Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng chống HIV/AIDS: Các tổ chức xã hội cần được tiếp sức

Khánh Vũ| 05/10/2013 06:55

(HNM) - Đối mặt với đại dịch HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và cần có sự phối hợp của nhiều lực lượng. Ở đó, bên cạnh các biện pháp chuyên môn hay kỹ thuật y tế, sự chung tay của các tổ chức xã hội là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, việc thiếu một khung pháp lý hoàn thiện và điều kiện tiếp cận các nguồn lực còn hạn chế đang là rào cản đối với lực lượng này.

Nỗ lực được ghi nhận

Trong thời gian qua, các tổ chức xã hội đã tập trung hỗ trợ hoạt động truyền thông, dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ cho người nhiễm, người bị ảnh hưởng bởi HIV tại cộng đồng. Dù là tổ chức phi chính phủ hay nhóm xã hội dựa vào cộng đồng và mạng lưới người sống chung với HIV/AIDS, lực lượng này đã có đóng góp quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ tại những lĩnh vực hoặc những vùng mà Chính phủ chưa bao phủ hết. Chẳng thế mà tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS, người ta đã ghi nhận vai trò to lớn của các tổ chức xã hội tại Việt Nam trong việc cung cấp 51% - 75% dịch vụ chăm sóc tại nhà cho người nhiễm HIV, 25% - 50% dịch vụ chăm sóc cho trẻ mồ côi và bị ảnh hưởng bởi HIV, 25% - 50% dịch vụ dự phòng cho quan hệ tình dục đồng giới và thanh niên.

Bệnh viện 09 (Sở Y tế Hà Nội) chuyên chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Ảnh: Lê tuấn


Theo bác sĩ Hàng Thị Xuân Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống, những kết quả nói trên có được nhờ công sức không nhỏ của những cá nhân, nhóm người đã không quản ngại sự kỳ thị, không ngại bệnh tật và sự hạn chế của bản thân. Họ là những thành viên "vô danh", những cá nhân thuộc chính cộng đồng người dễ bị tổn thương, hoạt động hoàn toàn tự nguyện, đại diện cho tiếng nói và lợi ích của chính cộng đồng mình. "Họ thật sự là tâm, là gốc của nỗ lực ứng phó với HIV/AIDS", bà Xuân Lan nhấn mạnh.

Hoạt động của các tổ chức xã hội trong phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Thách thức đến từ sự kỳ thị, sự phân biệt đối xử - những rào cản lớn đối với việc cung cấp dịch vụ và sự tham gia có ý nghĩa hơn của người sống chung với HIV trong hoạt động phòng chống đại dịch. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế thừa nhận, ngoài những khó khăn kể trên, hiện còn những rào cản khác cần phải vượt qua. Đó là thiếu khuôn khổ pháp lý nhất quán cho việc đăng ký, quản lý các tổ chức xã hội nghề nghiệp và đoàn thể quần chúng tham gia vào việc cung cấp dịch vụ, phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó là việc huy động nguồn tài trợ bền vững. Hiện nay, sự tham gia của các tổ chức cũng chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, nhất là tại thành phố lớn; năng lực của một số nhóm còn hạn chế, đặc biệt là các nhóm tự lực.

Vận dụng khung pháp lý hiện có

Theo ông Lê Minh Thành, trưởng nhóm G-Link (hoạt động dưới danh nghĩa Công ty TNHH Tư vấn nghiên cứu và phát triển Thành Danh), để nuôi dưỡng hoạt động xã hội, nhóm phải tự tìm nguồn kinh phí thông qua các hình thức kinh doanh. Khởi đầu với việc mở quán cà phê Glink Coffee vào năm 2011, nhóm này tiến hành các hoạt động tư vấn về HIV/AIDS, tư vấn tâm lý, pháp lý có thu phí. Năm 2013, nhóm mở thêm nhà hàng G-link, đó cũng là lúc hoạt động tư vấn dần đi vào ổn định.

Nhìn chung, số tổ chức có thể tự lực như G-Link hiện không nhiều. Mong muốn chung được ghi nhận từ cộng đồng vẫn là đơn giản hóa điều kiện và thủ tục thành lập; ban hành thêm văn bản quy phạm pháp luật dành cho các tổ chức, nhóm làm về HIV/AIDS. Vấn đề ở chỗ, các đề xuất trên không bảo đảm sự chắc chắn về tính khả thi và thời gian thực hiện. Trong điều kiện ấy, có ý kiến cho rằng, mặc dù chưa hoàn thiện nhưng khung pháp lý hiện có đã đủ để thành lập và vận hành nhiều loại hình tổ chức xã hội. Nhiều nhóm cộng đồng phòng chống HIV/AIDS đã hình thành dưới các loại hình tổ chức KH&CN, hợp tác xã (Sông Lam xanh, Hoa phượng đỏ, Hy vọng Thái Bình), tổ hợp tác (Hy vọng An Giang, Đất mỏ Quảng Ninh), hộ kinh doanh (Vì ngày mai tươi sáng Hà Nội), doanh nghiệp (Công ty TNHH Thành Danh)…

Ông Trần Minh Giới, Giám đốc Dự án Sáng kiến chính sách y tế đưa ra hướng đi thực tế hơn. Đó là các tổ chức xã hội vẫn có thể dựa trên khung pháp lý hiện hành, vận dụng các văn bản quy phạm pháp luật hiện có để tiếp tục thành lập và đẩy mạnh hoạt động của mình; rà soát khung chính sách và lựa chọn vấn đề ưu tiên để giải quyết. Về nguồn lực, các tổ chức có thể tổng kết và cùng chia sẻ mô hình tiếp cận, sử dụng ngân sách nhà nước hoặc chủ động tiếp cận nguồn ngân sách thông qua hình thức hợp đồng dịch vụ. Bên cạnh đó, ông Trần Minh Giới cũng nhấn mạnh đề xuất: Cần một định nghĩa rõ ràng và bao quát hơn về "tổ chức xã hội", trong đó cần mở rộng cho các loại hình tổ chức KH&CN, hội, các mạng lưới và nhóm cộng đồng để các tổ chức này được tiếp cận nguồn ngân sách theo Điều 10 của Luật Ngân sách: Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống HIV/AIDS: Các tổ chức xã hội cần được tiếp sức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.