“Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về” trong âm hưởng chất chứa những dồn nén đến vỡ òa của một “Hà Nội vang tiếng quân ca” 70 năm về trước (10/10/1954 - 10/10/2024), chúng tôi tìm đến những thước phim tư liệu của đạo diễn nổi tiếng Roman Carmen, đang được họa sĩ, nhà quay phim Lưu Quốc Vinh lưu giữ. Những thước phim mang tên Việt Nam (Việt Nam trên đường thắng lợi ) đã cô đọng một không gian rộng lớn từ “người ra đi đầu không ngoảnh lại” đến chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”… là một bản anh hùng ca mang nhiều giá trị lịch sử với Thăng Long - Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
Nhà quay phim Lưu Quốc Vinh cho chúng tôi xem bản bằng tiếng Nga mà ông đang lưu giữ như một bảo vật quý giá mà các bậc tiền bối của “làng điện ảnh” trao lại cho thế hệ mai sau. Và, từ những mảnh ghép qua vô vàn câu chuyện của ông và dữ liệu lịch sử tìm được, chúng tôi có thể hình dung nhiều hơn về câu chuyện của nhà làm phim Xô Viết với bộ phim tài liệu nghệ thuật nổi tiếng mang tên “Việt Nam”. Nghệ sĩ - chiến sĩ Roman Carmen bằng tình cảm đặc biệt với một đất nước anh hùng đã ghi lại những khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng và ngập tràn xúc cảm của dân tộc Việt Nam.
Từng đứng trong đội hình của Hồng quân Liên Xô trong các chiến dịch máu lửa, cam go mang tính bước ngoặt của cuộc chiến vệ quốc vĩ đại như Leningrad, Stalingrad… hay trận công phá Berlin - sào huyệt của phát xít Đức, Roman Carmen đã ghi lại những khoảnh khắc không thể quên của Thế chiến thứ hai và trở thành một trong những nhà làm phim tài liệu vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Cũng vì vậy, ông được các nhà lãnh đạo Liên Xô chọn đến Việt Nam để ghi lại những hình ảnh trong thời khắc lịch sử vĩ đại của một dân tộc anh hùng như “biểu trưng hy vọng cho tất cả các dân tộc bị áp bức và nô dịch”.
Từ những tư liệu mà Tiến sĩ Anatoly Sokolov - Viện Đông Phương học (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) để lại, có thể hình dung: Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ mang tinh thần quật cường của người dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu vì nền độc lập, tự do của dân tộc đến với thế giới, mà còn minh chứng cho một tất yếu lịch sử là “chế độ thực dân không thể thoát chết và không có tương lai”.
“Nhân dân Liên Xô rất phấn khởi khi nghe về chiến thắng Điện Biên Phủ của những người anh em Việt Nam và muốn trực tiếp ghi lại những chiến công hiển hách này. Vì thế, một đoàn làm phim thời sự tài liệu Liên Xô đã lên đường tới Việt Nam trong thời khắc lịch sử đó. Đoàn làm phim có 3 người: Đạo diễn nổi tiếng Roman Carmen và hai nhà quay phim Epghen Mukhin và Vladimia Eshurin. Nhiệm vụ của những nhà điện ảnh Liên Xô là quay một bộ phim ghi lại cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì nền độc lập của đất nước mình…”.
Trước khi rời Moskva, đoàn làm phim đã gặp ông Nguyễn Lương Bằng - Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô lúc bấy giờ. “Nhân dân chúng tôi rất nóng lòng chờ các đồng chí Liên Xô sang Việt Nam” - không chỉ thỏa mãn nhiều câu hỏi, ông Nguyễn Lương Bằng còn mang đến các nhà làm phim những ý kiến về việc vận chuyển máy móc quay phim, lưu giữ phim ảnh…
“Các đồng chí sẽ phải tiến hành nhiều công việc khó khăn và nặng nhọc, nhưng chính phủ và các đoàn thể xã hội của chúng tôi sẽ giúp đỡ các đồng chí và làm tất cả những gì có thể làm được trong điều kiện phức tạp của thời chiến” - Đại sứ Nguyễn Lương Bằng nói với các nhà làm phim Xô Viết.
Ngày 16-5-1954, Đạo diễn Roman Carmen cùng các đồng sự lên chiếc máy bay dành riêng cho đoàn làm phim với hơn 900kg thiết bị máy móc, vật tư phim ảnh. Ngày ấy, không có máy bay đường dài nên họ phải dừng chân ở nhiều điểm và sau hai ngày mới tới được Bắc Kinh. Tại đây, đoàn làm phim chuyển máy bay để đến một thành phố ở phía Nam Trung Quốc, chặng đường còn lại đi bằng xe lửa đến gần biên giới rồi đi đường bộ. Đến ngày 24-5-1954, các nhà làm phim Roman Carmen, Epghen Mukhin, Vladimia Eshurin mới vượt quan biên giới Trung - Việt để vào Chiến khu Việt Bắc.
Tại Việt Bắc, Roman Carmen và các đồng nghiệp đến từ nước Nga đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ngôi nhà tre của Người trên rừng Việt Bắc và ghi lại ấn tượng đặc biệt của lần tiếp xúc đầu tiên ấy: “Một người Việt Nam mặc bộ quần áo bình thường bằng chất liệu cotton màu nâu khoét cổ áo sâu bước ra gặp chúng tôi và nói: “Xin chào các đồng chí!" bằng tiếng Nga thành thạo. Tôi đã bị ấn tượng bởi sự khiêm tốn, vô cùng thân thiện và tư duy logic rõ ràng, khả năng nắm bắt bản chất vấn đề một cách nhanh chóng của Người… Chủ tịch Hồ Chí Minh hứa giúp đỡ chúng tôi, nhưng nhất quyết không muốn để chúng tôi đi xe vào ban ngày, mặc dù chúng tôi bảo đảm rằng mình là những nhà báo giàu kinh nghiệm, đã quen làm việc ở mặt trận trong những năm chiến tranh Vệ quốc…”. Trong quá trình làm phim đạo diễn Roman Carmen thường xuyên tìm đến Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhận được những lời khuyên thiết thực.
Để chạy đua với thời gian, các nhà làm phim Liên Xô đã chia thành ba nhóm, Roman Carmen ở lại chiến khu Việt Bắc, gặp gỡ, thực hiện các cảnh quay về những vị lãnh đạo của dân tộc Việt Nam; nhóm của Vladimia Eshurin đến các tỉnh khu IV ghi lại đời sống thường nhật của người dân trong kháng chiến và nhóm của Epghen Mukhin có sự tham gia của nhà văn Nguyễn Đình Thi lên Điện Biên làm phim về cuộc chiến đấu của những người chiến sĩ “gan không núng, chí không mòn”. Việt Nam (Việt Nam trên đường thắng lợi) - bộ phim tài liệu nghệ thuật chất chứa tình cảm của các nhà làm phim Xô Viết bắt đầu bấm máy. Và mỗi người trong đoàn làm phim đều nỗ lực hết mình để phản ánh chân thực nhất những thời điểm lịch sử quan trọng, tạo nên một bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam.
Ảnh: Tư liệu - Roman Carmen
Trong mắt giới điện ảnh, “Việt Nam” của Roman Carmen là một bộ phim về chiến tranh đã chạm đến cảm xúc và trái tim khản giả bởi sự thật lịch sử. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảnh quay thật và cảnh dàn dựng để tạo nên một sức hút mãnh liệt. Những thước phim về quân và dân ta mang máy móc rời Thủ đô lên rừng kháng chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong căn hầm chỉ huy chiến dịch, bộ đội kéo pháo vào trận địa, những trận đánh “máu trộn bùn non”, chiến sĩ ta ào ạt xông lên, phất cao cờ chiến thắng trên nóc hầm De Castries…, hay kỹ sư Trần Đại Nghĩa chế tạo vũ khí trong căn lán nhỏ, Giáo sư Tôn Thất Tùng thực hiện những ca mổ trong điều kiện khó khăn, Giáo sư Đặng Văn Ngữ tạo ra nước lọc penicillin từ giống nấm mang ở Nhật Bản về, họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ những bức tranh cổ động trên núi rừng Việt Bắc… và những điệu múa, lời ca của đồng bào Thái, Mường, khung cảnh nên thơ giã gạo cùng suối nước… đã mang đến một sự thật lịch sử giàu cảm xúc về cuộc “kháng chiến trường kỳ”.
Trong câu chuyện này, không thể không nhắc tới cuộc đối thoại giữa Đạo diễn Roman Carmen và Thiếu tướng De Castries: “Tướng quân, ông có cho rằng sự thất bại của quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ đánh dấu sự khởi đầu của một chuỗi thất bại trong tương lai không? Phải chăng sự thất bại ở Điện Biên Phủ đánh dấu sự suy sụp tinh thần của quân viễn chinh Pháp? Hẳn vậy rồi! Không chỉ bây giờ tôi mới nói điều này, mà nhiều lần tôi đã nói với Navarre: Nếu ông để mất Điện Biên Phủ thì ông sẽ thua trong cuộc chiến ở Đông Dương. Bất kể kết cục nào của Điện Biên Phủ, dù thắng hay thua đều sẽ là kết cục cuối cùng của cuộc chiến”.
Với những thước phim về cảnh bắt sống Tướng De Castries và binh sĩ kéo cờ trắng ra hàng ở Điện Biên Phủ, Tiến sĩ Anatoly Sokolov đã bình luận: “Cảnh hàng nghìn tù binh Pháp lũ lượt diễu qua ống kính như biểu tượng của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung”.