(HNMO) - Thông thường, giảm lãi suất VND sẽ gây áp lực lên tỷ giá, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất tiền gửi USD về 0%. Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm nay áp lực tăng tỷ giá khi lãi suất VND ở mức thấp đã giảm đi rất nhiều.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, lãi suất VND giảm xuống thì sẽ gây áp lực tăng tỷ giá. Đó là diễn biến trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, “năm 2016 rất là khác biệt, đó là NHNN đã chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới, việc công bố tỷ giá trung tâm lên xuống hàng ngày đã giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ, chính vì vậy áp lực tăng tỷ giá khi lãi suất VND ở mức thấp đã giảm đi rất nhiều”, bà Hồng nói.
Tỷ giá chịu áp lực từ bên ngoài (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Chứng minh cho điều trên, Phó Thống đốc cho biết, thực tế, ở nhiều thời điểm, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức thấp và thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) dư thừa, khá dồi dảo nhưng tỷ giá khá ổn định. Những sự kiện xảy ra như Brexit có tác động tới tăng tỷ giá, nhưng chỉ tăng nhẹ và về cơ bản tỷ giá, thị trường ngoại hối vẫn ổn định trong 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận tỷ giá đang chịu nhiều áp lực từ yếu tố bên ngoài, liên quan tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất hay đồng nhân dân tệ bị phá giá, vậy việc bình ổn tỷ giá được thực hiện thế nào? Trả lời câu hỏi này, Phó Thống đốc cho rằng, đúng là môi trường kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường cũng có tác động tâm lý đối với thị trường tiền tệ và ngoại hối trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ giá và thị trường ngoại hối rất ổn định, đó chính là nhờ khi chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới thì đã giúp giải tỏa tâm lý găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế rất nhiều, chính vì vậy, hệ thống các TCTD đã chuyển sang mua ròng từ nền kinh tế.
Điểm thứ hai rất quan trọng là trong điều hành hàng ngày, NHNN đã bám sát theo dõi diễn biến của thị trường, của quốc tế để công bố tỷ giá trung tâm phù hợp. Đặc biệt kết hợp với các công cụ điều hành trên thị trường tiền tệ để có thể quyết định liều lượng hợp lý. Các quyết định chính sách này thì được căn cứ không chỉ trên những yếu tố về kinh tế mà còn căn cứ trên yếu tố về tâm lý, kỳ vọng của thị trường.
Liên quan đến việc cùng với bình ổn tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối cũng là bài toán rất khó, bà Hồng cho hay, làm thế nào để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước là câu chuyện rất khó khăn. Bởi vì tăng dự trữ ngoại hối nhà nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vấn đề sẵn sàng can thiệp thị trường ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, phục vụ cho mục đích về phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.
Trên thực tế, bằng các giải pháp điều hành của NHNN theo phương châm nâng cao vị thế VND, tất cả các giải pháp điều hành kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ thì đều khuyến khích người dân nắm giữ VND và giảm tâm lý găm giữ bằng ngoại tệ. Chính vì vậy, khi chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới thì tâm lý giải tỏa và NHNN khi có điều kiện là mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Khi mua ngoại tệ đồng nghĩa với việc đưa tiền đồng ra nền kinh tế nhưng mà bằng các giải pháp công cụ của mình, NHNN đã hút tiền về điều tiết phù hợp sao cho tăng dự trữ ngoại hối nhà nước nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát tiền tệ theo mục tiêu đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.