(HNM) - Một số trường hợp đáng tiếc vừa xảy ra liên quan đến những người ra nước ngoài làm việc tự do, tiếp tục đặt ra yêu cầu phải chấn chỉnh những tiêu cực, hạn chế trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Gia Liêm cho rằng: “Nếu nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và các tổ chức, cá nhân có liên quan tăng lên, chắc chắn nguy cơ rủi ro sẽ giảm”.
Kết quả khả quan nhưng vẫn còn khoảng tối
- Ông đánh giá thế nào về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong những năm gần đây?
- Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã đạt được những kết quả khả quan. Bằng chứng là, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài giữ vững đà tăng liên tiếp, đến năm 2018 đạt 143.000 người/năm, tăng gần 30.000 người so với năm 2015. Từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đưa 120.000 người ra nước ngoài làm việc, đạt 100% kế hoạch cả năm, chiếm gần 10% tổng số người lao động được giải quyết việc làm. Đáng chú ý, lao động Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…, đồng thời hướng đến các thị trường mới ở Bắc Phi, châu Âu…
Tín hiệu tích cực của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác, như: Thu nhập của người lao động ngày càng tăng, nguồn tiền gửi về nước ngày một nhiều, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống cho không ít gia đình, địa phương. Bản thân người lao động được nâng cao kỹ năng nghề, trau dồi khả năng giao tiếp bằng tiếng nước ngoài… Khi trở về nước, lực lượng này có nhiều cơ hội tìm việc làm; thị trường lao động có thêm nguồn cung dồi dào, chất lượng.
- Ông có thể cho biết, các cơ quan chức năng đã, đang làm gì để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng?
- Đi làm việc ở nước ngoài là nhu cầu chính đáng của người lao động. Do đó, Nhà nước và các ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương đã, đang hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ có cơ hội làm việc hợp pháp ở nước ngoài bằng nhiều hình thức. Nổi bật là chính sách hỗ trợ cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người cư trú dài hạn trên địa bàn các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo tinh thần Quyết định số 1722/QĐ-TTg, ngày 2-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg, ngày 9-9-2019 về “Tín dụng đối với người lao động tại các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020”. Theo Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg, người lao động tại các huyện nghèo có thể vay vốn tối đa bằng 100% chi phí đã ký với doanh nghiệp, tổ chức, mà không phải bảo đảm tiền vay. Việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi ra nước ngoài lao động cũng được quan tâm…
Nhằm bảo đảm địa vị pháp lý, các quyền và lợi ích của người lao động, các cơ quan hữu quan không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác uy tín. Đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Lào, Thái Lan, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất... Bên cạnh đó, nước ta đang trao đổi hợp tác lao động, đưa lao động đến các nước: Romania, Bulgaria, Liên bang Nga, Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia…
Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động vi phạm quy định. Khi nhận được thông tin tố cáo, tố giác bị lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã phối hợp điều tra, làm rõ và đã khởi tố hình sự không ít trường hợp lợi dụng hoạt động này để trục lợi.
- Vậy, tại sao vẫn có không ít trường hợp bị lừa hoặc đi “chui”, thưa ông?
- Tuy chưa có con số thống kê chính xác, song trên thực tế, vẫn có những trường hợp, vụ việc đau lòng xảy ra liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo con đường không chính thức. Về phía người lao động, một số người do thiếu thông tin hoặc tiếp nhận thông tin không chính thống, nên dễ dàng tin vào “hứa hẹn” của đối tượng “cò mồi”, khiến họ phải nộp các khoản phí cao hơn quy định, thậm chí bị lừa và mất trắng tiền bạc. Một số trường hợp biết thông tin, quy định của pháp luật, nhưng vì nôn nóng muốn đi làm sớm, thu nhập cao nên sẵn sàng chọn con đường đi không chính thức… Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng lòng tin của người lao động để trục lợi hoặc lừa đảo. Còn các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương có chỗ, có nơi chưa chú trọng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân; chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động ở thị trường nước ngoài…
Hậu quả của việc đi lao động “chui” là chính người lao động phải trả giá bằng sức khỏe, tính mạng, tài sản; làm việc trong điều kiện không hợp pháp, không được pháp luật bảo vệ, dễ bị ngược đãi, bị vi phạm các quyền lợi về lao động (tiền lương, bảo hiểm, thời gian làm việc). Việc làm này cũng ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của thị trường lao động Việt Nam, làm giảm cơ hội đi làm việc ở nước ngoài của những người lao động khác...
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm
- Theo ông, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần làm gì để hạn chế những nguy cơ, rủi ro?
- Trước hết, mỗi người lao động cần chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động ngoài nước, các quy định của pháp luật liên quan đến làm việc ở nước ngoài, thông tin về các doanh nghiệp, tổ chức có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, người lao động có thể ra nước ngoài làm việc thông qua doanh nghiệp được cấp phép (hiện có gần 400 doanh nghiệp); các tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chẳng hạn như Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngoài ra, một số doanh nghiệp được phép đưa người lao động của mình đi làm việc ở nước ngoài theo dự án nhận thầu, khoán công trình, đầu tư ra nước ngoài hoặc đưa đi thực tập nâng cao tay nghề. Hình thức phổ biến khác là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân. Thời gian gần đây, có thêm hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua thỏa thuận giữa các địa phương của Việt Nam với địa phương ở nước ngoài, ví dụ lao động đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc với thời gian 3 tháng. Hầu hết người lao động lựa chọn con đường đi chính thống, có tổ chức đều được bảo đảm an toàn.
Trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục, người lao động có quyền yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân người tuyển dụng cung cấp đầy đủ thông tin về chủ sử dụng lao động ở nước ngoài, địa chỉ làm việc, nội dung công việc, các điều kiện làm việc, ăn ở, các quyền lợi về tiền lương, bảo hiểm và các chế độ khác. Ngoài ra, người lao động cần yêu cầu phía tuyển dụng nêu cụ thể các khoản chi phí, khi nộp tiền phải có hóa đơn, chứng từ ghi rõ tên doanh nghiệp, tổ chức, chữ ký của người có trách nhiệm. Nếu phía tuyển dụng không cung cấp đủ các yêu cầu nêu trên, thì đó là đơn vị không đáng tin cậy. Gặp trường hợp này, người lao động cần phản ánh đến các cơ quan chức năng. Song song với việc nâng cao nhận thức, người lao động cần nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, trau dồi kỹ năng giao tiếp bằng tiếng nước ngoài…
- Các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân người tuyển dụng phải có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ người lao động và phải nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam cũng như nước đối tác. Điều này có đúng không, thưa ông?
- Đúng vậy. Phía doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân người tuyển dụng không thể đứng ngoài quy trình tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhằm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao từ phía đối tác, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã phối hợp với các ngành, đoàn thể ở cơ sở tiến hành tuyển chọn những người thực sự có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài; chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo kiến thức, kỹ năng cho người lao động trước khi đưa họ sang nước ngoài làm việc.
Đáng chú ý, những doanh nghiệp có uy tín luôn công khai thông tin về phía người sử dụng lao động, các khoản chi phí mà người lao động có trách nhiệm đóng góp. Thông tin về mức chi phí này được đăng trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (dolab.gov.vn).
- Các cơ quan chức năng cần có giải pháp gì để bảo đảm an toàn cho người lao động và nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, thưa ông?
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng, sử dụng nguồn lao động xuất khẩu về nước. Hiện tại, Bộ cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng, soạn thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những bất cập, hạn chế của luật và quy định pháp luật trong thời gian qua.
Với các giải pháp đã, đang triển khai, tôi tin người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ an toàn, được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ cần thiết.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.