(HNMCT) - Thời tiết giao mùa từ thu sang đông, nhiệt độ có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với những người cao tuổi có sức đề kháng kém. Chính vì vậy, người cao tuổi cần cảnh giác với những dấu hiệu bệnh, chú ý đến những thay đổi bất thường của cơ thể để có biện pháp xử lý kịp thời.
Những bệnh hay gặp khi thời tiết thay đổi
Đề cập đến những bệnh hay gặp khi thời tiết chuyển lạnh, bác sĩ Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết, việc thay đổi thời tiết từ thu sang đông ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu cơ thể con người không kịp thích nghi, nhất là ở người cao tuổi (NCT). Cụ thể, NCT dễ mắc các bệnh như cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm phổi, đau nhức xương khớp, da khô nứt nẻ, hạ thân nhiệt, tăng huyếp áp, tim mạch, đột quỵ... Nguyên nhân do càng lớn tuổi, khối cơ trong cơ thể sẽ càng giảm xuống, đồng nghĩa với các cơ quan quan trọng như tim, gan, phổi, thận đều bị mất đi lớp áo giáp bảo vệ. Điều này kéo theo việc nhiệt độ cơ thể giảm, sức đề kháng kém, tạo cơ hội cho các bệnh về đường hô hấp, đột quỵ và xương khớp xảy ra.
Bác sĩ Nghiêm Nguyệt Thu, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết thêm, thời tiết lạnh sẽ khiến các cơ đau xương khớp ở NCT trầm trọng hơn. Ba loại bệnh về xương khớp mà NCT thường gặp nhất khi đến mùa đông là viêm khớp dạng thấp, thấp tim và gút. Ngoài ra, các vi sinh vật gây bệnh về đường hô hấp sẽ phát triển thuận lợi khi sức đề kháng của NCT sút giảm trong điều kiện môi trường có độ ẩm cao, nhiệt độ thấp. Đặc biệt, thời tiết giao mùa như hiện nay đôi khi trở thành hiểm họa cho người mắc bệnh tim mạch bởi những biến chứng nguy hiểm dễ dàng xảy ra như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ...
Bác sĩ Trần Viết Lực lưu ý, ở những NCT có bệnh mạn tính, sự thay đổi thời tiết sẽ làm bệnh nặng lên. Thêm vào đó, khi thời tiết chuyển lạnh, huyết áp bao giờ cũng có xu hướng tăng cao, dẫn đến gia tăng nguy cơ đột quỵ. Đặc biệt, khi trời lạnh cơ thể của chúng ta thường có hiện tượng co mạch, từ đó máu dễ bị đông hơn nên rất dễ gây tắc nghẽn mạch và đó chính là nguyên nhân gây đột quỵ. Nguyên nhân tiếp theo là trong môi trường lạnh, người bệnh thường dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng và cúm. Điều này làm cho những người bị mắc các bệnh nền trước đó dễ dàng bị đột quỵ hơn những bệnh nhân thông thường.
Không nên tự ý sử dụng thuốc
Theo bác sĩ Trần Viết Lực, bệnh nào cũng có những nguy hiểm và ảnh hưởng nhất định đối với người bệnh. Chẳng hạn như với cảm cúm, cảm lạnh không phải là bệnh quá nghiêm trọng nếu được chữa trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu chủ quan, bệnh tình sẽ nặng hơn, gây nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Hay như khi trời chuyển lạnh cũng khiến những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp dễ đối mặt với những biến chứng khó lường như suy tim, đột quỵ, tai biến... dễ gây tử vong hoặc tàn phế nếu không được sơ cứu, cấp cứu sớm. Do đó, khi phát hiện những bất thường ở NCT, gia đình phải đưa các cụ đi khám bệnh sớm vì bệnh chỉ ngày một nặng thêm chứ khó tự vượt qua được do sức đề kháng của cơ thể đã suy yếu.
Cũng theo bác sĩ Nghiêm Nguyệt Thu, NCT không nên tự ý sử dụng thuốc, tốt nhất hãy dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Khi bác sĩ cho đơn thuốc, phải dùng đúng thuốc theo đơn. Không chạy chữa theo lời mách bảo, đồn đại hoặc tự ý dùng thêm thuốc khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị. Khi đang dùng thuốc, nếu thấy có những rối loạn, những phản ứng bất thường, không nên tự ý bỏ, ngưng thuốc hoặc thay thế thuốc khác mà nên tái khám bác sĩ đã chỉ định thuốc để có hướng xử lý thích hợp. Nếu NCT có nguy cơ bị suy giảm trí nhớ thì càng không nên tự dùng thuốc mà cần có người thân chăm lo, giữ và cho dùng thuốc theo giờ quy định. Bởi trên thực tế đã có trường hợp NCT bị ngộ độc thuốc vì không nhớ đã uống thuốc rồi nên uống thêm hoặc có trường hợp uống thuốc dạng nhỏ giọt quá liều do đếm sai...
Biện pháp bảo vệ sức khỏe trong mùa đông
Bác sĩ Nghiêm Nguyệt Thu khuyến cáo, dù ở nhà hay ra ngoài, NCT đều cần mặc đủ ấm, dùng khăn len che mũi, miệng để tránh viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Khi ở nhà, phòng ở phải thông thoáng nhưng ấm, không có gió lùa. Cửa ra vào, cửa sổ phải có rèm hoặc kính che gió nếu phải mở ra đóng vào nhiều. Nếu không có việc cần thiết, NCT nên hạn chế đi ra ngoài trời lạnh. Ban đêm nếu phải tiểu đêm, NCT phải mặc đủ ấm, mở cửa từ từ cho cơ thể thích ứng với nhiệt độ thấp sau đó mới ra. Thực hiện tương tự nếu dậy sớm tập thể dục. Việc thay đổi nhiệt độ quá nhanh sẽ khiến xảy ra các biến chứng nguy hiểm như tai biến, nhồi máu cơ tim...
Để bảo vệ sức khỏe trong mùa đông, theo bác sĩ Nghiêm Nguyệt Thu, NCT cần ăn đủ các thực phẩm giàu chất bột đường, chất đạm, đặc biệt là chất béo giúp cơ thể sinh năng lượng chống rét. Thức ăn phải được nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu. Với NCT nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Buổi sáng và trưa nên ăn thức ăn giàu năng lượng và bữa tối ăn nhẹ nhàng hơn kèm theo chút hoa quả. Đặc biệt, NCT tránh ăn quá no, uống quá nhiều vào bữa tối để không mất ngủ. Tuyệt đối không dùng rượu để làm ấm cơ thể vì sẽ gây giãn mạch, khi tiếp xúc với trời lạnh rất nguy hiểm. Ngoài chế độ dinh dưỡng, NCT cần thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để giữ được khối lượng cơ, khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái, tăng cường hoạt động hệ tim mạch, hô hấp, giảm đường huyết cũng như mỡ máu. NCT nên tập thể dục ở chỗ kín gió, ấm áp, hoặc tập ngay trong nhà khi thời tiết quá lạnh. Tuy nhiên, chỉ nên tập luyện vừa sức và không nên cố gắng tập khi quá lạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.