(HMNO) - Trong những năm gần đây phim trẻ bắt đầu manh nha ở Việt Nam và đã có những giải thưởng chỉ tặng riêng cho phim trẻ. Gọi là phim trẻ vì do người trẻ thực hiện, từ khâu kịch bản, đạo diễn đến quay phim, hậu kỳ.
Trong phạm vi phim trẻ có các thể loại: Phim tài liệu phóng sự nếu nhân vật là nguyên mẫu ngoài đời, phim truyện nếu nhân vật được hư cấu trên cơ sở hiện thực. Phim trẻ cũng được xuất hiện thường xuyên trên kênh VTV6 dành cho giới trẻ. Nói như vậy thì phim trẻ có phải chỉ dành riêng cho giới trẻ?
Câu trả lời dường như không phải vậy! Bằng chứng là mới đây theo dõi cuộc đối thoại giữa MC VTV3 với 2 đạo diễn trẻ Hoàng Điệp và Thanh Hà về bộ phim “Canh ba ba” của nhóm Yeti đã đoạt giải phim ngắn xuất sắc hàng đầu Việt Nam trong dự án “Làm phim 48h Canon tại Việt Nam”. Buổi trò chuyện gây sự chú ý bởi nhiệt huyết và cách nhìn nhận chuyên nghiệp của 2 đạo diễn trẻ cũng như cái tên phim là lạ. Theo đạo diễn Hoàng Điệp: Nếu là cô sẽ để cho có sự giằng xé giữa cái đói và tìm cách giải cứu chú rùa của 2 đứa trẻ và cuối cùng chúng đã thắng. Được biết phim này đã tham dự Liên hoan phim Cannes tại Pháp.
Phim chỉ diễn ra trong khoảng 10 phút nhưng ý tưởng rất rõ ràng “Hãy cứu lấy thế giới động vật đang ngày càng quý hiếm”. Nội dung phim xoay quanh việc giải cứu chú rùa trong một nhà hàng có dòng chữ “Hôm nay có canh ba ba” của 2 em nhỏ chuyên bán dạo trên đường phố. Từ sơ đồ cuộc giải cứu đến khi thực hiện thành công và thả chú rùa xuống dòng nước, dù còn đen ngòm nhưng cũng đã thoát khỏi lên bàn nhậu. Cậu bé Bảo Ngọc dù còn bé tí nhưng đã thốt lên “Các người không xấu hổ khi giết 1 con rùa ư?”. Thú thực xem phim tôi cứ ám ảnh mãi ý nghĩ: Có bao nhiêu nhà hàng ở Việt Nam đưa ba ba vào thực đơn thường xuyên? Nhiều thực khách (trong đó có cả mình) đã bao lần thưởng thức say sưa món ba ba rang muối và lẩu ba ba chuối đậu cực quyến rũ? Rồi món huyết ba ba pha rượu “cuốc lủi” mà các quý ông không thể bỏ qua nữa? Các nhà chức trách đã từng khuyến cáo nhưng có cần giải pháp mạnh hơn về việc cho phép hay không đưa các loại động vật quý hiếm vào thực đơn nhà hàng?
Một phim trẻ nữa cũng minh chứng cho nhận đinh: Phim trẻ không chỉ dành cho giới trẻ. Đó là “Ký ức mùa xuân” của tác giả nữ trẻ Phan Nha Trang viết kịch bản, đạo diễn, quay phim và dựng hậu kỳ, viết lời ca khúc trên nền nhạc Piano. Tại Tiệc phim ngắn trực tuyến quốc tế Y xineFF lần 4 quy tụ 200 phim từ 5 châu lục, phim này đoạt luôn 2 giải “Trái tim hồng” trong hạng mục tranh giải khu vực và “Trái tim lửa” giải sản xuất.
Nhân vật nữ chính tên Miên đã oái ăm vướng vào chuyện tình đồng tính khi còn học lớp cuối cấp phổ thông. Cảm giác ngọt ngào được ví như vị đường trong ly cà phê mỗi sáng, như ánh nắng ban mai trong lành tựa gương soi. Thế rồi chuyện vỡ lở, cả lớp biết chuyện, cô giáo lên lớp “Không được!”, bạn bè viết chữ “Ô môi” lên chỗ ngồi, mẹ thì thốt lên “Trời ơi! Tự bao giờ mà con không nói với mẹ?”. Với em, mùa xuân đã không còn nữa, mùa xuân chỉ còn là ký ức đau buồn . Và góc quay cận cảnh những giọt nước mắt rơi lặng lẽ như muốn giấu nỗi đau vào trong!
Thế rồi trong mắt của Miên: Nắng lại rót mật trong như pha lê khi mẹ em tỉ mẩn dán lại cuốn nhật ký Miên đã xé vụn, một bạn trai vẫn ân cần làm bạn với em mặc dù Miên chưa hết mặc cảm, rằng “cậu biết mọi người nói gì về mình mà sao...?”. Kết thúc phim là hình ảnh Miên và bạn gái cùng đeo 2 chiếc vòng tay đa sắc dành riêng cho người đồng tính cầm tay nhau đi tới... Đến đây tác giả trẻ muốn gửi gắm: Đồng tính luyến ái cần được nhìn nhận là một khuynh hướng tính dục chứ không phải sự sa đọa về đạo đức. Do vậy sự kỳ thị cũng chẳng làm cho tình trạng khác đi, nhất là trong xã hội cởi mở đồng nghĩa với cái tôi đang được xác nhận như thực tại! Có điều có nên khuyến khích đồng tính luyến ái không, pháp luật Việt Nam cho phép người đồng tính kết hôn không lại là câu chuyện khác?
Có một sự trùng hợp là cả hai phim trẻ nói trên nhân vật chính đều thuộc giới trẻ (trẻ con và thanh niên) nhưng thông điệp gửi gắm lại nhắm đến người lớn nhiều hơn. Chắc rằng đó cũng là dụng ý của các tác giả trẻ khi mà người lớn nói nhiều mà làm ít (phim “Canh ba ba”) , hoặc vẫn còn cái nhìn khắt khe về đồng tính (phim “Ký ức mùa xuân”). Vậy thì phim trẻ đâu chỉ dành cho giới trẻ? Phải chăng các nhà làm phim trẻ đang hướng đến các vấn đề xã hội không chỉ là mối quan tâm của giới điện ảnh nói chung?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.