Trước nay, phim truyện lịch sử vẫn luôn là thế mạnh của điện ảnh Trung Quốc, bởi bề dày lịch sử của một đất nước có nền văn minh lâu đời của nhân loại. Những “Tam Quốc”, “Thủy Hử”, “Vương Triều Ung Chính”, “Đường Minh Hoàng”, “Từ Hy”, “Lã Bất Vi”… là những tác phẩm điện ảnh để đời với cách nhìn minh triết qua lăng kính của những người đương đại: nhắc chuyện xưa là để nói chuyện bây giờ… Nghĩa là với điện ảnh Trung Quốc, vấn đề đương đại vẫn luôn được đặt ở vai trò trung tâm với những bức xúc nóng bỏng.
Một cảnh trong phim Công tố viên.
Cuộc hành trình của nhân vật đương đại từ cách mạng văn hóa đến thời mở cửa…
Gần 10 năm trước, khi phim “Tình Châu Giang” được phát sóng trên truyền hình, những vấn đề đặt ra trong phim đã gây một cơn sốt trong khán giả Việt Nam, bởi dù là chuyện của nước người, nhưng ai cũng cảm thấy như là chuyện của chính đất nước mình. Từ cách ăn mặc đến những chuyển biến tính cách nhân vật ở những năm đầu của thời kinh tế thị trường đều không khác gì Việt Nam: Những nhân vật giám đốc, những phi vụ đầu cơ với cách thức làm giàu mới, những con người bắt đầu biến chất chạy theo uy lực của đồng tiền…, và cả những cô gái biết dùng vốn trời cho để kiếm tiền và thăng tiến.
Điểm nóng của xã hội luôn là nỗi ưu tư bức xúc thật sự của những người làm phim. Vì thế, dù là phim tình cảm, nhưng không hề chỉ luẩn quẩn, loanh quanh với những mẩu chuyện tình yêu tay ba tay tư, và những vặt vãnh thất tình, khổ đau với quá nhiều nước mắt như phim Hàn Quốc… Xem phim Trung Quốc, dù là ở thể loại lịch sử hay hiện đại, bao giờ người xem cũng tìm thấy cho mình một bài học chiêm nghiệm về cuộc đời. Chất triết lý thông tuệ luôn được ẩn sâu trong từng chi tiết và đối thoại của nhân vật, và vì thế nó buộc người xem phải có một trình độ nhất định để tự mình tìm ra bài học cho chính mình…
…Và những vết thương chảy máu trên cơ thể đất nước: Nạn tham nhũng…
Năm 2001, bộ phim truyện nhựa “Sự lựa chọn sinh tử” đã trở thành một cú hích lớn cho những người làm phim Việt Nam và như một ngòi nổ trong công chúng Việt Nam. Truyện phim đã làm chúng ta nhói lòng vì thấy rõ mình trong đó. Và bây giờ, khi bộ phim truyền hình 35 tập “Công tố viên” vừa khép lại, những hình ảnh trong phim như nhỏ từng giọt máu thắm đỏ vào trái tim người xem với nỗi đồng cảm sâu xa của người trong cuộc… Vụ cháy “Đại Phú Hào” làm 156 người thiệt mạng ở Trường Sơn làm chúng ta rùng mình nhớ lại chuyện của chính thành phố mình… Nỗi đau thương ấy vẫn còn, không bao giờ có thể quên trong tâm khảm người thành phố…
Vấn đề là chúng ta có được bao nhiêu những Viện trưởng Viện Kiểm sát như Diệp Tử Tinh khi kiên quyết đưa vụ án đến cùng, bất chấp mọi thế lực ngăn trở… Diệp Tử Tinh trong “Công tố viên” cũng như Lý Cao Thành trong “Sự lựa chọn sinh tử”, những con người dường như đang lội ngược dòng nước trước cơn lốc dữ dội của một bối cảnh xã hội còn bề bộn những con người hèn nhát, cơ hội, trước những bất công lạm quyền, trước nạn tham nhũng như những vết thương chảy máu trên cơ thể đất nước. Lý Cao Thành đã quyết định tách mình ra khỏi phe cánh ung nhọt, để đưa ra ánh sáng những kẻ đã từng là lãnh đạo của mình trên quan trường, phải lựa chọn một quyết định khắc nghiệt nhất là đưa người vợ yêu dấu vào tù: “Tôi là một đảng viên Cộng sản, tôi không phải là người trong vòng tay họ. Dù tôi có bị thân bại danh liệt, bị đi tù, bị xử tử… dù tôi có bị tan xương nát thịt, tan cửa nát nhà, cũng quyết không để cho bọn thối nát phá hoại công cuộc cải cách của đất nước. Đây là sự lựa chọn sinh tử của tôi, một đảng viên Cộng sản, một sự lựa chọn không bao giờ hối tiếc”.
Cũng như Diệp Tử Tinh khi đứng trước tòa, chị đã nói bằng tất cả sức lực của hàng triệu trái tim cộng sản cộng lại, bằng tiếng nói lương tri trong suốt và mạnh mẽ: “Xã hội ta ví như một cỗ máy đang ầm ầm vận động, còn những công dân là những ốc vít trong guồng máy ấy… Hôm nay các vị cổ vũ cho sự trừng phạt những tha hóa, hủ bại, nhưng trước kia, liệu các vị có từng thỏa hiệp với những tha hóa, hủ bại ấy hay không? Sự thỏa hiệp ấy chính là những con ốc vít lỏng lẻo… giúp cho những Vương Trường Cung lớn nhỏ sẽ có cơ hội chà đạp dân tộc, lừa dối nhân dân, coi thường khinh mạn tất cả và nuốt chửng đất nước này…”.
Kết phim, đó chính là tuyên ngôn của tác giả, là tiếng chuông gióng lên làm rúng động trái tim người. Bởi nhân vật người Cộng sản ấy đã làm cho mỗi chúng ta phải nhìn lại chính mình, để tự phân định xem có lúc nào mình đã từng là những con ốc vít lỏng lẻo, cơ hội, xuôi thuận theo chiều gió để được yên thân và thăng tiến hay không…? Người ta có thể nhìn thấy rõ những con ốc vít trượt ra khỏi bánh răng như Vương Trường Cung và Chu Tú Lệ, nhưng những kiểu sống lờ nhờ, cơ hội như Lâm Vĩnh Cường, và vô số những người tuy mang chiếc thẻ Đảng trong người, nhưng chỉ dùng nó như cái bệ để thăng quan tiến chức mà chưa bao giờ hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng của hai từ Cộng sản, thử hỏi có mấy ai nhìn thấy?
Đoạn kết rất sáng và đầy tự tin trong những thước phim chống tham nhũng của Trung Quốc đã thực sự có sức thuyết phục lớn. Bởi đó là một đất nước đã từng xử bắn hàng chục nhân vật cấp cao phạm tội tham ô. Một Thành Khắc Kiệt, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 9, nguyên Phó bí thư Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang phải ra pháp trường, đã giúp cho người làm phim và cả người xem phim có đủ lòng tin vào chân lý…
Ngô Ngọc Ngũ Long (SGGP)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.