Du lịch

Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng: Sản phẩm khác biệt góp phần tăng sức hấp dẫn cho di tích

Bảo Khánh ghi 03/09/2023 - 07:19

Việc định hình, xây dựng các sản phẩm trải nghiệm độc đáo, khác biệt đã chứng minh hiệu quả trong công tác thu hút khách đến một số di tích, nhất là di tích cách mạng kháng chiến (CMKC) trong thời gian qua.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, người đã đồng hành với các di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long trong việc tiên phong tổ chức các tour đêm tại Hà Nội.

quang-thang.jpg
Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng.

- Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế xây dựng sản phẩm để thu hút khách đến các di tích CMKC?

- Mỗi di tích đều mang một nội hàm, tính chất khác nhau, do đó cần phải hiểu rõ giá trị, nội dung của từng di tích. Các đơn vị quản lý di tích cần nắm vững đối tượng khách đến với mình để có định hướng cung cấp dịch vụ, sản phẩm, hoạt động trải nghiệm phù hợp với đặc tính của đối tượng khách. Từ đó xây dựng các sản phẩm phù hợp nhằm phát huy giá trị di tích và mang lại nguồn thu cho di tích CMKC.

Nếu các đơn vị chỉ thực hiện chức năng bảo tồn, quản lý di tích thì đó mới chỉ là điều kiện “cần”, còn điều kiện “đủ” là sự nhìn nhận của khách du lịch ở các khía cạnh: Thấu hiểu du khách để có dịch vụ tương xứng và các vấn đề liên quan như công tác đón tiếp, thuyết minh, trải nghiệm, các dịch vụ thiết yếu... Đơn vị quản lý di tích phải đặt mình vào vị trí của khách hàng để biết họ cần gì, muốn gì, từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp.

Trước đây, các di tích CMKC thường phục vụ khách kiểu một chiều, nghĩa là du khách tự đến và tìm hiểu di tích. Còn bây giờ, muốn thu hút khách phải kết hợp với các đơn vị lữ hành để đưa khách đến. Tuy nhiên, dù đóng vai trò kết nối giữa khách du lịch và điểm đến nhưng rất ít doanh nghiệp lữ hành có thể hợp tác để xây dựng sản phẩm. Một phần do vấn đề khai thác bản quyền bởi sản phẩm du lịch mang tính “mềm”, khó định giá nên rất khó để kiểm soát. Hơn nữa, việc xây dựng một sản phẩm tại di tích đòi hỏi phải bỏ nhiều công sức và kiên trì mới có thể hái “quả ngọt”. Vì thế, nhiều doanh nghiệp “ngại” bắt tay xây dựng những sản phẩm ra tấm ra món. Chỉ có những doanh nghiệp thực sự tâm huyết mới phối hợp lâu dài với các di tích.

Một di tích muốn tạo sự khác biệt nhằm thu hút khách phải có những sản phẩm “đinh” mang tính đột phá. Những sản phẩm đó không chỉ phục vụ khách mà còn mang lại giá trị, uy tín cho điểm đến và đặc biệt là đẩy mạnh hiệu quả quảng bá cho di tích. Đây là giá trị vô hình ít doanh nghiệp nhìn thấy. Giá trị quảng bá cho điểm di tích còn nhiều hơn nguồn thu từ sản phẩm cho dù sản phẩm ấy có nổi tiếng đến đâu. Điều này được chứng minh qua trường hợp di tích Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò hay Bảo tàng Văn học.

Chúng ta đang chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó yếu tố sáng tạo được nhấn mạnh và dựa trên nền tảng về văn hóa, lịch sử, nhất là với các di tích CMKC. Mặc dù có thể có những điểm tương đồng nhưng các di tích không nên “copy” nhau, mà phải dựa trên tính độc đáo của mình để xây dựng những trải nghiệm, dịch vụ khác biệt, qua đó giúp du khách cảm nhận sự đa dạng của mỗi di tích.

- Ngoài việc phát huy giá trị di tích bằng cách xây dựng sản phẩm khác biệt thì còn cần những yếu tố nào để làm nên sức hấp dẫn cho di tích?

- Vấn đề con người cũng là một yếu tố cấu thành quan trọng làm nên sức hấp dẫn cho di tích. Cần nhớ rằng, họ không phải là “người canh di tích” mà phải là người “thổi hồn vào di tích”, tạo nên sức hấp dẫn từ giá trị nền tảng. Phải bắt đầu từ chính những người tiếp xúc đầu tiên với du khách tại di tích như lực lượng bảo vệ, bán vé, trông xe, soát vé... Họ chính là tuyến đầu quan trọng của di tích, vì thế, phải đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, văn hóa ứng xử để họ có tâm lý phục vụ khách tốt nhất.

Bên cạnh đó, lực lượng tham gia phần nội dung sản phẩm phải là những người tâm huyết, luôn tìm thấy cái mới, cái hay của di tích và trong vị trí, nhiệm vụ được giao. Không phải cứ bật băng thuyết minh lên là xong mà cần phục vụ khách bằng chính sự yêu nghề và thái độ ứng xử phù hợp với di tích.

Với những người tham gia trực tiếp vào hoạt động trình diễn phục vụ khách như ở Nhà tù Hỏa Lò, họ còn phải truyền tải được câu chuyện, hình tượng nhân vật và cảm xúc một cách chân thực nhất để du khách hiểu hơn về các sự kiện liên quan đến di tích. Ngoài ra, để thu hút được khách đến và quay lại di tích nhiều lần, cần có sự đầu tư phù hợp với từng đối tượng khách, qua đó khai thác các giá trị và tạo nên sức hấp dẫn lâu dài, bền vững cho di tích CMKC.

- Theo quan sát của chúng tôi, người đứng đầu có vai trò quyết định đến sức hấp dẫn của di tích CMKC. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Vai trò của người đứng đầu di tích CMKC vô cùng quan trọng. Nhiều người tuy rất tâm huyết và mong muốn tạo sự bứt phá cho di tích nhưng lại bị ràng buộc bởi các cơ chế, chính sách. Bên cạnh trình độ chuyên môn sẵn có, người đứng đầu đơn vị quản lý di tích phải tự nâng cao năng lực để hợp tác với các doanh nghiệp du lịch. Giữa hai bên cần có cơ chế hợp tác hài hòa, bền vững thì doanh nghiệp mới dám đầu tư.

Người lãnh đạo, ngoài việc cần có chuyên môn và kiến thức quản lý vững chắc thì còn cần có tính kiên trì để xây dựng và đưa sản phẩm vào thị trường phục vụ khách. Một sản phẩm thường có chu kỳ của nó, bao gồm: Đưa vào thị trường, phát triển, đỉnh cao, thoái trào. Khi đó cần có sự làm mới, đánh bóng để sản phẩm “sống”. Nếu đủ kiên trì thì sản phẩm sẽ phát triển bền vững.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được điều này mà thường có tâm lý “ăn xổi”, muốn có thu nhập ngay khi vận hành sản phẩm. Hơn nữa, việc “copy” sản phẩm của di tích này lắp vào di tích kia cũng không dễ bởi mỗi di tích có một đặc trưng riêng. Vì thế, người đứng đầu càng cần có sự kiên trì, tỉ mỉ trong việc xây dựng và “hấp thu” sản phẩm để phục vụ khách ngày một tốt hơn.

- Có một điều dễ nhận thấy là các sản phẩm du lịch mà ông đồng hành hầu hết đều diễn ra vào buổi tối. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát triển kinh tế đêm đang được quan tâm?

- Một sản phẩm hấp dẫn hay không, giá trị cốt lõi vẫn phụ thuộc vào chính di tích và nội dung, nhân vật, câu chuyện “kể” cho du khách. Xét về mặt không gian, thời gian thì buổi tối có thể giúp du khách cảm nhận tốt hơn. Lúc này họ có thể tập trung vào trải nghiệm. Các yếu tố âm thanh, ánh sáng bổ trợ cũng góp phần tăng hiệu ứng cho hoạt động trải nghiệm và kích thích trí tò mò, sự phấn khích của du khách.

Từ thực tế các chương trình đã và đang được đưa vào hoạt động, có thể thấy, hiệu quả của các sản phẩm trải nghiệm về đêm đã góp phần quảng bá và thu hút khách đến di tích vào ban ngày lớn hơn. Đây là cách giúp tiết kiệm chi phí xúc tiến quảng bá và mang lại hiệu quả lớn cho điểm đến trong việc thu hút khách.

Việc phát triển kinh tế đêm ở Hà Nội khá thuận lợi khi phần lớn các di tích đều nằm tập trung ở khu vực trung tâm. Hoạt động du lịch đêm còn góp phần thúc đẩy sự phát triển nhiều ngành nghề khác như ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật, thể thao hay các sản phẩm lưu niệm của các làng nghề truyền thống... Tuy nhiên, để phát triển kinh tế đêm một cách bài bản, cần xác định các mô hình hoạt động kinh tế đêm, phải vận dụng phù hợp các giá trị của di tích để xây dựng những sản phẩm du lịch đêm có sức hút và tồn tại được trên thị trường.

Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của nhiều ngành, sự đồng bộ trong công tác quản lý nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, giao thông... Đặc biệt, cần định hướng để những người kinh doanh ưu tiên bán các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ thuần Việt để hoạt động kinh tế đêm mang lại nguồn thu cho Nhà nước, đồng thời góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng: Sản phẩm khác biệt góp phần tăng sức hấp dẫn cho di tích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.