Thế giới

Phiến quân Mali tuyên bố tiếp quản căn cứ bỏ lại của Liên hợp quốc

Quỳnh Dương 01/11/2023 - 10:16

Ngày 1-11, theo France24, nhóm phiến quân ly khai ở miền Bắc Mali tuyên bố tiếp quản một căn cứ mà Liên hợp quốc (LHQ) bỏ lại sau khi rút toàn bộ quân khỏi thị trấn chiến lược Kidal. Đây là dấu hiệu cho thấy diễn biến phức tạp ngày càng gia tăng của cuộc chiến tranh giành địa bàn tại quốc gia châu Phi này.

20231026023f0f6bce974eb78de86a1e2df55916_xxjwshe007004_20231026_cbmfn0a001.jpg
Phái bộ LHQ tại Mali rút khỏi thị trấn Kidal.

Một quan chức địa phương giấu tên xác nhận, căn cứ của LHQ bị chiếm ngay sau khi cơ quan này rút Phái bộ gìn giữ hòa bình (MINUSMA) khỏi Kidal.

Các quan chức MINUSMA nói với AFP rằng, một đoàn xe gồm hơn 100 phương tiện của lực lượng gìn giữ hòa bình trước đó đã rời Kidal hướng tới Gao, một thị trấn trọng điểm khác ở phía Bắc, cách đó khoảng 330km. Đây là căn cứ thứ ba và cũng là căn cứ cuối cùng ở Kidal, nơi bị tàn phá nặng nề bởi nội chiến và ly khai.

Cơ cấu Chiến lược Thường trực (CSP), một liên minh gồm các nhóm vũ trang chủ yếu là người Tuareg, vốn gần đây phát động cuộc nổi dậy chống lại Nhà nước Mali, cho biết trong một tuyên bố rằng, nhóm này hiện đang nắm quyền kiểm soát các khu vực bị MINUSMA bỏ lại ở Kidal.

Căng thẳng được dự đoán sẽ gia tăng hơn nữa ở đây sau khi LHQ rút quân. Dư luận quốc tế hiện đang nghi ngờ khả năng quân đội Mali có thể giành lại quyền kiểm soát khu vực này.

Kidal từ lâu đã là trung tâm của bất ổn và là điểm khởi đầu cho các cuộc nổi dậy đòi li khai làm rung chuyển Mali kể từ khi giành được độc lập. Quân đội Mali đã phải chịu thất bại từ năm 2012 đến năm 2014 tại khu vực.

Trong khi đó, nhóm phiến quân Ủng hộ đạo Hồi và tín đồ Hồi giáo (GSIM) có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda cũng đang gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào các vị trí quân sự. Nhiều chuyên gia quân sự lo ngại các cuộc xung đột giữa các nhóm vũ trang với quân đội Mali và giữa các nhóm vũ trang với nhau sẽ bùng phát sau khi vắng bóng binh sĩ LHQ.

Các nhóm ly khai, vốn đã đồng ý ngừng bắn và đạt thỏa thuận hòa bình với chính quyền vào năm 2014 và 2015, gần đây tiếp tục nối lại các hoạt động bạo lực, ngăn cản MINUSMA bàn giao căn cứ cho quân đội Mali.

MINUSMA được thành lập vào ngày 25-4-2013 theo Nghị quyết 2100 của Hội đồng Bảo an LHQ, nhằm ổn định đất nước và bảo vệ dân thường sau cuộc nổi dậy của người Tuareg.

MINUSMA có sự tham gia của 11.700 binh sĩ đến từ 65 quốc gia. Phái bộ này được cho là thực thi sứ mệnh nguy hiểm nhất mà LHQ từng tham gia. Khoảng 250 binh sĩ gìn giữ hòa bình thiệt mạng trong 10 năm qua tại đây.

Sau cuộc đảo chính quân sự tháng 5-2021 ở Mali, chính phủ nước này đã yêu cầu MINUSMA rút quân, đồng thời tuyên bố sứ mệnh của phái bộ này đã thất bại.

Theo kế hoạch ban đầu, căn cứ cuối cùng của MINUSMA sẽ rút khỏi Kidal vào nửa cuối tháng này. Tuy nhiên, căng thẳng an ninh gia tăng buộc LHQ đẩy nhanh tiến độ rút quân khỏi tất cả các căn cứ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phiến quân Mali tuyên bố tiếp quản căn cứ bỏ lại của Liên hợp quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.