Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gìn giữ lâu dài Khu di tích nơi Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh

Phương Nam| 26/05/2023 17:12

(HNMO) - Ngày 26-5, UBND quận 5, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tổ chức Hội thảo Khoa học “Tầm quan trọng, giá trị lịch sử Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam hy sinh”.

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm tại nơi Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh.

Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, tọa lạc tại số 764 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5), được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1876-1904, bắt đầu hoạt động vào tháng 2-1861, phục vụ cho quân viễn chinh Pháp. 

Trong quá trình xâm lược nước ta, Pháp đã bắt nhiều chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước tra tấn dã man đến lâm bệnh nặng. Do vậy, Pháp đã đưa những tù nhân vào đây, vừa khai thác vừa chạy chữa cầm chừng, khu nhà bệnh nhân tâm thần đã trở thành khu trại giam, những người bệnh là tù nhân. 

Trong suốt hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, khu trại giam đã từng giam giữ nhiều đồng chí như: Hà Huy Tập, Trần Não… Năm 1931, đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) cũng bị giam giữ, tra tấn và hy sinh tại đây vào ngày 6-9-1931.

Di tích lịch sử Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán có giá trị tiêu biểu, ghi dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời hoạt động của đồng chí Trần Phú và một số đồng chí là cán bộ lãnh đạo, được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 1288 - VH/QĐ ngày 16-11-1988.

Ban tổ chức tặng hoa các đồng chí cán bộ cách mạng lão thành và đại biểu tham dự hội thảo.

Tại hội thảo có 6 tham luận, 2 phát biểu thảo luận của các đại biểu với các nội dung: Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia: Trại giam trong bệnh viện; đồng chí Trần Phú với quá trình hoàn thiện đường lối quân sự của Đảng trong “Luận cương chính trị"; kết hợp và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa tại Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán; một số đề xuất đối với hồ sơ khoa học Di tích lịch sử quốc gia “Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú hy sinh, ngày 6 tháng 9 năm 1931”...

Đồng thời, Ban tổ chức hội thảo cũng đã nhận được 20 bài tham luận tâm huyết với nhiều nội dung đưa ra những luận cứ, những điểm mới liên quan đến Di tích Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán và những đề xuất, kiến nghị nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, nhấn mạnh: Việc thực hiện Đề án “Tu bổ, tôn tạo, di tích Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán - nơi đồng chí Trần Phú hy sinh (6-9-1931)” có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của Đảng và nhân dân, nhằm tri ân sâu sắc những cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu trong quá trình đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. 

“Việc tu bổ, tôn tạo Khu di tích phải thiết thực, hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến các giá trị gốc của Khu di tích, nhằm phát huy tối đa các giá trị lịch sử truyền thống cách mạng, góp phần bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ lâu dài Khu di tích nơi Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.