(HNM) - Dù đến thời điểm này chưa phát sinh ổ dịch nhưng là địa phương tiêu thụ sản phẩm thịt từ gia súc, gia cầm với số lượng khá lớn, Hà Nội đã tổ chức kiểm dịch tại các chốt động vật ở các cửa ngõ thành phố và các cơ sở giết mổ tập trung.
Theo Chi cục Thú y Hà Nội, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 800 tấn thịt gia súc, gia cầm (GSGC), trong đó Hà Nội tự sản xuất được khoảng 70-75%, phần còn lại do các địa phương khác cung cấp. Theo ông Phạm Thế Trung, phụ trách chốt kiểm dịch động vật liên ngành số 4 tại Phú Xuyên, để bảo đảm hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch bệnh, cần thực hiện tốt công tác kiểm dịch, bởi thương lái có thể lợi dụng mọi kẽ hở đưa sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào thành phố.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra xe vận chuyển gia cầm giống. |
Khó khăn nhất trong công tác kiểm dịch hiện nay là mạng lưới giao thông ở Hà Nội phát triển mạnh, có nhiều đường ngang, ngõ tắt vào thành phố, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật cố tình trốn tránh không đi qua tuyến có chốt kiểm dịch động vật. Vị trí đặt một số trạm kiểm dịch động vật liên ngành không còn phù hợp. Các lực lượng tham gia thường trực (thú y, quản lý thị trường, công an) tại các chốt chưa tích cực trong việc dừng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; sự phối hợp giữa các lực lượng thường trực không chặt chẽ, trực không đủ thành phần. Việc phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm tại các chốt còn hạn chế.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, Chi cục Thú y Hà Nội đã chỉ đạo trạm thú y các quận, huyện, thị xã đôn đốc ban thú y thực hiện giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, báo cáo kịp thời để xử lý, không để lây lan ra diện rộng. Triển khai các chương trình lấy mẫu giám sát để dự báo sớm dịch bệnh, đến nay, các chương trình của dự án CDC, Vahip, FAO, OSRO và dự án của Viện Thú y đã lấy 1.487 mẫu Swab gộp, 735 mẫu máu, 40 mẫu nước uống của gia cầm. Hiện tại, chưa phát hiện gia cầm dương tính với vi rút cúm A/H7N9. Chi cục Thú y Hà Nội đã cấp 63.500 lít, kilôgam hóa chất vệ sinh tiêu độc để triển khai 2 đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Chỉ đạo các huyện tiêm phòng bổ sung cho đàn GSGC và tiến hành tiêm phòng đại trà từ ngày 1-3-2014 đến 1-4-2014. Trong năm 2014, thành phố sẽ hỗ trợ cơ bản đủ các loại vắc xin cho nông dân phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn, lở mồm long móng, tai xanh... Riêng vắc xin cúm là 30 triệu liều, đủ tiêm cho đàn thủy cầm và gà sinh sản trên địa bàn thành phố.
Chi cục Thú y Hà Nội đã yêu cầu các chốt kiểm dịch cần thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, ngăn chặn các loại động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vận chuyển vào thành phố, nhất là gia cầm, sản phẩm gia cầm. Các đơn vị bố trí lực lượng tham gia thường trực đầy đủ 24/24h tại các chốt kiểm dịch động vật liên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được UBND TP Hà Nội giao và thực hiện nghiêm túc quy trình thủ tục kiểm soát động vật, sản phẩm động vật. Bên cạnh đó, đề nghị Công an thành phố, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở lực lượng cảnh sát giao thông, quản lý thị trường phối hợp tích cực, đầy đủ để làm nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện và dừng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Hà Nội cũng đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Lạng Sơn, Thái Nguyên để trao đổi về tình hình dịch bệnh; phối hợp kiểm soát, truy tìm nguồn gốc các chủ buôn bán gia cầm nhập lậu...
Ông Nguyễn Hữu Thảo, Trưởng phòng Kiểm dịch (Chi cục Thú y Hà Nội) cho biết, hiện tại, 9 chốt kiểm dịch liên ngành của thành phố đều trực 24/24h, nhằm kiểm soát chặt chẽ xe vận chuyển sản phẩm động vật ra, vào địa bàn Thủ đô. Trong 2 tháng đầu năm 2014, 9 chốt kiểm dịch đã kiểm tra 8.832 lượt phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Tổng số gia súc, gia cầm được kiểm tra, phúc kiểm là hơn 2,4 triệu con. Đối với các sản phẩm động vật đã kiểm tra là hơn 1,5 triệu quả trứng gia cầm, 305.561kg thịt GSGC các loại. Các ngành đã xử lý 15 trường hợp vi phạm với số tiền 45 triệu đồng; tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.