(HNMO) - Từ cuối tháng 8-2021 đến nay, vào tối thứ sáu hằng tuần, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội thí điểm tổ chức chương trình “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trực tuyến” với tên gọi “Phiên chợ đêm trên mây”. Dù mới đi vào hoạt động, song mô hình đã khẳng định hiệu quả thiết thực, giúp chuỗi cung ứng nông sản không bị đứt gẫy, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tiềm ẩn những diễn biến phức tạp.
Hơn 1.000 đơn hàng được chốt sau 2 giờ trực tuyến
Tối thứ sáu vừa qua (24-9), ông Lương Văn Phương, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) đã tham gia livestream trong chương trình “Phiên chợ đêm trên mây”. Một buổi livestream ngắn khoảng 10 phút, nhưng ông đã bán được hàng trăm quả bưởi. Ông Phương phấn khởi giới thiệu: Bưởi đỏ Đông Cao có màu sắc rất bắt mắt, là giống bưởi quý mà Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao đang gìn giữ và phát triển. Hiện nay, Hợp tác xã có 20 hộ trồng bưởi đỏ với khoảng 1.000 cây. Tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), bưởi đỏ của Hợp tác xã được đánh giá OCOP "4 sao" nên càng khẳng định được giá trị của sản phẩm trên thị trường.
Cũng tham gia “Phiên chợ đêm trên mây”, anh Vũ Văn Ngọc, thành viên Hợp tác xã chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì thông tin: Huyện Ba Vì có lợi thế phát triển chăn nuôi gà thả vườn. Hiện, mỗi tháng, thành viên Hợp tác xã có thể cung cấp ra thị trường từ 20.000 đến 30.000 con gà thịt... “Việc giết mổ, đóng túi hút chân không, tem nhãn truy xuất nguồn gốc được chúng tôi thực hiện đầy đủ nên khách hàng yên tâm về chất lượng sản phẩm”, anh Ngọc khẳng định.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, được tổ chức hình thức trực tuyến tối thứ sáu hằng tuần, mỗi phiên chợ online bên cạnh sự có mặt của chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền, Ban tổ chức còn mời các nhà phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng tham dự, nắm bắt cơ hội hợp tác, liên kết, mua sản phẩm. Riêng buổi kết nối giao thương trực tuyến diễn ra tối thứ sáu vừa qua, chỉ trong 2 giờ, đã có hơn 1.000 đơn hàng được chốt thành công. Đây là kết quả rất đáng khích lệ hỗ trợ người sản xuất...
Đổi mới phương thức tiêu thụ sản phẩm
Để có thành công bước đầu trong việc tổ chức bán hàng trực tuyến, Sở NN&PTNT và Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã có sự chuẩn bị chu đáo. Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực của Văn phòng Điều phối, rào cản lớn nhất của phương thức bán hàng trực tuyến chính là độ tin cậy thông tin từ phía người bán khó được kiểm chứng. Chính vì vậy, sự xuất hiện của bên thứ ba là cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan phối hợp sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc "xác nhận", giám sát các bên thực hiện thỏa thuận, bảo đảm người bán bán hàng đúng chất lượng và người mua có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ khi nhận được hàng. Mặt khác, với sự hỗ trợ của nền tảng khoa học công nghệ, sự tham gia của các đơn vị truyền thông giúp cho thông tin minh bạch hơn...
Để bảo đảm hiệu quả cho mô hình thí điểm kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trực tuyến, Ban tổ chức yêu cầu các chủ thể khi tham gia phải có hồ sơ đầy đủ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn chứng minh chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, phải có bản cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm bán ra tại phiên chợ. Trong phiên chợ, giá bán sản phẩm cũng sẽ được các chủ thể ưu đãi, khuyến khích khách hàng kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn.
Là đơn vị có sản phẩm OCOP tham gia “Phiên chợ đêm trên mây”, bà Lưu Thị Đào, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển ong miền núi (quận Thanh Xuân) cho biết: Việc thực hiện giãn cách xã hội làm cho các kênh phân phối truyền thống không còn phù hợp, tác động đến lưu thông phân phối hàng hóa. Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, nhất là những đơn vị sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, chưa thiết lập được kênh phân phối trực tuyến, có nguy cơ bị đứt gẫy chuỗi cung ứng cho thị trường. Để chuẩn bị cho thành công của các phiên giao dịch trực tuyến, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã tạo điều kiện giúp chủ thể sản xuất, kinh doanh hoàn thành khóa học trực tuyến miễn phí bán hàng online, livestream...
Từ những kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn kỳ vọng sự kiện được duy trì thường xuyên không chỉ với ý nghĩa bán hàng thông thường mà còn góp phần thay đổi phương thức tiêu thụ của người sản xuất và thói quen tiêu dùng của người dân, bảo đảm ổn định chuỗi giá trị nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 nói riêng và xu thế tiêu dùng hiện đại nói chung...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.