Nhận lời mời của Tổng thống nước CH Tajikistan Emomali Rahmon, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ năm về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (gọi tắt là CICA).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, các nước thành viên CICA cần khẳng định vai trò là một diễn đàn đối thoại, trao đổi thông tin, xây dựng lòng tin ở châu Á. |
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực châu Á đang có những thay đổi phức tạp. Các điểm nóng xung đột vẫn chưa được giải quyết, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia... tiếp tục tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực. Chủ nghĩa đa phương và xu thế toàn cầu hóa đứng trước nhiều thách thức do trào lưu dân túy, bảo hộ, đơn phương, chống toàn cầu hóa. Do đó, hội nghị thu hút sự quan tâm và tham dự của nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu khu vực như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cùng nhiều lãnh đạo các quốc gia châu Á khác.
Phát biểu tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đều nhất trí cho rằng, các quốc gia thành viên CICA cần nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác trên cơ sở tin cậy, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc để tìm ra các giải pháp đối với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đẩy mạnh hội nhập và liên khu vực, hướng đến một châu Á tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác cùng phát triển bền vững và thịnh vượng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh hoan nghênh chủ đề của hội nghị là “Chia sẻ tầm nhìn vì một khu vực CICA an ninh và thịnh vượng hơn” và chúc mừng Tajikistan đảm nhiệm vai trò Chủ tịch CICA.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận định, khu vực CICA là nơi tập hợp nhiều nền kinh tế phát triển năng động, có tiềm năng trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế thế giới trong tương lai; nhưng cũng là khu vực còn tiềm ẩn nguy cơ xung đột gây hậu quả nghiêm trọng với khu vực và quốc tế, đồng thời vẫn đang phải đối mặt với các thách thức, như nguy cơ chậm phát triển, tụt hậu về khoa học công nghệ, xử lý môi trường, tội phạm xuyên quốc gia…
Do đó, CICA cần phát huy vai trò là một diễn đàn đối thoại, trao đổi và xây dựng lòng tin ở châu Á, đề cao việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ, giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời hỗ trợ các nước thành viên ứng phó với các thách thức thông qua thúc đẩy hợp tác kinh tế và phát triển thịnh vượng, mở rộng giao lưu văn hóa, xã hội, tăng cường kết nối các nền văn minh và giữa người dân với người dân.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng hòa bình, hợp tác và phát triển, hội nhập quốc tế, tích cực tham gia và đóng góp có trách nhiệm vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, xây dựng và định hình các thể chế đa phương ở cấp độ khu vực và toàn cầu trên nguyên tắc công bằng, minh bạch và dựa trên luật lệ; nỗ lực duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, thúc đẩy đàm phán sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông hiệu quả.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng cảm ơn các nước đã tin tưởng bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; khẳng định Việt Nam, cùng với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, cam kết đóng góp hơn nữa vào hoạt động của CICA trên tinh thần “đối tác vì hòa bình bền vững”, tăng cường hợp tác hiệu quả trong khuôn khổ CICA cũng như giữa CICA với các nước, tổ chức khác, trong đó có Liên hợp quốc và ASEAN.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Dushanbe, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh và phát triển bền vững dựa trên các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương với Liên hợp quốc là trung tâm; khẳng định CICA nỗ lực trở thành cơ chế hợp tác đa phương có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại, hợp tác vì hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á thông qua thương mại công bằng, mở cửa thị trường, tăng cường kết nối, giao lưu văn hoá, thúc đẩy du lịch, phát triển công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.
Thủ tướng Tajikistan Kokhir Rasulzoda đón Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) lần thứ năm. |
Cùng ngày, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã hội kiến Tổng thống nước chủ nhà tại Phủ Tổng thống, trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc, Quốc vương Qatar, Thủ tướng Azerbaijan, và tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ để bàn các biện pháp tăng cường quan hệ song phương và phối hợp với các nước trên các diễn đàn đa phương.
Tổng thống Tajikistan khẳng định mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị, truyền thống với Việt Nam về nhiều mặt và tăng cường hợp tác song phương trên các diễn đàn đa phương như CICA, Liên hợp quốc; nhất trí hai bên cần phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại còn ở mức khiêm tốn hiện nay cho tương xứng với tiềm năng và tầm quan trọng của quan hệ hai nước; nhất trí với đề nghị của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh về việc thành lập Ủy ban hỗn hợp thúc đẩy hợp tác song phương và đề xuất hai nước thiết lập Đại sứ quán ở thủ đô của nhau.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao công tác chuẩn bị của Tajikistan trong vai trò Chủ tịch CICA, khẳng định Việt Nam tích cực ủng hộ và phối hợp chặt chẽ để Hội nghị Thượng đỉnh CICA lần thứ năm thành công tốt đẹp; đề nghị hai bên tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại với các biện pháp cụ thể như sớm đàm phán, ký kết các hiệp định tạo thuận lợi cho đi lại của công dân hai nước, các hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, tương trợ tư pháp..., tăng cường cơ hội hợp tác kinh doanh trong những lĩnh vực hai bên có thế mạnh như sản xuất bông nguyên liệu, vải sợi, may mặc, nông nghiệp, thủy sản, khai khoáng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.