Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Hà Nội về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công

Tuấn Lương| 20/04/2018 15:41

(HNMO) - Chiều 20-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã kiểm tra thực tế một số dự án đầu tư công chậm tiến độ giải ngân và làm việc với UBND TP Hà Nội về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Vương Đình Huệ đã kiểm tra thực tế một số dự án đầu tư công chậm tiến độ giải ngân và làm việc với UBND TP Hà Nội về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. 


Về phía Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội  Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc.


Quang cảnh buổi làm việc.


Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long thuộc Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nội Bài, bắt đầu triển khai thi công từ đầu năm 2017.

Đến nay, 442/877 hộ gia đình, 51/57 tổ chức và toàn bộ 14/14 ngôi mộ đã được giải phóng mặt bằng; bàn giao mặt bằng để triển khai thi công phía bên phải tuyến được 3.350m/5.500m, phía bên trái tuyến được 4.200m/5.500m; di chuyển 13 cột điện cao thế 110kV và cơ bản di chuyển xong các công trình thông tin, điện lực, cấp nước. 


Các nhà thầu đã thảm bê tông nhựa phần đường mở rộng được 2,5km bên phải tuyến và 3,6km bên trái tuyến; đã bàn giao 800m mặt bằng cho Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) để triển khai thi công cầu cạn đoạn tuyến trước Công viên Hòa Bình.

Dự kiến, trước ngày 30-8, toàn bộ mặt bằng sẽ được bàn giao cho Ban Quản lý dự án Thăng Long. Theo kế hoạch, trong năm 2018, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án.

Tại dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị (MRB) cho biết, đến nay, dự án đã hoàn thành đấu thầu và ký kết hợp đồng 8/9 gói thầu. Hiện còn gói thầu số 9 đang phấn đấu phát hành hồ sơ mời thầu trong quý II-2018. Tiến độ dự án bị chậm trễ, kéo dài do gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo MRB yêu cầu nhà thầu, đơn vị tư vấn lập điều chỉnh tổng tiến độ dự án.

Theo đó, thời gian kết thúc dự án kéo dài từ 31-12-2018 đến cuối năm 2022. UBND TP Hà Nội đang trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

UBND TP đã và đang chỉ đạo Ban tập trung tháo gỡ vướng mắc, quản lý chặt chẽ các nhà thầu nhằm quyết liệt thúc đẩy tiến độ dự án. Nhờ đó, gần đây tiến độ đã có bước chuyển biển tích cực. Tổng khối lượng tính đến nay đạt 41%. Công tác quản lý chất lượng và an toàn được nâng cao, không để xảy ra vụ việc mất an toàn nghiêm trọng nào trong 2 năm vừa qua...

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cấp thành phố đã được HĐND thành phố thông qua là 104.723,46 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư công trung hạn được thông qua gồm 397 dự án, trong đó: 178 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trung hạn trước (2011-2015) được tập trung bố trí vốn để cơ bản hoàn thành trong năm 2016, 2017 (trừ dự án quy mô lớn sử dụng vốn ODA); 102 dự án mới khởi công năm 2016 được tập trung bố trí vốn để cơ bản hoàn thành trong năm 2017 (dự án nhóm C), năm 2018 (dự án nhóm B); phần vốn còn lại tập trung bố trí theo thứ tự ưu tiên triển khai 117 dự án khởi công mới và chủ yếu khởi công từ năm 2018 để hoàn thành trong giai đoạn 2018-2020.

Số dự án mới trong 3 năm 2018-2020 này chỉ bằng 0,65 lần số dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 sang và 1,15 lần số dự án mở mới trong năm 2016. Các số liệu trên cho thấy Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Trung ương, bố trí vốn tập trung, không dàn trải, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, góp phần tăng hiệu quả đầu tư, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản trình bày báo cáo.


Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mức vốn bố trí cho 1 dự án là 177,1 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, tập trung vào các lĩnh vực: Giao thông (31.740 tỷ đồng/109 dự án); giáo dục và dạy nghề (1.514 tỷ đồng/36 dự án); y tế (3.324 tỷ đồng/30 dự án); đê điều (1.643 tỷ đồng/36 dự án); thủy lợi (6.693 tỷ đồng/39 dự án); thông tin truyền thông (294 tỷ đồng/4 dự án)… Theo kế hoạch, đến hết năm 2020 sẽ có tổng cộng 391/397 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố được hoàn thành đưa vào sử dụng.

Trong năm 2018, tính đến ngày 15-4, thành phố đã giải ngân được 4.647 tỷ đồng, đạt 11,03% kế hoạch giao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chưa đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu. Nguyên nhân khách quan là do trong tháng 1-2018, các chủ đầu tư và nhà thầu còn thực hiện công tác nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn của kế hoạch năm 2017 nên chưa tập trung triển khai thực hiện kế hoạch năm 2018. Sang tháng 2-2018 lại trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2018 nên nhà thầu thi công cầm chừng do công nhân nghỉ Tết chưa trở lại làm việc. Mặt khác, trong những tháng đầu năm, đối với các dự án khởi công mới thường phải hoàn thiện các thủ tục về lập, thẩm duyệt thiết kế - dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu nên chưa có hợp đồng xây lắp và khối lượng để tạm ứng, thanh toán...

Về nguyên nhân chủ quan, các chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án, nhất là tiến độ thi công xây dựng các công trình, dự án chuyển tiếp; việc triển khai hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm.

Hết quý I-2018, có 4/40 dự án mới được khởi công xây dựng, 23 dự án đang tổ chức đấu thầu, 13 dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để tổ chức đấu thầu trong các quý tiếp theo. Do vậy, trong quý II-2018, khi các dự án mới được triển khai thi công xây dựng thì tỷ lệ giải ngân sẽ khả quan hơn.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, năm 2018, Hà Nội sẽ hoàn thành kế hoạch giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Với các dự án trọng điểm, Hà Nội đã và sẽ ưu tiên giải phóng mặt bằng trước, đấu thầu xong có ngay mặt bằng để thi công. Hà Nội cũng đã nâng trần đền bù cho người dân để thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng. Khi hình thành các dự án cần nhà tái định cư, thành phố cũng đã bố trí đủ nhà tái định cư… 

Về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chủ tịch UBND thành phố đề xuất Chính phủ cho cơ chế để Hà Nội đầu tư 3 tuyến đường sắt đô thị từ nguồn tiền của thành phố cũng như điều chỉnh tăng trần nợ công của Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ các dự án liên quan đến vốn ODA…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiểm tra tiến độ thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.


Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, Hà Nội chiếm hơn 10% nguồn vốn đầu tư công toàn quốc. “Bức tranh” đầu tư công của Hà Nội nếu tốt thì cả nước cũng sẽ tốt. Thời gian qua, Hà Nội rất quan tâm đến việc đầu tư công trung hạn. Đặc biệt, Hà Nội có những cách làm hay, mô hình tốt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Đây là những nhân tố quan trọng, quyết định, bảo đảm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

“Một đồng mà được giải ngân sớm thì bài toán vay vốn của Nhà nước càng hiệu quả, tạo ra tăng trưởng, việc làm, cân đối kinh tế vĩ mô. Đây vẫn là điểm yếu và Chính phủ sẽ thành lập các đoàn kiểm tra các tỉnh để thúc đẩy giải ngân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý, lý do chậm giải ngân đầu tư công hiện nay có nguyên nhân từ tình trạng sợ làm sai. 

"Tất nhiên là phải làm đúng nhưng cần nhanh, ai không quyết đoán thì thay thế. Từ đó, cần chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ, quyết liệt với công việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và sự phối hợp giải quyết công việc… Sai có thể sửa nhưng sợ nhất là mấy cán bộ cứ chậm rì rì, ôm khư khư hồ sơ, rất khó xử lý trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Hà Nội về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.