 tới, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã hoàn thành dự thảo và đang lấy ý kiến phản biện của người dân về cơ cấu, nội dung chính trên trang web http://duthaoonline.quochoi.vn. Trong đó, cơ quan này bổ sung khá nhiều quy định mới. Đáng lưu ý là quy định phải giải trình tài sản tăng thêm và việc mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản.

Theo quan điểm của TTCP, để chống tham nhũng phải quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của người đứng đầu từng cấp, từng ngành và minh bạch hóa thông tin. Ví dụ chủ trương kê khai tài sản có từ lâu nhưng thực hiện không hiệu quả, bởi trước khi kê khai, nhiều tài sản đã bị chuyển cho các chủ sở hữu khác. Một cán bộ có chức quyền có thể có 3-4 căn nhà nhưng đã được xẻ ra đứng tên người thân nên rất khó kiểm soát. Dư luận cũng nói đến cán bộ gửi tiền tại ngân hàng nước ngoài. Nhưng để "chỉ tận mặt, đặt được tên" không dễ. Do đó, dự thảo Luật PCTN sửa đổi đã quy định rõ hơn trách nhiệm người phụ trách từng lĩnh vực; mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bao gồm tất cả đảng viên tại nơi đang công tác. Đồng thời yêu cầu giải trình với tài sản tăng thêm có giá trị 100 triệu đồng trở lên. Và nếu chứng minh không thỏa đáng thì cán bộ đó sẽ bị xem xét kỷ luật. Dự thảo cũng nêu rõ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà kê khai tài sản không trung thực sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn mà kê khai tài sản không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào chức vụ đã dự kiến. Tuy nhiên, Ban soạn thảo chưa đặt ra vấn đề tịch thu, tước đoạt tài sản tăng thêm không giải trình được. Bởi tài sản và sở hữu là vấn đề phức tạp, liên quan đến luật dân sự, hình sự. Nguyên tắc chung là tài sản chỉ bị tịch thu khi có bằng chứng người sở hữu do tham nhũng mà có.

Một vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử.

Bình luận về những cải cách của TTCP trong PCTN, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, quy định tất cả đảng viên đều kê khai tài sản là loãng, dễ dẫn đến hòa cả làng, không làm rõ được đối tượng cần giám sát. Bởi đa phần cán bộ, đảng viên là những người làm công ăn lương, có một căn hộ tập thể hoặc căn nhà nhỏ cho cả gia đình sinh sống. Trong khi đối tượng cần kê khai là cán bộ có chức, có quyền, đặc biệt là những người làm việc trong các cơ quan dễ dẫn đến tham nhũng. Do đó, cần tập trung vào nhóm này hơn là làm đại trà. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả của việc kê khai tài sản. Về quy định công khai bản kê khai tài sản tại cơ quan, đơn vị là rất tốt. CBCC làm ở cơ quan nhiều năm thì có tài sản gì, hằng ngày đi làm bằng phương tiện nào anh em đồng nghiệp đều nắm rõ. Tuy nhiên, cũng cần mở rộng công khai hóa tài sản tới khu dân cư. Vì người dân ở nơi cán bộ cư trú hơn ai hết hiểu gia đình, vợ, chồng, con cái CBCC thuộc diện kê khai có diễn biến sinh hoạt, mua sắm như thế nào. Qua nguồn này, mới thu được nhiều thông tin để sàng lọc, xác minh.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện cho rằng, luật hiện nay chưa làm rõ mối liên hệ giữa việc xác minh và việc quy kết tham nhũng. Và chỉ khi thông tin được minh bạch thì người dân, cơ quan chức năng mới có cơ sở để thực thi quyền hạn và nhiệm vụ của mình trong PCTN một cách chủ động, tích cực và hiệu quả.

Về quy rõ trách nhiệm người đứng đầu, theo ông Lê Như Tiến, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân vẫn còn băn khoăn với cơ chế thực hiện, do vậy, cần có giải pháp tỉ mỉ hơn nữa. Không để tình trạng như ở Vinashin, Vinalines, hỏi trách nhiệm để thất thoát, thua lỗ, Bộ Tài chính không nhận; Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT cũng không (!). Trong khi đó, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về công sản và tài chính công, Bộ KH&ĐT khi cấp phép cũng phải lo thẩm định. Cử tri cũng góp ý, cần làm mạnh từ trên xuống. Phải làm rõ được những người không chỉ có dấu hiệu tham nhũng mà còn vô cảm với tham nhũng, có trách nhiệm liên đới trong quản lý, lãnh đạo. Riêng quy định rất mới trong dự thảo luật là tạm thời đình chỉ công tác hoặc chuyển sang vị trí khác với cán bộ có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ công tác xác minh phải rất cẩn trọng. Bởi dễ từ cực này chuyển sang cực khác, không điều tra đúng sẽ làm oan sai, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cán bộ. Cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm với đề nghị của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống tham nhũng: Chỉ tận mặt, đặt đúng tên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.