(HNM) - Đã vài ngày qua kể từ khi kết thúc kỳ thi đại học, dư âm của việc ra đề thi môn văn khối C, D vẫn chưa dứt. Hôm qua, báo mạng đưa tin nhiều người trẻ, chủ yếu là "fan" hâm mộ "sao" ca nhạc Hàn Quốc vẫn có động thái chỉ trích việc ra đề thi của Bộ GD-ĐT.
Trước đó, đã có sự băn khoăn rằng, liệu câu hỏi ra theo hướng mở thì chất lượng chấm thi sẽ ra thế nào, có chính xác và bảo đảm sự công tâm hay không?… Đằng sau những phản hồi về việc ra đề thi đại học năm nay, có thể thấy nhiều điều quan trọng, thậm chí là ở mức độ liên quan đến cách thức dạy - học trên bình diện quốc gia chứ không chỉ là việc ra đề thi như thế nào.
Một phần trong đề thi môn văn năm nay mở ra cơ hội cho thí sinh sáng tạo, thể hiện tư duy riêng chứ không tạo lợi thế cho người quen học thuộc lòng. Nó bao chứa các vấn đề xã hội quan trọng, liên quan trực tiếp tới nếp nghĩ, lối sống, quan điểm của giới trẻ, bởi vậy mà rõ tính thiết thực, cần thiết. Đề thi môn địa lý cũng cho thí sinh thêm cơ hội quan tâm đến vẻ đẹp, tiềm năng đất nước mình, ít nhiều khơi gợi ý thức về tài sản quốc gia, bởi vậy mà không xa rời đời sống, thời cuộc… Chỉ nói vài ý trên, có thể thấy đó là lối ra đề cần được ủng hộ. Nó tốt cho sự phát triển tư duy lành mạnh, buộc thí sinh phải bộc lộ quan điểm riêng về một (vài) vấn đề xã hội, như quan niệm về thần tượng và sự mê muội thái quá, qua đó nhà quản lý giáo dục có thể rõ hơn về học sinh của mình, những thiếu hụt cần bù đắp.
Có một câu hỏi sau những gì đã diễn ra: Sau vài năm có sự "cách tân" trong việc ra đề thi đại học, như là ra đề theo lối mở, gần với thực tiễn, những lề lối dạy - học có sự khác so với đa số trường, liệu đã đến lúc đánh giá nghiêm túc về hiệu ứng từ việc tưởng chừng không quá quan trọng đối với cả nền giáo dục và từ đó xác định những điều chỉnh cần có ở cấp vĩ mô - cả về chương trình và phương thức dạy và học. Ít nhất, như nhiều người mong muốn là làm sao phát huy cao nhất năng lực tự học, tự chủ, biết thoát ra khỏi sự lệ thuộc khuôn khổ để phát triển tư duy sáng tạo - những điều cần cho giới trẻ tự tin vào đời.
Cách đây ít tuần, trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới, một nhà nghiên cứu có nói, đại ý là nên coi việc điều chỉnh nội dung, thậm chí viết lại sách giáo khoa là chuyện bình thường. Nhưng vấn đề quan trọng hơn vẫn là cải cách quy trình dạy như thế nào, học như thế nào, theo hướng "cùng nhau trao đổi" chủ động tiếp cận hơn là mang màu sắc "cho" và "nhận" đơn thuần, thụ động. Với học sinh, học cũng như ăn vậy, cũng có nhu cầu ăn những thức ăn hợp với nhu cầu cá nhân ngoài những món cơ bản. Người hợp với món nào thì ăn nhiều món đó, trên cơ sở bảo đảm dinh dưỡng đủ để phát triển. Với sự học, nếu có được một sự uyển chuyển nhiều hơn, giới trẻ hẳn có điều kiện bộc lộ sở trường, năng khiếu sớm và từ đó, nhà giáo dục biết phải bồi bổ cho họ những gì. Thông qua việc điều chỉnh nội dung kiến thức cần có, theo hướng gần thực tiễn, thiết thực hơn, ta cũng có thể có được nhiều lứa học trò không bỡ ngỡ, xa lạ hay thờ ơ với những trào lưu, xu hướng và quan trọng là biết cách ứng xử phù hợp, vì lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội.
Một vài kỳ thi, một vài cách thức dạy - học khác "truyền thống" ở một hai cơ sở giáo dục mới chỉ là những tín hiệu đầu tiên, còn cần sự đánh giá khách quan, toàn diện. Việc hẳn là không dễ, nhưng cũng không dễ bỏ qua trước khi xem xét thấu đáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.