Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phía sau những bản án

Đan Nhiễm| 18/12/2015 06:26

(HNM) -Hôm qua, vụ thảm án giết 6 người trong một gia đình xảy ra ở Bình Phước tạm thời khép lại với 2 án tử hình và 1 án 16 năm tù cho những sát thủ


Nhưng phía sau nỗi đau của gia đình nạn nhân còn có một nỗi đau khác đối với xã hội khi ngày càng phải chứng kiến nhiều hơn những vụ thảm án bắt nguồn từ lý do tưởng chừng nhỏ nhặt; những kẻ được nhận xét là hiền lành bỗng chốc quay ngược trở thành "sát thủ"; đặc biệt là những thống kê gần đây cho thấy, tội phạm ngày càng trẻ hóa. Đây chính là mối lo của toàn xã hội hiện nay và câu hỏi vì sao dẫn đến tình trạng trên vẫn luôn nhức nhối?

Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) gần đây đã công bố kết quả nghiên cứu về tội phạm giết người với trên 4.000 phạm nhân đang thụ án cho thấy những con số giật mình: 14% đối tượng có độ tuổi từ 14 - dưới 18; 41% có độ tuổi từ 18 - dưới 30; 34% có độ tuổi từ 30 - dưới 45 và 8% ở các độ tuổi còn lại.

Hoàn cảnh gia đình tội phạm là: 11% có bố mẹ ly hôn, 29% số bố mẹ không đáp ứng nhu cầu của các em như ăn ở, giáo dục, 5% bị bố mẹ từ chối nuôi dưỡng và giáo dục, 45% do bố mẹ chỉ biết kiếm tiền mà không quan tâm đến con cái. Điều đáng lo ngại là nếu như trước đây, hành vi phạm pháp hình sự của người chưa thành niên chỉ khu biệt ở nhóm tội xâm phạm sở hữu; gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thì nay ở tội danh nào cũng có sự góp mặt của trẻ vị thành niên.

Đi tìm nguyên nhân của thực trạng tội phạm trẻ hóa có thể thấy rất nhiều lý do. Cụ thể là xã hội mở hiện nay có rất nhiều sức ép, từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, từ việc làm, lao động và từ những giá trị cuộc sống thay đổi đã khiến một bộ phận dân chúng, nhất là giới trẻ đã có sự thay đổi về mặt nhận thức, hành vi. Chúng ta thấy không ít những hành vi xấu xa, bạc ác, tàn nhẫn trước đây thường bị lên án, bị xử lý và trừng trị rất nghiêm khắc, trong xã hội lên án rất mạnh mẽ nhưng ngày nay, những việc này đối với nhiều người lại trở thành bình thường.

Khi đạo đức, nhận thức, lối sống biến đổi theo chiều hướng tiêu cực và đặc biệt là giá trị của đồng tiền được trọng vọng, được coi đó là mục đích tối thượng để người ta chạy theo, là nguồn cơn dẫn đến những xung đột, tranh đoạt... Trẻ vị thành niên do chưa có sự "đề kháng xã hội" nên gặp tình huống ứng xử chưa chuẩn mực từ người lớn đem lại, lại được cổ súy dẫn đến lầm tưởng và sa ngã rất nhanh cũng không quá khó hiểu.

Trong khi đó, xét ở một góc độ khác thì vai trò giáo dục của nhà trường và xã hội đối với giới trẻ hiện nay đã mờ nhạt hơn trước. Phương pháp giáo dục truyền thống "tiên học lễ, hậu học văn" của nền giáo dục xưa giờ đang bị coi là lỗi thời, lạc hậu. Hệ thống giáo dục có vẻ tập trung vào dạy kiến thức, chạy theo thành tích nhiều hơn là dạy các em về nhân cách, về văn hóa ứng xử, về trách nhiệm công dân đối với cộng đồng.

Điều đó dẫn đến hệ quả là cho ra lò những sản phẩm giáo dục méo mó về nhân cách. Ranh giới giữa thầy - trò, cha mẹ - con cái, trên - dưới đã không còn chuẩn mực để lại nhiều hệ lụy, nhất là niềm tin, lý tưởng của nhiều người trẻ bị phai nhạt trước những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống. Song, điều quan trọng nhất là sự thiếu quan tâm giáo dục của gia đình. Hiện nay, nhiều cha mẹ rất giỏi kinh doanh và cứ nghĩ cho con tiền tiêu thoải mái là quá đủ. Nhiều phụ huynh khi cơ quan công an gọi hỏi thì mới ngã ngửa ra rằng mình toàn cho tiền để con đi chơi chứ không phải là đi học…

Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước. Do đó, cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc giáo dục, định hướng cho giới trẻ lý tưởng sống tốt đẹp, cung cấp những kỹ năng sống cần thiết để các em có đủ bản lĩnh, tự tin khi bước vào cuộc sống.  

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phía sau những bản án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.