Ngày 20-9, Văn phòng Quốc hội ra thông cáo về nội dung làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ ba.
Theo đó, ngày 20-9, phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 6 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2021 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Nhằm đổi mới cách thức tổ chức phiên họp, trên cơ sở tài liệu các cơ quan đã trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên họp, các cơ quan không trình bày các báo cáo mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ dành thời gian cho các cơ quan thẩm định trình bày báo cáo thẩm tra, sau đó, các ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu, đóng góp ý kiến.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo (tóm tắt) thẩm tra các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và Báo cáo (tóm tắt) thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá cao các báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và cho rằng, năm 2021, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các cơ quan của Chính phủ đã làm tốt, có nhiều chuyển biến trên các mặt công tác và nhiều lĩnh vực, nhiều số liệu tốt hơn so với năm trước.
Các đại biểu cho rằng, các báo cáo trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đủ điều kiện để tiếp thu và hoàn chỉnh thêm để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai vào tháng 10 tới.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an Trần Quốc Tỏ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ thêm vấn đề đại biểu nêu.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao được chuẩn bị hết sức cụ thể, sâu sắc và có nhiều đổi mới; trong đó, 2 báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có rất nhiều thông tin với những ý kiến sâu sắc, thẳng thắn. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý cần làm rõ, sâu sắc hơn một số vấn đề cơ bản sau: Về tác động từ bối cảnh chung của đất nước trong năm qua tới hoạt động của các ngành, các lĩnh vực đã nêu trong báo cáo; về kết quả, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm trong thời gian tới; những kết quả tốt cũng như những vấn đề cần khắc phục trong công tác phối hợp giữa các ngành; cập nhật thêm số liệu cho đủ 12 tháng (từ ngày 1-8 đến hết ngày 30-9 đủ 12 tháng) để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ hai.
Trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan cần làm rõ thêm các giải pháp để phát huy những ưu điểm trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và phòng, chống tham nhũng; đồng thời, khắc phục những hạn chế, làm rõ thêm xu hướng xuất hiện một số vụ vi phạm pháp luật mới để có biện pháp xử lý; cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành, tăng cường công tác phối hợp, trong đó, quan tâm đến vấn đề sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các kiến nghị cụ thể với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ, đào tạo lại những cán bộ chuyên sâu đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển trong thời gian tới, gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng kỹ thuật số, xây dựng cơ sở dữ liệu. Ngành tòa án cũng cần phối hợp các cơ quan để nâng cao chất lượng đào tạo hội thẩm nhân dân. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan trình và cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh báo cáo để trình Quốc hội nghiên cứu.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo (tóm tắt) thẩm tra báo cáo của Chính phủ; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo (tóm tắt) thẩm tra các báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Tại phiên họp, các ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, ngành tòa án, ngành kiểm sát trong năm 2021 và cho rằng những kết quả tích cực đạt được trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của hệ thống hành chính, hệ thống tư pháp đã góp phần ổn định trật tự xã hội, phục vụ thành công các sự kiện chính trị lớn của đất nước; đồng thời, đánh giá các cơ quan đã chuẩn bị báo cáo rất cụ thể, sâu sắc, với nhiều số liệu, thể hiện những nội dung đổi mới và có so sánh so với các năm trước. Bên cạnh đó, các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội rất chi tiết, đầy đủ, thẳng thắn, tập trung phân tích tình hình và đề ra các kiến nghị cụ thể cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Các báo cáo cho thấy tình hình khiếu nại, tố cáo trên cả nước số liệu có tăng, có giảm, công tác giải quyết cũng có những mặt tốt lên, có mặt còn chưa đạt chỉ tiêu đề ra; trong các khiếu nại, tố cáo cũng có khiếu nại, tố cáo đúng, có khiếu nại, tố cáo sai, có đúng một phần, có sai một phần. Do đó, đề nghị các cơ quan tiếp tục bổ sung số liệu, hoàn thiện báo cáo.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe đại diện lãnh đạo các cơ quan, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phát biểu tiếp thu, giải trình.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong thời gian tới sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về khiếu nại, tố cáo trong cả nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến nêu trong báo cáo thẩm tra, làm rõ các báo cáo để trình Quốc hội xem xét, trong đó cần thể hiện đúng tinh thần như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo, đó là nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng tình hình, nhận diện đúng vấn đề và làm rõ các số liệu của năm, có so sánh với các năm trước để thấy được bản chất của vấn đề, những việc tăng lên, giảm đi và các nguyên nhân cụ thể, cái gì do dịch Covid-19, cái gì do thể chế, do tổ chức thực hiện, do công tác phối hợp, do chế tài chưa nghiêm, chưa đồng bộ và đề ra các giải pháp phải căn cơ, khả thi, tạo được chuyển biến mới trong thời gian tới. Các số liệu đưa ra phải thống nhất về cách thống kê trong cả nước, thống nhất cách báo cáo, thời điểm đánh giá, thống nhất nhận định và có một số số liệu cần phải có mẫu chung, mẫu đánh giá, phiếu đánh giá chung cho cả nước. Hiện nay, các cơ quan bước đầu đã có cơ sở dữ liệu và đều khẳng định số liệu chính xác, nhưng cũng cần phải rà soát thêm và cập nhật cho đủ.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp với các cơ quan Quốc hội chuẩn bị tốt các nội dung để phục vụ Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội và nghiên cứu kiến nghị các giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài, đồng thời phối hợp nối mạng xây dựng cơ sở dữ liệu chung để theo dõi tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo trong cả nước; các báo cáo cần có đánh giá sâu hơn về nhận định tình hình mới sau dịch Covid-19, đồng thời, có giải pháp chủ động phòng ngừa để khắc phục hạn chế tối đa, không để tích tụ trở thành điểm nóng; cần có các biện pháp tổ chức thực hiện, hướng dẫn chi tiết các biện pháp kiểm tra, đôn đốc, giám sát và các chế tài bảo đảm sự công bằng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.