Nông nghiệp - Nông thôn

"Gỡ khó" cho làng nghề

Nguyễn Mai 07/07/2023 - 06:12

Nguyên liệu là điều kiện đầu vào quan trọng trong sản xuất của làng nghề, nhưng do thiếu liên kết, thiếu quy hoạch… nguyên liệu sản xuất cho nhiều làng nghề đang dần khan hiếm, ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của người làng nghề, đặc biệt là khó bảo đảm lượng hàng cho xuất khẩu. Những khó khăn đó rất cần sớm khắc phục để làng nghề là mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông thôn.

lang-nghe.jpg
Sản xuất đồ gốm tại làng nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang

Nan giải bài toán nguyên liệu

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, với hơn 800 làng có nghề và hơn 300 làng nghề đã được thành phố công nhận theo tiêu chí, Hà Nội được ví là “đất trăm nghề” và có nhu cầu rất cao về nguồn nguyên liệu, trong khi đó, do đặc thù là Thủ đô, diện tích sản xuất có hạn nên nguyên liệu cơ bản phải nhập từ địa phương khác.

Cụ thể, theo tính toán, nhu cầu nguyên liệu để sản xuất gốm sứ hằng năm của 3 làng nghề: Bát Tràng, Giang Cao, Kim Lan khoảng trên 10.000 tấn đất sét trắng. Nguồn nguyên liệu này chủ yếu nhập từ các tỉnh trong nước và nhập khẩu. Đối với nhóm nghề mây tre đan, riêng huyện Chương Mỹ mỗi năm tiêu thụ khoảng 600 tấn mây, 700 tấn song và 500.000 cây tre, nứa, giang…

Trước đây, các hộ làm nghề mây tre đan thường mua nguyên liệu từ tỉnh Hòa Bình với chi phí vận chuyển thấp nhưng hiện tại, nguyên liệu ở đây đã khai thác gần hết, người dân phải khai thác ở các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An... chi phí vận chuyển tăng dẫn tới giá nguyên liệu cũng cao hơn.

Tương tự, tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều địa phương. Ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phân tích, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm và giá nguyên liệu tăng nhanh trong khi giá xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ lại khó tăng. Ví dụ ngành gốm sứ, giá đất sét tăng trên 90% trong 5 năm gần đây, giá cao lanh cũng tăng 75%... Do giá nguyên liệu tăng cao nên lợi nhuận của các doanh nghiệp gốm sứ ngày càng giảm.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh cho biết, cả nước hiện có khoảng 600 làng nghề đan lát sử dụng nguyên liệu chủ yếu là tre, song, mây, cói... trong bối cảnh có khoảng 1,5 triệu héc ta họ tre với khoảng 9,5 tỷ cây. Bình quân mỗi năm, cả nước khai thác 500-600 triệu cây trong khi nhu cầu tiêu thụ 900-1.000 triệu cây. Do đó, nhiều doanh nghiệp, làng nghề sản xuất hàng mây tre đan phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Lào, Campuchia. Vùng nguyên liệu song, mây có diện tích xen lẫn gỗ là khoảng 382.000ha, sản lượng khoảng 30.000-40.000 tấn/năm, trong khi nhu cầu sử dụng khoảng 80.000 tấn.

Bên cạnh đó, cả nước cũng có khoảng 118 làng nghề, 5.580 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản. Sản lượng gỗ khai thác trong nước mới chỉ đạt 18,6 triệu mét khối. Hằng năm, các làng nghề vẫn phải nhập khẩu khoảng 5-6 triệu mét khối gỗ tròn từ Lào, Nam Phi, Nga...

Theo đánh giá của Bộ NN& PTNT, nguyên nhân chủ yếu là do vùng nguyên liệu khai thác tự nhiên ngày càng cạn kiệt, khó khai thác; nhiều địa phương chịu áp lực từ quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa; một số địa phương chưa có quy hoạch hay chương trình phát triển lâu dài cho vùng nguyên liệu. Nhiều loại giống cây trồng đang bị thoái hóa; công nghệ sơ chế, chế biến nguyên liệu còn lạc hậu dẫn đến sản phẩm không đồng nhất về chất lượng, khó cạnh tranh. Ngoài ra, hiện còn thiếu sự liên kết giữa các làng nghề và vùng nguyên liệu để sản xuất theo nhu cầu...

Tăng cường kết nối vùng nguyên liệu

Để tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu cho các làng nghề, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề, ngành nghề nông thôn do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, nhiều ý kiến từ nhà quản lý và cơ sở sản xuất tại các làng nghề đã đề xuất một số giải pháp.

Ông Nguyễn Xuân Mai, Giám đốc Công ty Ngọc Động (Hà Nam) chuyên sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu cho rằng, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc cấp các loại chứng chỉ cho vùng nguyên liệu bền vững. Nhà nước cần hỗ trợ giống, quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đường đi để thuận tiện khai thác vùng nguyên liệu cũng như phối hợp đào tạo, chuyển giao công nghệ cho người dân.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Cường thông tin, địa phương có diện tích tre, nứa, luồng, vầu lớn nhất cả nước với 128.000ha, nhưng giá trị sản xuất của tỉnh còn thấp so với tiềm năng, lợi thế; các cơ sở sản xuất, chế biến tre luồng trong tỉnh mới chỉ tiêu thụ được khoảng 40% sản lượng, 60% còn lại do thương lái thu mua, tiêu thụ tại nơi khác. Địa phương mong muốn liên kết với các làng nghề trong cả nước để tạo đầu ra tốt cho vùng nguyên liệu.

Cũng tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương cần tập trung phát triển vùng nguyên liệu - đây là hướng đi còn nhiều dư địa để phát triển nhưng chưa được quan tâm nhiều. Các đơn vị, ban, ngành cần xác định xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, chính sách nhằm hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp…

Bộ NN&PTNT cũng gợi mở các doanh nghiệp nên thành lập thêm hiệp hội, khuyến khích hình thành các mô hình đổi mới sáng tạo để tăng sức cạnh tranh; nên hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo, xây dựng hiệp hội có tiếng nói chung trong phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề; cần xây dựng các trung tâm logistics của ngành nghề nông thôn để hỗ trợ doanh nghiệp; hình thành công nghiệp phụ trợ cho hàng thủ công mỹ nghệ…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Gỡ khó" cho làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.