Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phổ cập bơi cho học sinh tiểu học: Chậm do nhận thức

Thống Nhất| 22/05/2014 06:21

(HNM) - Nhiều vụ tai nạn thương tâm của học sinh (HS) do đuối nước xảy ra tại các địa phương ngay khi mới vào hè đã một lần nữa làm nóng dư luận về việc dạy bơi cho HS trong nhà trường. Thực tế, chủ trương phổ cập kiến thức và kỹ năng môn bơi cho HS tiểu học đã được Bộ GD-ĐT triển khai từ năm 2010,

Đề án bị "đuối nước"

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm có khoảng 6.000 trẻ em tử vong do đuối nước và có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2010, nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo toàn quốc để bàn thảo các giải pháp phòng ngừa, trong đó nhấn mạnh việc triển khai dạy bơi cho HS trong trường học. Ngay sau hội nghị này, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương triển khai mô hình thí điểm dạy bơi trong nhà trường, hướng đến triển khai đại trà cho HS cấp tiểu học giai đoạn 2010-2015.

Việc phổ cập bơi cho học sinh tiểu học là giải pháp hiệu quả nhất để hạn chế tai nạn đuối nước.



Thực tế cho thấy không có nhiều chuyển biến về việc phổ cập bơi cho HS tiểu học nói riêng và dạy bơi cho HS nói chung. Rất nhiều lý do được "điểm mặt, chỉ tên". Trường học vùng ngoại thành diện tích rộng thì không có kinh phí xây bể bơi; trường ở khu vực nội thành thường hẹp, tại một số thành phố lớn thậm chí còn thiếu cả đất xây phòng học, nên dù có tiền thì cũng không lấy đâu ra chỗ để xây bể bơi. Không chỉ cần bể bơi, việc dạy bơi cho HS còn kéo theo nhiều vấn đề phải lo khác như: tập huấn cho giáo viên, huy động đội ngũ phục vụ (y tế, trợ giảng, nhân viên xử lý nước…). Ngoài ra, kinh phí và nhân lực để duy trì bể bơi trong thời gian không sử dụng được (do đặc điểm thời tiết và thời gian học của HS) cũng là mối lo lớn của các địa phương khi xây dựng bể bơi.

Việc tổ chức tập huấn cho giáo viên thể dục cốt cán của các địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ một cách bài bản nhằm khởi động các lớp dạy bơi cho HS vào hè năm ngoái đã khiến nhiều phụ huynh khấp khởi mừng. Song đến nay, nội dung của kế hoạch phổ cập bơi cho HS tiểu học vẫn chỉ dừng lại ở mức độ hướng dẫn, chỉ đạo và nhắc nhở các địa phương lưu ý triển khai mỗi dịp HS chuẩn bị nghỉ hè, chưa có kiểm tra, giám sát việc thực thi.

- Việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống đuối nước và dạy bơi cho HS trong nhà trường là một trong những căn cứ bình xét thi đua hằng năm đối với các sở GD-ĐT.
- Mục tiêu của Chiến lược phát triển thể dục thể thao, đến năm 2020 phổ cập dạy và học bơi cho HS phổ thông và mầm non, bảo đảm 100% trường phổ thông đưa môn bơi vào chương trình ngoại khóa.

"Tự bơi"

Thực tế cho thấy, việc dạy bơi cho HS vô cùng cần thiết không chỉ với HS vùng sông nước mà còn với cả HS ở thành phố. Việc được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết về bơi lội sẽ giúp các em tránh được nhiều rủi ro khi tham gia vui chơi, đi du lịch và kịp thời ứng phó khi gặp tình huống nguy hiểm. Cùng với những hạn chế về điều kiện tổ chức (diện tích, kinh phí, nhân lực…) thì nhận thức về tầm quan trọng của việc dạy bơi cho HS ở nhiều nơi chưa đúng mức. Vì vậy, việc tổ chức cho HS học bơi còn tùy thuộc vào sự quan tâm của các cấp quản lý và phụ huynh. Một số địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Dương… đã đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí để triển khai việc này. Tuy nhiên, ở nhiều nơi khó khăn, khi mà bố mẹ còn mải mưu sinh, điều kiện học tập còn hạn chế thì việc dạy bơi cho HS ít được đề cập.

Huyện Thanh Trì (Hà Nội) là một điển hình được nhiều tỉnh, thành bạn biết đến trong việc phổ cập bơi cho HS. UBND huyện đã ban hành đề án "Xây dựng bể dạy bơi phòng chống đuối nước và phổ cập bơi cho HS các trường tiểu học và THCS giai đoạn 2010-2015", kinh phí đầu tư khoảng 25 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện đã có 11 bể bơi đặt tại các trường tiểu học và THCS. Vào đầu tháng 5 hằng năm, các trường có trách nhiệm thống kê HS chưa biết bơi để đưa vào danh sách phổ cập, trong đó HS lớp 3 được ưu tiên. Sau khóa học, HS phải thực hiện bơi đúng kỹ thuật hai kiểu bơi trườn sấp và ếch. HS tiểu học phải qua kiểm tra mới được cấp chứng chỉ. Đối với HS THCS, việc đánh giá kết quả được thực hiện như đối với môn thể dục theo quy định của Bộ GD-ĐT. Đến nay, huyện đã phổ cập bơi cho hơn 6.000 HS, trong đó riêng năm 2013 là gần 4.000 HS. Vài năm gần đây, trên địa bàn huyện không xảy ra tai nạn đuối nước nào.

Thời điểm này, kế hoạch mở các lớp phổ cập bơi (miễn phí) phòng chống tai nạn sông nước cho trẻ em năm 2014 đã bắt đầu khởi động tại 30 quận, huyện, thị xã. Đây là năm thứ 2 liên tục việc "xóa mù bơi" cho HS được triển khai đồng bộ trên toàn thành phố với mục tiêu mỗi năm có thêm khoảng 5.000-6.000 HS biết bơi. Với việc dành hơn 1 tỷ đồng trích từ kinh phí hoạt động sự nghiệp, lãnh đạo Phòng TDTT quần chúng (Sở VH,TT&DL) mong muốn sự hỗ trợ này sẽ trở thành "chim mồi" để khuyến khích sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các đơn vị trong việc trang bị cho HS kiến thức, kỹ năng bơi an toàn.

Sáng 21-5, tại Lữ đoàn Công binh 249 (xã Thụy An, Ba Vì), Trung tâm TDTT huyện Ba Vì phối hợp với Phòng LĐ,TB&XH huyện khai mạc lớp bơi phòng chống tai nạn sông nước cho 300 HS THCS của huyện. Khóa học kéo dài trong 18 buổi với mục tiêu có ít nhất 80% HS sẽ biết bơi. Đây là 2 lớp đầu tiên trong 36 lớp học bơi ở 24 quận, huyện được tổ chức theo chương trình phòng, chống tai nạn sông nước cho trẻ em do Sở VH,TT&DL Hà Nội đầu tư, chỉ đạo.

Đinh Văn
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phổ cập bơi cho học sinh tiểu học: Chậm do nhận thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.