(HNM) - Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, Hà Nội vẫn chưa có rạp chiếu bóng. Tuy nhiên, sau đại chiến thế giới thứ nhất, tại khách sạn Metropole người ta đã chiếu phim phục vụ khách nghỉ ngơi ở đây tại quầy Grand Café.
Những buổi chớp bóng đầu tiên diễn ra tại Grand Café ở khách sạn Metropole.
Rạp chiếu bóng theo đúng nghĩa đầu tiên ra đời ở Hà Nội là rạp Pathé ở cạnh đền Bà Kiệu. Để có đất xây rạp, chủ rạp Aste người Pháp đã móc nối với Hội đồng thành phố phá một phần đền Bà Kiệu. Rạp khánh thành ngày 10-8-1920. Ngày đó người ta gọi chiếu phim là "chớp bóng". Pathé bị phá năm 1941 để dựng tấm bia tưởng niệm Alexandre de Rhodes. Tiếp đó tới rạp Tonkinois ở phố Hàng Quạt. Trước khi thành rạp chiếu phim, Tonkinois là Nhà hát Năm Chăn chuyên diễn tuồng. Gọi là nhà hát nhưng thực ra chỉ là mấy ngôi nhà tư rộng 5 gian khi diễn tuồng thì dẹp đồ, khán giả quây xung quanh chiếc đèn treo 3 dây. Rạp chiếu bộ phim đầu tiên vào ngày 12-6-1921. Chủ rạp Tonkinois là anh chàng Tây lai lấy vợ Việt Nam. Rạp chuyên chiếu phim trinh thám, phiêu lưu nhiều tập, phim về chiến tranh. Năm 1930, Tonkinois đã cho chiếu phim có lồng tiếng.
Sau khi IFEC thành lập thì hãng này cũng đã đầu tư xây rạp và rạp đầu tiên của họ khánh thành vào năm 1924 là Palace sau đó là Family (ở phố Hàng Buồm) do công ty này quản lý khai trương năm 1924. Một công ty chiếu bóng nữa do người Pháp làm chủ đã ra đời ở Hà Nội năm 1930 để cạnh tranh với IFEC là Societé des cinéthéâtre d'Indochine ra đời vào năm 1930. Thấy xây rạp chiếu bóng là ngành kinh doanh béo bở nên một số Hoa kiều cũng bỏ vốn xây dựng nhưng họ chỉ xây rạp nhỏ, rồi thuê phim của người Pháp và một số ít phim của Hồng Kông, Trung Quốc để chiếu. Tính đến năm 1927, cả Việt Nam đã có 33 rạp chiếu bóng ở các đô thị, trong đó Hà Nội có 4 rạp, Hải Phòng 2 rạp, Huế 2 rạp, Chợ Lớn 4 rạp, Sài Gòn 4 rạp, Cần Thơ 2 rạp... Năm năm sau, năm 1932, số rạp tăng lên nhanh chóng. Riêng Bắc Kỳ có 27 rạp, Trung Kỳ 11 rạp và Nam Kỳ là 13 rạp. Một số người Việt Nam bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh mới này và ở Hà Nội, nhà tư sản Vạn Xuân là người đầu tiên bỏ tiền xây rạp chiếu bóng Olimpia (nay là Nhà hát Hồng Hà trên phố Hàng Da) vào năm 1936. Đến năm 1939, số lượng rạp chiếu phim tại Việt Nam lên tới 60.
Trước năm 1930, mỗi rạp chỉ lắp đặt một máy chiếu phim. Khi hết một cuốn thì người ta bật đèn trong rạp và người thợ thay cuộn phim mới để chiếu tiếp. Màn ảnh làm bằng vải trắng xung quanh viền vải xanh thẫm hoặc đen. Sàn phòng chiếu bằng phẳng và màn ảnh được đặt trên cao khiến khán giả xem xong phim ai cũng bị mỏi cổ. Khán giả ngồi trên những ghế tựa hoặc ghế băng có tựa lưng bằng gỗ nhưng có vài rạp không có ghế ngồi mà ngồi dưới sàn như Family. Rạp này có hai hạng, xem mặt chính thì phải trả hai xu, xem mặt trái thì chỉ mất nửa tiền. Rạp Hội Âm nhạc (nay là Nhà hát Múa rối nước Kim Đồng ở phố Đinh Tiên Hoàng) thì 2/3 phía trên là ghế tựa, còn lại phía dưới là ghế băng và giá vé rất rẻ nên thu hút rất đông học sinh con nhà nghèo vào xem. Cuối những năm 1930, một số rạp mới có ban công và sàn được làm dốc, các hàng ghế bố trí lệch nhau. Các rạp cũng được trang bị quạt trần và phân chia thành bình dân và sang trọng
Những bộ phim đầu tiên được trình chiếu ở Việt Nam đều là phim câm. Cho đến khoảng giữa những năm 30 của TK trước, khán giả mới được xem phim nói với bộ phim đầu tiên là "Phía tây không có gì lạ". Nhưng khi đó, ngôn ngữ trong phim này là tiếng Pháp nên những người biết tiếng Pháp mới xem được, sau đó mới có bản dịch ra tiếng Việt và có người thuyết minh. Cũng trong thời gian này, các chủ rạp nhận thấy Tết Nguyên đán là cơ hội vàng cho doanh thu nên họ nhập những phim hẫp dẫn rồi cho quảng cáo rầm rộ trên băng rôn ở các phố, dán áp phích ở cửa rạp. Bên trong có câu đối chúc tết, có hoa đào và nhân viên tươi cười niềm nở. Đặc biệt rạp Majestic (nay là rạp Tháng Tám ở phố Hàng Bài) khi chiếu phim Tarzan, họ còn đưa cả cây đã cắt ngọn vào góc rạp để tạo cảm giác giống như cánh rừng nhiệt đới. Đi đầu trong chiếu phim tết là hãng Cinéma Théâtre và để không bị lép vế IFEC cũng phải chạy theo. Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, đường biển từ Pháp tới Việt Nam bị Đức và Nhật phong tỏa đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển phim. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nắm quyền cai trị Đông Dương, vì thế nhiều chủ rạp người Pháp bi quan tình hình kinh doanh đã bán lại rạp cho người Hoa. Để bù vào nguồn phim thiếu hụt từ Pháp, các chủ người Hoa đã nhập phim từ Hồng Kông.
Và sau năm 1954
Sau khi Thủ đô được giải phóng năm 1954, theo chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh của Nhà nước, hầu hết các rạp thực hiện công tư hợp doanh vào năm 1959, rồi thành rạp nhà nước. Thời kỳ này, khu vực nội thành gồm 4 quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Hoàn Kiếm có thêm rạp chiếu do các rạp hát được cải tạo thành rạp chiếu phim. Nhiều nhất là Hoàn Kiếm với Tháng Tám, Kim Đồng (phố Hàng Bài), Bắc Đô (phố Hàng Giấy), Hòa Bình (rạp Hội Âm nhạc phố Đinh Tiên Hoàng)... Quận Ba Đình có Đặng Dung, Hai Bà Trưng có Mê Linh (phố Lò Đúc), Bạch Mai (phố Bạch Mai), Đống Đa có Dân Chủ (phố Khâm Thiên), Đống Đa (phố Thái Thịnh), tuy nhiên Đống Đa không phải là rạp cũ, nó được xây vào năm 1976. Các huyện ngoại thành có bãi chiếu bóng ngoài trời, huyện Từ Liêm có bãi Cầu Giấy, Thanh Trì có bãi Mai Động, huyện Gia Lâm có bãi Gia Lâm. Phim chiếu rạp hầu hết là phim Liên Xô, phim Trung Quốc rất ít và chỉ có phim đề tài cách mạng (phim "Gia đình cách mạng", "Cờ Hồng trên núi Thúy"...), phim Triều Tiên có "Hoa diếp dại". Trước khi Mỹ ném bom miền Bắc, các rạp Hà Nội ngày chiếu 2 buổi, chủ nhật chiếu 3 buổi với hiệu suất ghế trung bình là 80%. Không chỉ chiếu phim nhựa, Sở Văn hóa Hà Nội còn có Xưởng phim Đèn chiếu (cho từng tấm phim qua máy phóng sau đó người chiếu thuyết minh nội dung). Phim đèn chiếu được các đội chiếu bóng mang chiếu ở các huyện ngoại thành và thu hút rất đông trẻ em.
Hà Nội cũng là đề tài cho các nhà làm phim khai thác như "Em bé Hà Nội" (biên kịch Hoàng Tích Chỉ - Hải Ninh - Vương Đan Hoàn, đạo diễn Hải Ninh), một bộ phim cảm động về một em bé Hà Nội trong chiến tranh chống Mỹ. Phim đã được giải đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim Quốc tế Moscow năm 1975 và giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine tại Liên hoan phim Xyry. Những năm 80, "Hà Nội trong mắt ai" (đạo diễn Trần Văn Thủy) là bộ phim tài liệu gây xôn xao dư luận bởi đạo diễn không nhìn Hà Nội theo lối mòn mà nhìn dưới góc độ phản biện từ hình ảnh đến lời bình. Những năm 90, có một bộ phim truyện tuy không quá ồn ã trong nước nhưng được đánh giá cao tại Pháp là "Cạm bẫy tình" (đạo diễn Phạm Lộc). Bộ phim là câu chuyện về nhân tình thế thái thời bao cấp qua chuyện giành quyền sở hữu một ngôi nhà giữa một trí thức gốc Hà Nội và một cán bộ xuất thân từ nông dân.
Chuyện chưa từng có ở Hà Nội là năm 1985, bộ phim "Tình yêu và những giọt nước mắt" của Ấn Độ đã gây nên cơn sốt. Nội dung phim kể về tình yêu của một chàng trai con nhà giàu với một cô gái xinh đẹp nhà nghèo. Tình yêu của họ gặp nhiều trắc trở vì định kiến xã hội. Phim có cả hát giống như cải lương. Rạp này vừa chiếu xong cuốn thứ nhất đã có người lấy mang sang rạp khác. Cứ thế các cuộn phim quay vòng hết các rạp và có những suất chiếu khi kết thúc cũng vừa đến giờ làm việc buổi sáng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.