(HNM) - Kể từ khi Thế chiến lần thứ hai kết thúc, đây là lần đầu tiên thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đến vậy. Xuất hiện vào cuối tháng 12-2019, vi rút SARS-CoV-2 nhanh chóng "đổ bộ" khắp các quốc gia như cơn sóng thần, gây tác động toàn diện tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Mỗi ngày, những ca nhiễm mới và tử vong vì căn bệnh chưa có thuốc đặc trị này vẫn tiếp tục gia tăng. Có thể nói, cuộc đối đầu với dịch Covid-19 là một cuộc chiến sinh tử của nhân loại. Đứng trước kẻ thù vô hình có sức mạnh khủng khiếp, các nước đã đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để giành chiến thắng trước đại dịch.
Mới đây nhất, tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) về ứng phó với dịch Covid-19 qua hình thức họp trực tuyến, các nước ASEAN đã kích hoạt các cơ chế thông tin trong khu vực về y tế, ứng phó với các trường hợp khẩn cấp… Ngoài ra, theo đề xuất của Việt Nam, các nước quyết định sẽ xem xét thành lập một số cơ sở mới, tạo điều kiện ứng phó hiệu quả hơn không chỉ với dịch bệnh mà còn cả các trường hợp phát sinh bất ngờ trong tương lai. Trong đó, nổi lên có việc tổ chức diễn tập quân y sa bàn về tình huống y tế cộng đồng, khẩn cấp, thành lập Quỹ ASEAN về chống Covid-19, lập kho dự trữ vật tư y tế của khu vực…
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã phối hợp với các nước, ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch Covid-19 vừa cảnh báo nguy cơ dịch bệnh, vừa khẳng định quyết tâm hợp tác khu vực, quốc tế trong chống dịch, phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Trước đó, Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đạt được đồng thuận tung gói cứu trợ quy mô lớn để đương đầu với đại dịch. Gói cứu trợ này dựa trên 4 trụ cột chính. Trước hết, các nước Eurozone quyết định sử dụng cơ chế Quỹ bình ổn châu Âu kèm các điều kiện “dễ thở” cho số tiền 250 tỷ euro. Tiếp theo là các khoản vay từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu dành cho các doanh nghiệp với con số 200 tỷ euro, cùng một cơ chế tài chính dành cho các biện pháp bảo đảm việc làm trong ngắn hạn lên tới 100 tỷ euro. Trụ cột thứ tư, mở đường cho kế hoạch phục hồi có thể lên tới khoảng 500 tỷ euro, khiến tổng thể các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế Eurozone lên tới hơn 1.000 tỷ euro. Giữa tình thế gian nan của cuộc chiến chống đại dịch, kết quả của cuộc họp đã mang đến cho EU “một ngày đoàn kết tuyệt vời” như Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nhận định.
Cũng trong động thái nhằm tăng cường sức mạnh trước đại dịch, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Câu lạc bộ Paris gồm các chủ nợ quốc tế đã nhất trí giãn nợ một phần cho những quốc gia nghèo nhất thế giới trong năm nay. Theo thống kê, tổng số tiền giãn nợ lên tới 20 tỷ USD cho 76 quốc gia.
Ngoài ra, hợp tác chống dịch Covid-19 còn là việc cung cấp thông tin minh bạch, chia sẻ mọi dữ liệu y tế và nghiên cứu về dịch bệnh lẫn kinh nghiệm phòng ngừa và kiểm soát dịch. Như trường hợp Việt Nam, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra khẳng định, Liên hợp quốc đã sử dụng kinh nghiệm chống dịch giai đoạn đầu của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi Covid-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu, lối thoát duy nhất là cùng “chung một chiến hào”. Như tuyên bố của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, trước sức tàn phá của kẻ thù chung, “các quốc gia cần đoàn kết lại, mọi người đoàn kết lại” để cùng nhau làm nên thắng lợi cuối cùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.