Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Vẫn còn cán bộ bảo kê cho buôn lậu

Theo VOV| 02/12/2015 21:40

Theo Phó Thủ tướng, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức tha hoá, biến chất bảo kê cho hoạt động buôn lậu, nhất là hàng thực phẩm bẩn.


Chiều nay (2/12), tại Trụ sở Chính phủ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hàng kém chất lượng (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan về công tác phòng chống buôn lậu và hàng giả trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc họp


Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp nhận định: Hiện nay, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, điển hình như các hành vi trà trộn hàng giả với hàng thật, hàng không đảm bảo chất lượng với hàng đảm bảo chất lượng, áp dụng khuyến mại, bán trả tiền sau cho các cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng nông thôn...

Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm thường thuê địa điểm sản xuất, san chiết, đóng gói dán mác phân bón, thuốc thú y và liên tục thay đổi địa điểm nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm. Do đó, các đại biểu đề nghị, lực lượng chức năng ở Trung ương và địa phương cần chủ động tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất kinh doanh theo chức năng nhiệm vụ được giao. Đặc biệt cần phối hợp giữa Công an, Thanh tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương để kiểm tra xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng buôn lậu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc y, thức ăn chăn nuôi trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, hiện nay một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của nhân dân vào việc phòng, chống buôn lậu. Công tác phối hợp, phòng ngừa xử lý vi phạm, thanh tra, kiểm tra của các lực lượng liên ngành chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn hiện tượng tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức tha hoá, biến chất bảo kê cho hoạt động buôn lậu, nhất là mặt hàng thực phẩm bẩn, hoá chất. Phó Thủ tướng đề nghị: Từ nay đến Tết Nguyên đán, các Bộ, ngành địa phương phải ngăn chặn, kiểm soát cho được tình trạng buôn lậu gian lận thương mại, tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Trên tinh thần, quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 41 của Chính phủ, cùng với đó kết hợp xử lý hình sự, hoặc xử lý hành chính ở mức cao nhất nhằm triệt tiêu và răn đe các đối tượng, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.

“Các đồng chí phải chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, C74, C49 thanh tra các cấp, mỗi đơn vị phải làm kế hoạch cụ thể để triển khai việc này. Kể cả Bộ Y tế, chúng ta đã có chủ trương thành công như thuốc lá vậy đến chuyên đề này phải làm quyết liệt. Xử lý nghiêm dứt điểm các vụ việc nổi cộm tuyên truyền công khai xác định người đứng đầu cấp ủy chính quyền phải chịu trách nhiệm để sai phạm, xử lý kịp thời cán bộ công chức tiếp tay cho việc buôn lậu các mặt hàng này.” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, những vấn đề còn bất cập, tồn tại để Chính phủ sửa đổi theo đúng chức năng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phổ biến danh mục thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, các chất cấm trong chăn nuôi để các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng biết và không sử dụng, thực phẩm có chất cấm trong chăn nuôi.

Từ đầu năm đến nay, Thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện thanh tra, kiểm tra hơn 3.100 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thủy sản, phát hiện 1/3 trong số đó có hành vi vi phạm pháp luật, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 5 tỷ đồng.

Trong đó, một số tỉnh có nghề chăn nuôi phát triển và chiếm sản lượng lớn nhất cả nước như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương... là nơi phát hiện nhiều hành vi vi phạm. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy có rất nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp) có hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng như kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng ngoài danh mục, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Đặc biệt, nhiều cửa hàng thuốc thú y mua các thùng nguyên liệu kháng sinh và chia thành các gói 0,5 kg hoặc l kg để bán trực tiếp cho người nuôi trồng thủy sản với mục đích để phòng, trị bệnh cho thủy sản, trong đó có một số loại thuốc không được phép sử dụng như Enrofloxacin...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Vẫn còn cán bộ bảo kê cho buôn lậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.