(HNM) - Dịch cúm gia cầm hiện đang bùng phát mạnh trên thế giới, đặc biệt các chủng vi rút mới xuất hiện cúm A/H7N9, A/H10N8… đang xuất hiện mạnh tại Trung Quốc. Mặc dù ở Việt Nam chưa xuất hiện dịch cúm A/H7N9, A/H10N8… nhưng nguy cơ bùng phát dịch rất lớn.
Hà Nội là một trong những nơi có hoạt động buôn bán, tiêu thụ gia cầm lớn và phức tạp nên càng có nguy cơ cao về dịch bệnh. Để phòng, chống dịch hiệu quả, các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương cần huy động mọi lực lượng, kiểm soát dịch bệnh đến từng thôn, xóm để kịp thời xử lý khi có dịch xảy ra.
Các cơ quan chức năng kiểm tra dịch bệnh tại chợ Hà Vỹ, huyện Thường Tín. Ảnh: Tuấn Vũ |
Diễn biến phức tạp
Mặc dù ở nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên người và gia cầm nhưng trong tháng 1- 2014 đã có 2 trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp do tiếp xúc với gia cầm. Đặc biệt, nguy cơ xâm nhiễm dịch cúm gia cầm vào Việt Nam đang rất cao, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm lớn như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam... Đến thời điểm này, dịch cúm gia cầm ở trong nước cũng đang diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch cúm A/H5N1 đã xuất hiện tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Long An, Nam Định.
Hoạt động buôn bán gia cầm tại chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín) ngày 10-2 có vẻ trầm lắng hơn so với thời điểm trước Tết. Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh cho biết, từ ngày mùng 3 Tết các tiểu thương bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng do nhu cầu sử dụng thịt gia cầm có chiều hướng giảm nên đến thời điểm này trung bình mỗi ngày tại chợ chỉ bán được khoảng 30 tấn gia cầm, bằng 1/3 so với các tháng trước. Trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm, Trạm Thú y đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán gia cầm ở các tỉnh về chợ. Tại chợ, Chốt kiểm dịch động vật liên ngành số 5 của thành phố hoạt động 24/24h để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, vì vậy đến nay chưa phát hiện gia cầm nhập lậu. Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với công tác kiểm dịch tại chợ chính là việc lợi dụng kẽ hở theo quy định của Bộ NN&PTNT "xe chở gia cầm dưới 50 con không cần kiểm dịch" nên nhiều thương lái "xé lẻ" gia cầm, chở bằng xe máy vào chợ nên khó kiểm soát.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm 2014 đến nay, thế giới đã ghi nhận 161 trường hợp mắc bệnh mới, trong đó có 16 trường hợp chết do cúm A/H7N9. Nếu tính từ tháng 3-2013 đến nay, tại Trung Quốc đã phát hiện 308 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 63 trường hợp chết mà nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc với gia cầm (chiếm tới 65% số trường hợp mắc bệnh). Trung Quốc cũng vừa xác nhận có thêm 2 trường hợp mắc cúm A/H10N8 tại tỉnh Giang Tây. |
Huy động mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch
Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Cấn Xuân Bình, dịch cúm A/H7N9… bùng phát mạnh ở Trung Quốc đang là nguy cơ đối với nước ta. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ đầu tháng 1-2014 đến nay đã bắt đầu xuất hiện một số đàn gia cầm ốm chết tại một số huyện như Chương Mỹ, Quốc Oai, Sóc Sơn… Để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N1, A/H7N9, A/H10N8…; Chi cục Thú y Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra dịch bệnh đến từng thôn, xóm, cụm dân cư để phát hiện sớm dịch bệnh, chủ động khoanh vùng khống chế. Đồng thời thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng để điều tra dịch tễ và giám sát dịch bệnh trên người; thành lập Đoàn kiểm tra các địa điểm tập trung kinh doanh buôn bán, giết mổ, chế biến gia cầm và sản phẩm gia cầm, đặc biệt các chợ cóc, chợ tạm tại các quận nội thành. Từ ngày 25-2 đến 28-2, toàn thành phố sẽ tổng vệ sinh tiêu độc, trong đó tập trung vào các vùng nguy cơ cao như nơi tập trung buôn bán, giết mổ gia cầm; vùng có ổ dịch cũ; nơi có lễ hội... Tại 11 chốt kiểm dịch liên ngành của thành phố đã tích cực hoạt động, xử lý quyết liệt việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch theo quy định. Tuy nhiên, việc kiểm tra cần có sự phối hợp của lực lượng liên ngành giữa công an, quản lý thị trường mới phát huy hiệu quả vì cơ quan thú y không có chức năng dừng và kiểm tra xe.
Trong công tác phòng, chống dịch, theo Cục Thú y, hiện nguồn vắc xin dự trữ cả nước còn khoảng 38 triệu liều, đủ để tiêm cho đàn gia cầm trước và khi có dịch xảy ra. Hiện Cục cũng đang phối hợp các tổ chức quốc tế, các dự án như FAO, VAHIP… chủ động triển khai chương trình giám sát tại các chợ buôn bán gia cầm sống, gia cầm nhập lậu. Hiện nay, chương trình của FAO đang triển khai giám sát virút cúm A/H7N9 thực hiện tại 9 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Chương trình giám sát virút cúm A/H7N9 do Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) triển khai tại Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn từ tháng 12-2013 đến tháng 2-2014 sẽ lấy 3.600 mẫu tại các chợ để xét nghiệm. Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu gia cầm qua biên giới; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc xuất xứ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tránh gây hoang mang trong dư luận để không làm ảnh hưởng tới việc chăn nuôi, tiêu thụ gia cầm của người dân, nhất là trong khi giá gia cầm đang giảm mạnh; các địa phương cần khuyến cáo người dân không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, không ăn tiết canh để phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.